Giá khoai lang tím Nhật Bản loại đạt chuẩn xuất khẩu hiện chỉ còn 80.000 đồng/tạ (60kg), mức giá thấp “kỷ lục” từ trước đến nay, khiến hàng nghìn nông dân Vĩnh Long lâm vào cảnh nợ nần tay trắng. Những ruộng khoai đến ngày thu hoạch bỏ hoang, bị bơm nước cho ngập úng hay mặc tình cho người khác “hôi khoai”. Những ruộng khoai non, chuẩn bị cho củ cũng chung số phận, hoặc bị cắt dây cho gia súc ăn cho… đỡ tiếc.
Trắng tay vì thua lỗ
Giá khoai lang giảm sâu, nhiều nông dân trắng tay vì thua lỗ.
Về “vương quốc” khoai lang Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long những ngày này không còn thấy cảnh lao động tất bật trên những cánh đồng khoai lang xanh ngút ngát. Thay vào đó là không khí tẻ nhạt, đồng ruộng vắng bóng người lao động.
Men theo tỉnh lộ 908 thuyên thẳng vào trong ruột của “vương quốc” khoai lang Bình Tân hang chục cây số, tôi mới bắt gặp vài chiếc lều bạc che hờ hững trên đồng để thu hoạch khoai lang. Thế nhưng, khi bắt chuyện, nông dân không buồn trả lời. Họ cứ xua tay nguây nguẩy, bảo, chán ngán lắm rồi. Lỗ tới xương, có gì đâu mà nói. Thậm chí là không cho chụp ảnh, ghi hình. Phải đi tiếp vài cây số nữa mới thấy một lều bạc khác nằm chơ vơ giữa đồng.
Phải nài nỉ lắm, bà Huỳnh Thị Ba, 64 tuổi ngụ xã Tân Thành, huyện Bình Tân mới chịu nói mấy lời. Bà bảo, già rồi, chỉ trồng có hai công khoai lang tím Nhật sống đắp đổi qua ngày. Vậy mà, vụ này coi như lỗ trắng. Một vụ khoai sau 4 - 4,5 tháng mới thu hoạch, không biết bao nhiêu công sức mồ hôi đổ xuống đồng, dây khoai lang mới ra hoa, tạo củ. Trúng thì được 40 - 50 tạ (60kg)/công, trung bình thì 30 tạ. Vụ này, rớt giá thảm hại mà khoai còn thất bát, chỉ 20 tạ/công. “Khoai đã thất rồi mà còn bị lái ép đến nghẹt thở. Giá bán đã rớt sát đất rồi, chỉ còn 160.000 đồng/tạ khoai loại 1. Mấy củ khoai to tròn mà bị lủng một lỗ nhỏ hay cái thẹo (sẹo) cũng bị lái cho qua hang dạt, chỉ 5.000 đồng/tạ, bán thì bán không bán thì đổ bỏ. Bán hết đống khoai này còn không đủ tiền trả công người làm mướn, nói chi tới chuyện gỡ vốn hay có tiền trả tiền phân, tiền thuốc”, bà Ba tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Kim Cương, con gái bà Ba, còn thê thảm hơn. Không có đất sản xuất, chị Cương thuê bảy công đất trồng khoai lang tím Nhật. Bị sâu, dế, côn trùng đụt lỗ, toàn bộ bảy công khoai của chị Cương không bán được củ nào, đành bỏ phế ngoài đồng, mặc tình cho người trong xóm “hôi khoai”. “Tiền thuê đất năm triệu đồng/công, tiền giống, tiền phân, thuốc, thuê mướn công lao động cũng 5-7 triệu đồng/công. Tổng cộng vụ này tui mất trắng, lỗ hơn 80 triệu đồng”, chị Cương nói giọng tiếc ngẩn ngơ.
Chỉ vào ba công khoai lang xanh mướt khoảng hai tháng, nông dân Nguyễn Văn Quang ở xã Thành Lợi, huyện Bình Tân than vãn: “Chi phí xuống giống ba công này hơn triệu rồi. Bây giờ, khoai rớt giá thảm hại quá nên vợ chồng tui lo lắng hỏng biết có nên đổ vốn vô tiếp hay không. Thấy mấy ruộng khoai kế bên cũng bị bỏ phế, nên bà xã tui kêu bỏ đi ông ơi, đừng làm nữa. Rồi bỏ cắt dây khoai làm thức ăn thay cỏ cho bầy dê, đỡ tiếc”.
Hàng xóm ông Quang là ông Nguyễn Văn Hồng, trồng 10 công khoai lang, lỗ hơn 100 triệu đồng. Khoai tới thời điểm thu hoạch, kêu lái vô coi, họ chê màu không đẹp, ép giá. Giận tím mặt, ông Hồng quyết bỏ hết, không bán một củ nào nên bơm nước vào ruộng cho ngập úng. Rồi thuê người guộng dây, làm đất lại.
Thiếu thông tin thị trường, bất ổn đầu ra
Vĩnh Long là tỉnh có diện tích trồng khoai lang lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, lên đến khoảng 10.000 ha. Trong đó, huyện Bình Tân là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất tỉnh, có diện tích lên đến gần 9.000 ha. Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân cho biết, hiện nay giá khoai lang tím Nhật của thị trường liên tục biến động theo chiều hướng giảm, thậm chí giảm sâu trong một sáng, một chiều. Giá khoai trung bình từ 100.000 - 150.000 đồng/tạ đối với khoai loại 1 đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Thậm chí, có lúc chỉ còn 80.000 đồng/tạ, mức giá thấp “kỷ lục” từ trước đến nay và giảm hơn 10 lần so với mức giá cao “kỷ lục” của hai năm trước (1 triệu đồng/tạ).
Ông Theo cho rằng, vùng chuyên canh khoai lang của Bình Tân đã hình thành hơn 40 năm qua, cho nên bây giờ nói bỏ thì không sao bỏ được. “Vấn đề bây giờ là phải làm lại công tác giống. Hiện nay giống khoai lang tím Nhật chiếm đến 85% diện tích của huyện, trong khi đầu ra của sản phẩm này phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, không tiêu thụ được nội địa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta thiếu thông tin thị trường, thì đừng nói chi đến nông dân, họ chỉ bán sản xuất, còn đâu ra thì phó mặc cho… thương lái”, ông Theo nói.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, thừa nhận, tình hình sản xuất và tiêu thụ khoai lang còn nhiều bất cập. Thị trường tiêu thụ khoai lang chủ yếu là xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, không có hợp đồng chắc chắn và luôn có sự thay đổi về quy cách sản phẩm làm cho nông dân sản xuất tự phát; không nắm được yêu cầu của thị trường tiêu thụ và thiếu thông tin về giá cả.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các ngành nông nghiệp, công thương xây dựng kế hoạch phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho vùng chuyên canh khoai lang Bình Tân.
Theo đó, cùng với việc hình thành vùng nguyên liệu khoai lang 5.000 ha, ngành nông nghiệp nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu khoai lang” 32 ha và mô hình trồng khoai lang chứng nhận Global GAP 15 ha ở xã Thành Đông, cơ cấu giống khoai lang tím Nhật chiếm tỷ trọng 65%. Bố trí trồng khoai ở vụ đông xuân hoặc hè thu để lệch với lịch thời vụ thu hoạch khoai lang của Trung Quốc. Đồng thời tổ chức các tổ hợp tác, hợp tác xã hướng dẫn nông dân trồng theo quy trình kỹ thuật và chủ động điều phối nguồn hàng.
Trong công tác xúc tiến thương mại, tỉnh Vĩnh Long xác định thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng trong tiêu thụ khoai lang tươi. Đồng thời thu hút dự án đầu tư lĩnh vực chế biến đa dạng sản phẩm từ khoai lang như khoai sấy, miến, nước ép... để tiếp cận những thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Hoa Kỳ, hướng đến mở rộng xuất khẩu sản phẩm chế biến, nâng cao giá trị nông sản.
Bài và ảnh: Quốc Dũng (Báo Nhân Dân)
Không có nhận xét nào: