Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản ở Đăk Lăk phát triển khá mạnh, tuy nhiên do quy mô nhỏ lẻ, phân tán lại thiếu sự liên kết, chất lượng sản phẩm chưa cao... nên người nuôi trồng thủy sản gặp khó trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bí đầu ra
Với diện tích mặt nước ao, hồ trên 70 ha, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) lâu nay được xem là vùng nuôi cá thương phẩm trọng điểm của thành phố với các loại cá truyền thống như trắm, chép, mè, rô phi đơn tính, hằng năm cung cấp cho thị trường Đăk Lăk gần 500 tấn cá.
Tuy nhiên, theo các hộ nông dân ở đây thì nghề nuôi cá ở Ea Kao đang đối mặt với nhiều khó khăn đang nảy sinh từ thực tế nuôi trồng và tiêu thụ, nhất là sản phẩm cá rô phi đơn tính.
Theo ông Lê Thế Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã, từ nửa đầu năm 2014 trở về trước thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, tuy nhiên từ đó đến nay nhiều hộ nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm lao đao vì giá, có đến 80% hộ nuôi bị lỗ vốn, còn 20% là huề vốn.
Nguyên nhân là do sản lượng tăng nhanh nhưng chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường ngoài tỉnh (do thịt mỏng) nên khó mở rộng thị trường. Mặt khác, việc có mặt ngày càng nhiều sản phẩm cá nước mặn cũng khiến thị trường cá nước ngọt bị thu hẹp… Trong khi đó, giá thức ăn thì tăng liên tục, nhưng giá cá xuống thấp chỉ còn 28-30 nghìn đồng/kg (mua tại hồ).
Ngay ở gia đình ông Linh có 6 sào, chủ yếu nuôi cá rô phi đơn tính, mỗi năm xuất trên 20 tấn, có năm đến 30 tấn cá, sau khi trừ chi phí, có đợt lỗ đến 30-50 triệu. Chỉ tính riêng thôn 4 có khoảng 80 hộ sống bằng nghề nuôi cá, theo các hộ, giá cá xuống thấp, thì khó bán nhưng không bán để nuôi thì càng lỗ vì lượng thức ăn cho cá mỗi ngày không phải ít. Bán hay không bán, đằng nào nông dân cũng chịu thiệt.
Hộ ông Hoàng Tiến Thẩm, ở thôn 4 cho hay, gia đình có 7 sào nuôi cá rô phi đơn tính, năng suất đạt trên 3 tấn/sào/vụ, mặc dù giá bán thời điểm này đã tăng lên 31 nghìn đồng/kg nhưng tính ra không lời bao nhiêu do thời gian nuôi dài. Nếu trước đây một năm xuất 2 đợt thì thời gian gần đây nuôi gần cả năm vẫn không có thương lái vào mua, nếu có thì chỉ mua vài tạ, dẫn đến chi phí tăng, có đợt xuất cá xong tính ra gia đình lỗ cả trăm triệu đồng nhưng cũng đành cầm cự bởi hệ thống ao đã được xây dựng kiên cố, không nuôi cá thì không thể chuyển sang làm ruộng hoặc trồng trọt.
Nông dân xã Ea Kao thu hoạch cá rô phi bán cho thương lái.
Do những khó khăn trong vấn đề đầu ra, nên hiện nay trên địa bàn xã Ea Kao tỷ lệ số hộ nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm đã giảm hơn 50%, nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng, thả cá chứ không đầu tư, chăm sóc nuôi cá.
Loay hoay tìm giải pháp
Không chỉ ở xã Ea Kao, mà hầu hết các địa phương có nuôi cá rô phi đơn tính đều vướng phải tình trạng tương tự. Theo Chi cục Thủy sản, do loại cá này dễ nuôi, năng suất đạt cao nên bà con tập trung nuôi nhiều mà chưa tính đến thị trường tiêu thụ dẫn đến bị dội hàng. Tuy nhiên, ở các địa phương khác người dân nuôi nhiều loại, không chuyên canh như xã Ea Kao nên mức độ thiệt hại không thấy rõ hoặc được bù đắp bởi các loại cá khác.
Trước thực trạng đầu ra bấp bênh, nhiều hộ chuyển sang nuôi một số đối tượng cá thương phẩm khác có giá trị kinh tế cao hơn như cá lăng đuôi đỏ, ba ba… nhưng cũng không tìm được thị trường tiêu thụ ổn định nên cũng bỏ hết lại chuyển sang nuôi các loại cá truyền thống.
Trong khi đó, tháng 3 - 2012, Liên minh nuôi trồng thủy sản Ea Kao (thuộc Dự án cạnh tranh nông nghiệp Đăk Lăk) đã được thành lập. Đây là sự liên kết giữa Công ty TNHH MTV Đại Dũng với 90 hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã để sản xuất cá lăng đuôi đỏ và rô phi đơn tính, góp phần nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường sự liên kết, gắn bó giữa doanh nghiệp và nông dân.
Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ về giống, kỹ thuật, đầu ra sản phẩm cũng được Công ty Đại Dũng bao tiêu hoặc đứng ra liên hệ với thương lái đầu mối để kết nối với người nuôi và hai bên tự thỏa thuận giá bán. Tuy nhiên, do việc bao tiêu sản phẩm cho nông dân không được bảo đảm nên liên minh không duy trì được lâu dài, người dân vẫn mạnh ai người nấy tìm đầu ra cho con cá của mình.
Theo ông Lê Thế Linh, khó khăn về đầu ra cho sản phẩm cá rô phi đơn tính không hoàn toàn do nhu cầu thị trường mà còn do chất lượng sản phẩm chưa tốt trước đây thương lái ở miền Tây đã lên tìm hiểu nguồn cung nhưng do chất lượng cá không đáp ứng được yêu cầu (thịt cá mỏng) nên họ không thu mua nữa. Do vậy, trong điều kiện diện tích ao nuôi nhỏ, bố trí chưa tập trung, người nuôi cần phải có sự liên kết để bảo đảm đáp ứng đủ sản lượng theo yêu cầu của khách hàng.
Mới đây, Cơ sở Cá giống Hoa Sơn (thuộc Công ty TNHH Thủy sản Hải Long Nha Trang) lên khảo sát và đặt vấn đề liên kết sản xuất với các hộ nuôi cá ở xã Ea Kao, với điều kiện người nuôi phải mua con giống (rô phi đơn tính), thức ăn của công ty và bù lại công ty sẽ bao tiêu sản phẩm với giá 33 nghìn đồng/kg để phi lê xuất khẩu. Theo tính toán của công ty, sau khi trừ chi phí, người dân thu về khoản lợi nhuận tầm 5 triệu đồng/sào.
Đây là một cơ hội rất tốt để các hộ nuôi thủy sản của xã cải tạo nguồn giống và có thị trường ổn định để khai thác tốt tiềm năng phát triển thủy sản của xã. Hiện Hội Nông dân đang chuẩn bị tổ chức đoàn xuống công ty tìm hiểu và tiến hành ký hợp tác liên kết, hy vọng sẽ mở ra thị trường mới cho sản phẩm cá rô phi đơn tính trên địa bàn xã.
Minh Thuận (Báo Đăk Lăk)
Không có nhận xét nào: