» » » Năm 2015 - Ngành tôm Thái Lan với nhiều nỗi lo

Thái Lan từng là nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, nhưng do bị ảnh hưởng bởi Hội chứng tôm chết sớm (EMS), thị phần trên thị trường thế giới giảm 10% từ 30-40% trong năm 2012. Theo thống kê của Trung tâm Thương mại thế giới, năm 2012xuất khẩu tôm của Thái Lan đạt 3,1 tỷ USD nhưng sang đến 2013, giảm xuống còn 2,28 tỷ USD và giảm xuống còn 2 tỷ USD trong năm 2014.


5 tháng đầu năm 2015xuất khẩu tôm của nước này đạt 591 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2014 (684 triệu USD). Trong đó, xuất khẩu sang 3 thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản và EU) lần lượt giảm 10%, 19%54%.

Sản lượng tôm có thể tăng năm 2015

Cuối năm 2012, dịch EMS bắt đầu xuất hiện ở Thái Lan và nhanh chóng tàn phá ngành tôm nuôi của nước này với hơn 90% là tôm chân trắng. Năm 2013, sản xuất tôm của Thái Lan gặp khó khăn với sản lượng giảm từ mức 540.000 tấn năm 2012 xuống còn 250.000 tấn năm 2013.

Năm 2014, mặc dù EMS đã được kiểm soát tốt hơn nhưng những hậu quả mà EMS để lại cho sản xuất tôm của nước này còn rất nặng nề với 250.000 tấn.

Năm 2015, Hiệp hội tôm Thái Lan (TSA) dự kiến sản lượng tôm tăng 20-25% đạt khoảng 300.000 tấn do ngành tôm nước này đã biết cách đối phó với dịch EMS.

Xuất khẩu tôm vẫn phải đối mặt với khó khăn

Trên thị trường Mỹ, Thái Lan đang vấp phải sự cạnh tranh mạnh về giá xuất khẩu so với các nước đối thủ như Indonesia, Ấn Độ, Ecuador. Tháng 4/2015, giá xuất khẩu trung bình của Thái Lan sang Mỹ đạt 11 USD/kg, cao hơn Indonesia (10 USD), Ấn Độ (10 USD) và Ecuador (7,8 USD). Indonesia đang sắp bước vào kỳ nghỉ lễ Ramadan do vậy người nuôi tôm tại đây đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ để kiếm tiền để tiêu dùng cho kỳ nghỉ này.

Ngành tôm Thái Lan còn phải đối mặt với khó khăn trong việc duy trì khả năng cạnh tranh sau khi nước này bị Mỹ liệt vào danh sách các nước có nạn buôn người nghiêm trọng nhất thế giới trong tháng 6/2014. Sự việc này có tác động không nhỏ tới xuất khẩu tôm của Thái Lan năm 2014 và năm 2015.

Ngày 1/1/2015, EU đã chấm dứt ưu đãi thuế quan với hơn 6.200 sản phẩm của Thái Lan, trị giá 252 triệu USD trong đó có tôm theo cơ chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP). Sau khi GSP kết thúc, thuế đối tôm đông lạnh xuất khẩu sang EU sẽ tăng gấp 3 lần từ 4,2% lên 12%. Năm 2015, nếu kinh tế EU chưa thoát khỏi khủng hoảng, xuất khẩu từ Thái Lan sang EU vẫn khó khăn.

Từ đầu năm 2015, đồng bạt tăng 15,3% so với EUR trong khi tháng 4/2015, đồng tiền này tăng 25% so với VND và 32% so với rupiah của Indonesia. Điều này ảnh hưởng không tốt tới giá tôm xuất khẩu của Thái Lan so với các nước đối thủ.

Nguồn cung tôm từ các nước sản xuất tôm chính trên thế giới (Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia) dự kiến tăng trong khi giá tôm trên thị trường thế giới vẫn đang giảm cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm của Thái Lan.

Nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ đối với tôm Thái Lan chưa tăng do lượng tồn kho nhập khẩu từ năm 2014 vẫn cao và các nhà nhập khẩu còn chờ giá giảm thêm.

Giải pháp của ngành tôm

Hiệp hội tôm Thái Lan đang hối thúc chính phủ nước này tăng cường đàm phán thỏa thuận thương mại với EU để dỡ bỏ các rào cản hiện tại để khai thông xuất khẩu sang thị trường này.

Thái Lan cũng đang đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng để có thể tồn tại trong bối cảnh khó khăn.

Do bị ngừng GSP từ EU, Thái Lan chuyển sang tập trung vào các thị trường Mỹ và Nhật Bản. Hiện các nhà cung cấp Thái Lan đang đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và tìm tới các thị trường như Australia, New Zealand và các thị trường châu Á khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường lớn như Mỹ và EU.

TSA dự kiến xuất khẩu tôm Thái Lan tăng 20% lên khoảng 180.000 - 200.000 tấn, trị giá 2,27 - 2,42 tỷ USD trong năm 2015.

Kim Thu (vasep)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: