Tái cơ cấu ngành chăn nuôi: Cần thay đổi tư duy phát triển ngành. Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Cao Đức Phát tại hội nghị “Đánh giá tình hình triển khai Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và triển khai các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm”, tổ chức hôm nay (9/7), tại Hà Nội.
Đến nay, cả nước có 27 tỉnh, thành phố ban hành Đề án và Kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương trong đó có lĩnh vực chăn nuôi; 52 trên 63 tỉnh thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi theo định hướng tái cơ cấu. Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết đã được các địa phương chú trọng, bên cạnh việc xây dựng mới các liên kết trong chăn nuôi đã tập trung đa dạng hóa các mô hình cao được phát triển trong thời gian qua góp phần tạo đột phá trong gia tăng giá trị các sản phẩm chăn nuôi….
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù đạt một số kết quả bước đầu nhưng công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Đề án ở một số các địa phương còn chưa đồng bộ và hiệu quả, chưa huy động được nguồn lực đủ mạnh trong quá trình thực hiện. Nhiều địa phương còn lúng túng chưa phân biệt nội dung và giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu với các hoạt động chung, thường xuyên của ngành chăn nuôi. Quy hoạch chăn nuôi còn mang nặng tính hình thức, chưa bám sát nội dung và mục tiêu Đề án tái cơ cấu: theo vùng chăn nuôi, cơ cấu vật nuôi; Tổ chức sản xuất chăn nuôi với đổi mới hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm và chuỗi giá trị ngành hàng…
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn- Viện trưởng Viện Chăn nuôi, ngành chăn nuôi cần phải tháo 4 nút thắt lớn gồm: năng suất chất lượng sản phẩm ngành chăn nuôi còn thấp nhưng giá bán lại cao; liên kết sản xuất quá lỏng lẻo chủ yếu là liên kết ngang chưa có liên kết dọc; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tình trạng thịt còn tồn dư kháng sinh và chất tăng trọng sẽ không thúc đẩy xuất khẩu được; các thủ tục hành chính còn phiền nhiễu với sản xuất. Theo ông Sơn, năng suất, chất lượng giá cả là nút thắt lớn nhất phải gỡ. Bộ NN & PTNT cần tiếp tục tạo đột phá về giống. Về vấn đề liên kết, hiện nay đã được bàn rất nhiều về chuỗi, việc xây dựng chuỗi nòng cốt và đầu tàu là doanh nghiệp nhưng vấn đề là chính sách như thế nào để các tập đoàn này kéo nông dân vào chuỗi.
Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi băn khoăn, hiện nay cứ nói tái cơ cấu ngành chăn nuôi doanh nghiệp phải đi đầu, nhưng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không đủ sức để đi đầu. Phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay có vốn điều lệ trên dưới 5 tỷ đồng, tương đương 250 nghìn USD - con số này quá nhỏ bé với con số 100 triệu USD của một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương. Bên cạnh đó, hiện nay nói đến chuỗi sản xuất rất nhiều nhưng vấn đề liên kết chuỗi như thế nào thì không thấy bàn đến. Bộ NN & PTNT cần nghiên cứu và có cơ chế để liên kết giữa các bên, phân phối lợi nhuận giữa các khâu. Cũng theo ông Lịch, hiện nay, nhận thức của các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương coi chăn nuôi vẫn không phải là ngành để đẩy mạnh xuất khẩu mà chỉ là ngành sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước. Tư duy này cần phải thay đổi nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do. “Muốn tái cơ cấu ngành chăn nuôi phải tăng số lượng, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chấp nhận cuộc chơi trong hội nhập với các Hiệp định thương mại tự do được ký kết thì các sản phẩm ngành chăn nuôi phải cạnh tranh bằng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm”, ông Lịch nói.
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: tái cơ cấu ngành chăn nuôi không phải là điều chỉnh cơ cấu mà phải thay đổi nhận thức và cách tiếp cận để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cạnh tranh cao về chất lượng và giá trị trong trong tiêu dùng và xuất khẩu, tạo ra nhiều khuôn khổ dẫn dắt ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Theo đó, không chạy theo số lượng mà tập trung vào năng suất, chất lượng về con giống; Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Tổ chức lại sản xuất áp dụng công nghệ cao, giảm chi phí, giá thành trong chăn nuôi và thú y.
Nguyễn Hạnh (Báo Công Thương)
Không có nhận xét nào: