Nhận được thông tin từ một số nông dân xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), sáng 15/7 nhóm phóng viên chúng tôi vội vàng có mặt tại địa bàn. Trước mắt chúng tôi, trên cánh đồng xã Thanh Hưng nhiều diện tích lúa đang xảy ra hiện tượng cháy lá, thối rễ, thậm chí bị chết chưa rõ nguyên nhân.
Ruộng lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh của gia đình ông Đào Văn Quỳnh, đội 5, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên). Hiện gia đình ông Quỳnh có 2.546m2 diện tích lúa. Theo ông Quỳnh thì lẽ ra ở thời điểm hiện tại cây lúa phải đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển rất mạnh mẽ. Tuy nhiên hơn 1.500m2 trong tổng số diện tích lúa của gia đình ông lại đang xảy ra hiện tượng cháy lá, thối rễ, đỏ nước, không thể đẻ nhánh và có nguy cơ chết hẳn. Ông Quỳnh cho biết: 1 tuần sau khi bón loại phân Đạm - Kali mang mã hiệu 20-0-10 của Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Đại Sơn thì xảy ra tình trạng trên.
Không chỉ riêng gia đình ông Quỳnh, nhiều diện tích lúa của các hộ khác cùng ở đội 5, xã Thanh Hưng cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Bắc ở đội 5, xã Thanh Hưng, cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, 20% diện tích lúa của gia đình bà đã xuất hiện tình trạng trên và cả gia đình đều đang rất hoang mang vì chưa biết phải xử lý, khắc phục như thế nào. Do đây là năm đầu tiên gia đình sử dụng loại phân này để bón cho lúa nên hầu như các kỹ thuật về chăm bón, tỷ lệ bón giữa các đợt, gia đình đều không nắm được. Chỉ biết rằng khi ra đại lý phân phối thấy giới thiệu có loại phân mới, lại ghi chú phía ngoài vỏ bì là “không cần phải bón thêm đạm” nên gia đình đã mua về dùng thử nhằm tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc, công sức.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Thanh Hưng, tính đến thời điểm hiện tại đã có 8/21 đội sản xuất trên địa bàn xã xảy ra tình trạng trên với tổng diện tích lúa tương ứng là 13ha, trong đó bị ảnh hưởng nặng nhất là 2 đội: 5 và 6 với nhiều diện tích lúa đã bị chết.
Sau khi tình trạng trên xảy ra, UBND xã Thanh Hưng đã có buổi làm việc với người dân và đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Đại Sơn cùng một số đại lý phân phối chính thức loại phân này trên địa bàn. Theo ông Hà Văn Hậu, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp của xã Thanh Hưng, thì tại cuộc họp diễn ra vào sáng ngày 15/7, tình trạng trên được đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Đại Sơn đánh giá là do thời tiết nắng nóng, khâu chăm bón của người dân chưa đảm bảo kỹ thuật, và nhận một phần lỗi về phía Công ty do chưa tập huấn kỹ thuật của phân bón mới cho nông dân. Theo đó, Công ty cũng đề nghị người dân cùng tham gia khắc phục hậu quả và giao cho các đại lý phân phối của Công ty cung cấp một số loại thuốc phun, phân hữu cơ sinh học cho người dân khắc phục tình trạng trước mắt, đồng thời tiếp tục theo dõi sinh trưởng và phát triển của cây lúa trong khoảng thời gian 15 ngày trước khi đưa ra kết luận chính thức.
Hiện nay, tình trạng cây lúa bị cháy lá, thối rễ trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển đã khiến rất nhiều nông dân xã Thanh Hưng đêm ngày thấp thỏm, lo âu. Tin theo lời chào mời hấp dẫn “không cần phải bón thêm đạm”, nên giờ có nguy cơ “không cần phải thu hoạch lúa” cũng nên? Nhiều hộ nông dân mọi khoản chi tiêu trong cuộc sống đều trông vào cây lúa, vì vậy, nếu không tìm ra nguyên nhân cũng như không có phương án hỗ trợ khắc phục hậu quả kịp thời, thì với nhiều hộ dân Thanh Hưng nguy cơ mất mùa dẫn tới đói nghèo là khó tránh khỏi.
Phương Liên - Vũ Lợi (Báo Điện Biên Phủ)
Không có nhận xét nào: