Nhận thấy mô hình trồng rau mùi tây, theo hướng nông nghiệp sạch đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà Phạm Thị Cúc (64 tuổi, Lạc Dương, Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư. Đến nay, mỗi năm vườn mùi mang lại cho bà Cúc thu nhập hơn 1 tỷ đồng.
“Bà chúa rau thơm”
Không khó để tìm đến nhà vườn của bà Cúc, dù nó nằm sâu trong vùng rừng núi ở tiểu khu 227A, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). “Đại gia rau mùi” hay “bà chúa rau thơm”... là những danh xưng thân thiện mà người dân nơi đây “đặt” cho bà Cúc với sự thành công trong nông nghiệp sạch.
Được biết, sau khi nghỉ nghề giáo, bà Cúc cùng gia đình đầu tư vào kinh doanh bất động sản và bị thua lỗ. Nhằm mưu sinh, năm 2001 gia đình bà thuê đất ở TP. Đà Lạt để trồng rau và kinh doanh du lịch.
Bà Cúc bên vườn mùi tây nhà mình
Mới bước chân vào nghề trồng rau, bà thấy công việc này khá bấp bênh nhưng hàng ngày việc chăm sóc những luống rau xanh tươi khiến bà thấy thích thú. Cũng chính sự “mê vườn” đã giúp bà gắn bó với công việc trồng rau sâu đậm hơn. Sau vài năm làm vườn bà cũng tích cóp được một số tiền và mua miếng đất ở Đạ Nghịt để trồng rau và trồng hoa.
“Mới bắt đầu làm vườn thì tôi trồng tùm lum các loại rau, cứ người ta bày cái gì thì làm cái đó, quy mô lúc đấy nhỏ mà chỉ trồng theo phương pháp thường”, bà Cúc chia sẻ. Nhận thấy thị trường rau Đà Lạt thiếu một gia vị mà du khách nước ngoài hay quan tâm tới, sau khi thảm khảo sách báo bà Cúc “nảy” ra ý tưởng trồng rau mùi giống Pháp.
Tuy nhiên, điều khó khăn nhất lúc này là rau mùi tây chỉ hướng tới người dùng nước ngoài. Tức là chiếm lượng tiêu thụ rất ít, trong khi chi phí đầu tư sản xuất và hạt giống nhập khẩu giá cao, khả năng thua lỗ là rất lớn nhưng bà vẫn quyết định thực hiện.
Khó khăn lớn nhất mà bà Cúc không thể ngờ tới đó là, mua hạt giống rau mùi tây không dễ dàng. Chật vật tìm hiểu một thời gian bà cũng mua được một số lượng nhỏ hạt giống như: chervil (ngò rí tây), basil (quế tây), chocolate mint (bạc hà tây tím), thyme (xạ hương ), rosemary (hương thảo), parsley (ngò tây), dill (thì là tây)...
Ngay khi có hạt giống, bà Cúc bắt tay vào trồng thử nghiệm ngay. Nhưng những loại rau “Tây” này còn khá lạ lẫm với người Việt, qua tìm hiểu thì không ai biết trồng loại rau này ra sao. Cuối cùng, bà Cúc đành tự mò mẫm gieo trồng, chăm sóc y như trồng các loại rau công nghệ cao ở Đà Lạt, vừa làm vừa theo dõi để điều chỉnh kỹ thuật canh tác.
Sau gần hai tháng, vườn rau mùi Tây trong nhà kính với gần 20 loại đã đâm chồi, phủ xanh mặt đất và cũng đến độ cho thu hoạch. Trước khi bắt tay vào trồng mùi Tây, bà Cúc cũng đã tiếp cận được một siêu thị lớn trong nước đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho gia đình bà.
Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ rất nhỏ mỗi ngày chỉ bán được 2-3kg, phần còn lại đều phải đổ bỏ. Cứ như vậy hơn nhiều tháng liền, sản phẩm làm ra không bán được dẫn đến thua lỗ nhưng bà Cúc vẫn kiên trì sản xuất và đưa ra thị trường để người tiêu dùng làm quen dần, hy vọng sẽ tìm được “chỗ đứng” trong tương lai.
Mãi đến năm 2006, rau mùi bà Cúc dần chiếm lĩnh được thị trường và được mọi người ưa chuộng hơn. Lúc này, khi đã đảm bảo được đầu ra, bà bắt đầu đầu tư mạnh hơn vào trồng rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Nhật ký làm vườn
“Mỗi ngày khi làm vườn tôi đều ghi nhật ký, nhờ ghi chép đầy đủ và theo dõi cây sinh trưởng hàng ngày nên tôi mới dễ dàng rút ra kinh nghiệm để điều chỉnh cách chăm sóc cây. Chính điều đó giúp tôi thành công với loại rau Tây này”, bà Cúc chia sẻ.
Từ cuốn nhật ký hàng ngày, bà Cúc đã nghiệm ra được rất nhiều bài học từ việc tưới nước, bón phân, xử lý sâu bệnh như thế nào và tính được thời gian sinh trưởng, phát triển của cây ra sao.
Cũng theo bà Cúc, cây được trồng trên luống trong nhà kính và tưới bằng hệ thống nhỏ giọt cũng quan trọng một phần, nhưng quan trọng nhất đối với cây rau mùi là phải xử lý đất thật tốt trước khi trồng bằng phân hữu cơ và thường xuyên làm tơi xốp đất, thoáng khí, giữ vườn sạch sẽ, rau mới phát triển tốt và có mùi thơm nhiều hơn.
“Nếu phát hiện có dấu hiệu sâu bệnh, côn trùng gây hại thì cần dùng các loại dầu từ thực vật như dầu tỏi, dầu cam... để xua đuổi và đảm bảo được cây luôn sạch, an toàn cho người tiêu dùng”, bà Cúc nói.
Nhờ làm ăn uy tín, có đối tác đảm bảo đầu ra và cung cấp thêm cho các nhà hàng lớn trong nước, bà Cúc mở rộng dần diện tích lên 5.000 m2 trồng 20 loại rau mùi có nguồn gốc từ Pháp trong nhà kính, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Hiện mỗi ngày vườn nhà bà Cúc cung cấp ra thị trường từ 30 - 40 kg rau mùi các loại, có ngày nhiều thì lên đến 50 kg, với giá từ 70.000 - 250.000 đồng/kg, tổng thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động là người dân tộc tại chỗ.
Ngọc Hà (Dân Trí)
Không có nhận xét nào: