Núi Ngọc Linh nằm giáp ranh tỉnh Kon Tum và Quảng Nam được thiên nhiên ban tặng loài sâm quý hiếm, mỗi kg có giá vài chục triệu đồng. Đây quả là “mỏ vàng” quý giá.
Những cây sâm dưới tán rừng cổ thụ
Dải đất miền Trung chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đó, lại có những đặc sản nổi tiếng, cho giá trị kinh tế cao...
Về địa lý, núi Ngọc Linh nằm giáp ranh tỉnh Kon Tum và Quảng Nam được thiên nhiên ban tặng loài sâm quý hiếm, mỗi kg có giá vài chục triệu đồng. Đây quả là “mỏ vàng” quý giá.
Sâm Ngọc Linh được phân bố trên vùng sinh thái hẹp, quanh đỉnh núi Ngọc Linh (cao 1.500 - 2.500 m với mực nước biển) dưới các tán rừng nguyên sinh thuộc địa phận của 3 huyện Nam Trà My (Quảng Nam), Đắk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum). Vùng sinh trưởng và phát triển của sâm Ngọc Linh nằm hoàn toàn trên dãy núi Ngọc Linh.
Với cây sâm Ngọc Linh tự nhiên và sâm trồng đều sinh trưởng và phát triển dưới các tán rừng nguyên sinh. Do đặc tính sinh thái của củ sâm Ngọc Linh chỉ mọc trên tầng thảm mục mà không mọc dưới đất, nên những vùng có tầng thảm mục dày có điều kiện lý tưởng cho cây sâm phát triển...
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, huyện đang bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh với chình thức trong nhân dân ở 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang; hình thành 27 chốt trồng sâm với hơn 653.500 cây sâm ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Trồng 1 ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm đem lại 30 tỷ đồng
Trại sâm giống Tắk Ngo, thôn 2 xã Trà Linh, do UBND huyện Nam Trà My quản lý với hơn 20.000 cây sâm giống, có độ tuổi 2 năm.
Trại dược liệu Trà Linh (Sở Y tế tỉnh Quảng Nam quản lý) có tổng diện tích khoảng 7,1 ha, tổng số lượng lên đến 167.658 cây, với nhiều độ tuổi khác nhau.
Và trên 4.000 m2 sâm của người dân làng Lạc Bông, xã Ngọc Lei, tỉnh Kon Tum; Trung tâm Sâm Ngọc Linh (Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô, Kon Tum) cũng đang quản lý trên 5 ha cây giống...
Theo ông Bửu, nhìn chung công tác bảo tồn và phát triển cây sâm trong thời gian qua đã có những kết quả nhất định. Cây sâm giúp cho một số hộ nhanh chóng xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, giải quyết một số vấn đề khó khăn của địa phương.
Hiệu quả kinh tế đem lại rất cao, cứ 1 ha trồng sâm trong 5 năm, người dân thu về trung bình khoảng 30 tỷ đồng.
Ông Bửu hạch toán: “1 ha trồng khoảng 50.000 cây, sau 5 năm, bình quân 3 củ 1 lạng, với giá bán 30 triệu đồng/kg. Như vậy, 1 m2 đất trồng sâm cho hiệu quả rất cao. Nhưng sao đời sống người dân vẫn nghèo? Họ chưa phát huy được lợi thế. Vả lại các doanh nghiệp đầu tư vào còn khiêm tốn”.
Người dân trồng sâm, cho thu nhập cao
Từ thực tế trên, UBND huyện Nam Trà My thành lập Dự án quốc gia về phát triển sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trình Chính phủ, gồm giai đoạn 1 từ 2016-2025 và giai đoạn 2 từ 2025 trở đi, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 9.133 tỷ đồng, trong đó Nhà nước 3.883 tỷ đồng và các doanh nghiệp 5.250 tỷ đồng.
Dự án có 7 hợp phần gồm: Bảo tồn giống cây sâm Việt Nam; Phát triển trồng rừng để trồng sâm Việt Nam; Di thực cây sâm Việt Nam và Phát triển công nghệ sâm Việt Nam…
Một khi đề án được phê duyệt, cây sâm Ngọc Linh sẽ đại diện cho Việt Nam sánh ngang với các giống sâm nổi tiếng trên thế giới, mang đẳng cấp quốc tế như nhân sâm của Hàn Quốc.
Đặc biệt sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng ngàn hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống xung quanh ngọn núi Ngọc Linh tại 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Cụ thể, từ năm 2015 - 2020 sẽ bảo tồn giống cây sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam (gồm các xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang) sẽ trồng 100 ha, với số lượng 1.000.000 cây. Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum trồng 100 ha, với số lượng 1.000.000 cây.
Những củ sâm Ngọc Linh có chất lượng vượt trội so với nhiều loại sâm khác
Sâm Ngọc Linh là một loại cây đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh, là cây thuốc quý hiếm của tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và của quốc gia.
Theo kết quả nghiên cứu khoa học, sâm Ngọc Linh về mặt hóa học, thân và rễ củ đã phân lập được 52 saponin, trong đó có 26 saponin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản.
Sâm Ngọc Linh có một số đặc điểm hơn cả sâm Trường Bạch (Triều Tiên) và hơn cả sâm Tây Dương (Mỹ). Nó quý bởi mọc tự nhiên ở độ cao tuyệt đối trên 1.500 m, ổn định ở vùng rừng già hỗn giao nguyên sinh mà tác động của con người gần như không đáng kể.
Cũng trong giai đoạn này, sẽ phát triển trồng rừng sâm với diện tích 30.000 ha tại các xã nằm trong quy hoạch vùng phát triển sâm của Quảng Nam và Kon Tum gồm: Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang, Trà Tập, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Don, huyện Nam Trà My. Các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, huyện Đắk Lei; các xã Đắk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông.
Ông Hồ Quang Bửu chia sẻ, thực hiện đề án đến năm 2025 sẽ đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ 2 trên thế giới (sau Hàn Quốc). Theo đó, hằng năm đạt sản lượng từ 500 - 1.000 tấn sâm.
Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của xã hội về sâm qúy trở thành sản phẩm đặc trưng của Việt Nam còn thấp. Không những thế, về cơ chế, chính sách để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp chưa đủ mạnh.
Đặc biệt, nghiên cứu khoa học về phát triển cây sâm còn ít, sản phẩm phục chưa có trên thị trường rộng lớn và nguồn kinh phí đầu tư chưa xứng tầm...
Để giải quyết những khó khăn đó, ông Bửu kiến nghị, trung ương cần có giải pháp để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Có những chủ trương, chính sách sát thực tế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào phát triển cây sâm. Các nhà khoa học cần quan tâm hơn nữa về nghiên cứu để sản phẩm sâm Ngọc Linh có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
“Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Chính phủ thông qua đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Việt Nam đến năm 2030 và bổ sung đưa cây sâm Ngọc Linh vào danh mục sản phẩm quốc gia. Trên cơ sở đề án đã được phê duyệt, đề nghị các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ địa phương sớm triển khai thực hiện”, ông Bửu nói.
Đắc Thành (nongnghiep.vn)
Không có nhận xét nào: