» » » Các cơ sở chế biến dong riềng ở Bắc Kạn 'khát' nguyên liệu

Diện tích trồng cây dong riềng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm nay giảm mạnh, nông dân chỉ trồng 720 ha, bằng 25% so với năm 2013, bằng 90% so với năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân không tin tưởng các cơ sở chế biến trên địa bàn.

Nếu có quy hoạch vùng trồng, làm tốt việc liên kết trồng và chế biến, dong riềng sẽ là cây xoá đói giảm nghèo cho nông dân Bắc Kạn.

Năm 2013, diện tích trồng cây dong riềng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tăng lên gần ba nghìn ha, sản lượng quá nhiều nên giá bán rất thấp, cuối vụ chỉ 400- 500 đồng/kg, không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch và vận chuyển nên nông dân nhiều nơi trong tỉnh bỏ không thu hoạch.

Giá bán quá thấp nên năm 2014 nông dân toàn tỉnh trồng gần một nghìn ha. Diện tích giảm, sản lượng ít, các cơ sở chế biến dong riềng lại mua giá cao, đạt 1.500 đồng/kg, bằng với giá năm 2012. Với mức giá này, chăm sóc tốt, nông dân có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha, đến nay chưa có loại cây trồng nào trên địa bàn tỉnh mang lại mức thu nhập như thế. Tuy vậy, năm 2015 diện tích dong riềng vẫn sụt giảm, toàn tỉnh chỉ trồng được 720 ha.

Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân trong tỉnh không tin tưởng các cơ sở thu mua để chế biến, khi sản lượng nhiều dìm giá xuống thấp. Đặc biệt, nông dân các huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Pác Nặm không tin tưởng Công ty TNHH Hoàng Giang, cơ sở chế biến dong riềng lớn nhất tỉnh, vì doanh nghiệp này phá hợp đồng, thu mua dong riềng của nông dân từ năm 2013 mà đến nay mà đến nay vẫn nợ tiền. Năm 2015 nhiều nông dân không trồng dong riềng nữa, quay lại trồng ngô.

Cơ sở chế biến dong riềng Nhất Thiện ở huyện Ba Bể đầu tư dây chuyền chế biến dong riềng với công suất 120 tấn củ/ngày, nhưng năm nay đang đứng trước tình trạng không có nguyên liệu để chế biến tinh bột, sản xuất miến.

Chủ cơ sở chế biến dong riềng Nhất Thiện Nguyễn Văn Thiện than phiền: “Ba Bể là một trong hai huyện trồng dong riềng nhiều nhất tỉnh, nhưng năm nay nông dân chỉ trồng 100 ha, giảm mạnh so với năm trước. Đầu vụ, chúng tôi đã đến các xã làm hợp đồng thu mua với nông dân, giá mua bằng với giá năm 2014 (mua tại chỗ là 1.500 đồng/kg, chở đến cơ sở là 1.700 đồng/kg), thậm chí chúng tôi “đặt cọc” với chính quyền mỗi xã 100 triệu đồng, nếu chúng tôi “bội ước” thì chính quyền các xã lấy tiền đặt cọc trả cho nông dân. Tuy vậy, nông dân Ba Bể vẫn không trồng dong riềng”.

Dong riềng là cây dễ trồng, phù hợp với tập quán canh tác của nông dân và thích nghi với khí hậu, đất đồi, soi, bãi, đất ruộng một vụ, đầu tư ít, nếu giá bán từ 1.000 đồng/kg là nông dân có thu nhập 70- 80 triệu đồng/ha, cao hơn so với các loại cây trên địa bàn.

Tuy nhiên, ông Thiện cho biết thêm, chúng tôi “đặt cọc” mỗi xã 100 triệu đồng để nông dân yên tâm, nhưng rút cuộc nông dân vẫn không trồng, chính quyền nhiều xã không vào cuộc. Chỉ có chính quyền xã Khang Ninh tích cực vận động nông dân trồng nên diện tích dong riềng ở đây đạt khá.

Tỉnh Bắc Kạn có hơn 100 cơ sở chế biến dong riềng vừa và nhỏ, năm nay diện tích trồng ít, sẽ xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán, dẫn đến giá tăng cao, sang năm rất có thể diện tích trồng lại tăng, giá lại giảm...

Khắc phục tình trạng này, để khai thác tốt lợi thế của địa phương, làm cho cả người trồng và chế biến dong riềng yên tâm sản xuất, phát triển ổn định thì tỉnh phải sớm quy hoạch vùng trồng dong riềng, phải có sự liên kết thật chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp và chính quyền. Tránh tình trạng phát triển tự phát như thời gian qua.

Bài, ảnh: Thế Bình (Báo Nhân Dân)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

1 comments:

  1. Các bác cho e hỏi cái máy rửa củ dong kia bán ở đâu vậy.trân trọng ạ

    Trả lờiXóa