Ông Nguyễn Quý, trưởng thôn Phú Thuận, một người nông dân đời thứ hai trên đất D’Ran (Đơn Dương, Lâm Đồng) kể lại, cây ca cao vốn cũng không phải cây trồng xa lạ ở D’Ran. Nhiều chục năm trước, người D’Ran đã trồng ca cao nhưng do không tìm được nơi thu mua, những trái ca cao chín vàng óng phải đổ bỏ, cây ca cao mất dần.
Trên thực tế, cây ca cao sống ở D’Ran phát triển tốt, cho trái nhiều, thời gian thu hoạch rất dài, tới gần 20 năm. Bởi vậy, khi một lần nữa cây ca cao trở lại trên đất D’Ran, bà con không quá bỡ ngỡ. Có điều, lần trồng ca cao này, bà con không còn trồng tự phát như trước kia mà trồng theo địa chỉ, trồng khi đã có nơi bao tiêu sản phẩm. Đó chính là việc hợp tác giữa người nông dân trồng ca cao và Tổ hợp tác nông nghiệp Phú Thuận.
Thu hoạch ca cao ở D’Ran
Bà Đinh Thị Lợi, Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp Phú Thuận cho biết, tổ hợp tác liên kết cùng Công ty ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Bà con có bao nhiêu trái, tổ hợp tác sẽ mua và tiến hành công đoạn ủ, sau đó cung cấp cho công ty. Hiện Công ty Trọng Đức đang sản xuất những mặt hàng như bột ca cao, rượu ca cao, nước giải khát ca cao…, trong đó có sự góp mặt của hạt ca cao D’Ran. Bà Lợi nói: “Chúng tôi rất tin tưởng vào sự hợp tác lâu bền giữa người nông dân - tổ hợp tác - công ty. Bản thân chúng tôi cũng là người nông dân, tổ hợp tác là hình thức để chúng tôi tự giúp mình và giúp bà con có hướng tìm đầu ra ổn định. Hiện Trọng Đức rất quan tâm tới việc phát triển cây ca cao tại Phú Thuận và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân”. Hiện có trên 50 hộ nông dân đã và đang trồng ca cao ở D’Ran.
Ông Huỳnh Hiệp, nông dân thôn Phú Thuận có trên 1ha vườn trồng hồng và cà phê xen kẽ. Ba năm trở lại đây, ông Hiệp trồng xen 500 gốc ca cao và đã có 250 gốc ra trái. Ông Hiệp nhận xét: “Trồng ca cao xen trong vườn hồng, cà phê khá dễ dàng, công chăm sóc ít, thu nhập khá hơn cà phê. Trồng xen có lợi là cây ít bệnh, mùa ca cao lại lệch so với mùa cà phê, mùa hồng nên rất thuận lợi cho người nông dân”.
Mùa cà phê, mùa hồng tập trung vào tháng 10, tháng 11 trong khi cây ca cao thu rải rác từ tháng 1 tới tháng 6, thu hoạch ca cao chỉ cần một lao động là đủ, không phải thuê mướn. Ông Đoàn Văn Báo, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn D’Ran cho biết, bà con ở đây không trồng độc canh một loại cây nào, tất cả các cây trồng đều xen canh hồng - cà phê - dứa. Trồng xen canh đem đến nhiều thuận lợi bởi quanh năm đều có thu hoạch, cây trồng lại rất ít bệnh. Hiện cây ca cao cũng được trồng xen vào vườn, chủ yếu là vườn hồng, cà phê và hiệu quả ban đầu cho thấy năng suất ổn định, cây ít bệnh, đầu ra được bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ nhiều cây trồng khác, ngành nông nghiệp Đơn Dương khuyến cáo bà con cần thận trọng khi trồng cây ca cao.
Bà Nguyễn Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện khuyến cáo, vì D’Ran không nằm trong vùng quy hoạch trồng ca cao của Lâm Đồng nên bà con cần xem xét cẩn trọng, không phát triển ồ ạt mà xuống giống từ từ, theo đúng hợp đồng với đối tác bao tiêu sản phẩm. Trồng theo hợp đồng sẽ giúp đảm bảo đầu ra, tránh để bà con thiệt thòi vì giá cả quá thấp, thậm chí không bán được hàng. Với việc hợp tác chặt chẽ nông dân - doanh nghiệp, hi vọng cây ca cao sẽ góp phần mang lại thu nhập cho người dân, góp thêm màu xanh trên thị trấn cao nguyên xinh đẹp D’Ran.
Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Không có nhận xét nào: