Cùng với việc không mở rộng diện tích trồng mới cây mắc ca, tỉnh Đắk Lắk còn khuyến cáo đồng bào các dân tộc không được sử dụng hạt, cây mắc ca ghép không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu, chè nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại cho đồng bào.
Vườn cây mắc ca. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Theo tỉnh Đắk Lắk, đây là cây trồng dài ngày, sau 7 năm mới cho thu hoạch, suất đầu tư lớn, khả năng rủi ro trong sản xuất cao.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến cây mắc ca để đồng bào các dân tộc, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa biết để thực hiện.
Theo đó, các đơn vị chức năng khuyến cáo người dân chỉ trồng cây mắc ca thực nghiệm với diện tích hẹp, hoặc trồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu, chè bằng các giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận như H2, OC, 246, 816.
Đây là các giống mà Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên và nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc đã trồng cho năng suất 9 kg hạt/cây/năm.
Cũng theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, trọng lượng hạt và tỷ lệ nhân của các giống mắc ca này khá tốt so với vùng nguyên sản cũng như các khu vực trồng mắc ca trên thế giới.
Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thành phố, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cung ứng, kinh doanh hạt giống, cây mắc ca ghép không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng nhằm góp phần giảm thiệt hại cho đồng bào các dân tộc.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong hai năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk do chạy theo phong trào, tự phát ồ ạt mở rộng diện tích cây mắc ca, đưa giá cây giống tăng vùn vụt, từ 20.000 - 25.000 đồng/cây năm 2013 tăng lên 160.000 - 180.000 đồng/cây vào thời điểm hiện nay.
Nghiêm trọng hơn, phần lớn đồng bào các dân tộc sử dụng nguồn giống cây mắc ca đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trồng. Hiện toàn tỉnh có diện tích cây mắc ca trên 110 ha, tập trung nhiều nhất ở các địa phương như Lắk, Krông Năng, M’Đrắk.
Qua kiểm tra các vườn mắc ca đã trồng từ 7 - 8 năm cho thấy, cây phát triển khá tốt, nhưng tỷ lệ đậu quả không đạt, hoặc không đậu quả làm thiệt hại lớn cho đồng bào các dân tộc./.
Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)
Không có nhận xét nào: