» » Xuất khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan: Cạnh tranh hay hợp tác?

Philippines có vẻ như đang lợi dụng sự cạnh tranh giữa Việt Nam và Thái Lan trong hoạt động xuất khẩu gạo để “ép giá”, nhằm mua được gạo với giá rẻ nhất. Đã đến lúc các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam và Thái Lan phải ngồi lại với nhau và bàn phương cách hợp tác thay vì chỉ cạnh tranh với nhau.

Việt Nam thường chấp nhận giảm giá gạo xuất khẩu để giành được hợp đồng. Ảnh: Trung Chánh

Lâu lâu Philippines lại đăng tin không nhập khẩu gạo vì sản xuất đủ rồi, thế là Việt Nam lo sốt vó, có người bi quan cho rằng việc xuất khẩu gạo gặp khó khăn to lớn, có thể làm sụp đổ thị trường gạo của Việt Nam. Thế nhưng, bán gạo cho Philippines kiều đấu thầu có giá trần thì không bán có khi lại tốt hơn.

Mua gạo kiểu Philippines

Muốn bán gạo cho Philippines, các nước xuất khẩu gạo (chủ yếu là Việt Nam và Thái Lan) phải qua Philippines dự thầu. Philippines tổ chức đấu thầu nhưng đưa ra “giá trần” còn gọi là giá tham chiếu. Việt Nam và Thái Lan muốn thắng thầu, không những phải bỏ thầu giá thấp nhất mà còn phải thấp hơn giá trần mà Philippines đưa ra.

“Cả Việt Nam lẫn đối thủ chính là Thái Lan trong cuộc đấu thầu bán 250.000 tấn gạo cho Philippines đều bỏ giá cao trong buổi mở thầu hôm nay (5-6) trong khi Philippines đưa ra giá mua khá thấp, chỉ 340 đô la Mỹ mỗi tấn gạo trắng hạt dài loại 25% tấm.” (Đấu thầu bán gạo cho Philippines: cả Việt Nam và Thái Lan đều bỏ giá cao)

Mới đây, trong đợt đấu thầu 100.000 tấn gạo ngày 16-6, Việt Nam bỏ thầu thấp nhất là 416 đô la Mỹ/ tấn nhưng vẫn trượt thầu vì giá trần Philippines đưa ra chỉ có 408,14 đô la Mỹ/ tấn.

Nếu các nước đấu thầu bỏ thầu cao hơn giá trần, Philippines sẽ loại tất cả, sau đó tổ chức đấu thầu lại, hoặc bàn riêng với từng nước, nước nào đồng ý giảm giá bằng hoặc dưới giá trần thì trúng thầu.

“Việt Nam đã có được hợp đồng bán 150.000 tấn gạo cho Philippines trong phiên mở thầu hôm 5-6 sau khi đồng ý giảm giá bán theo thỏa hiệp với Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA)”. (Việt Nam trúng thầu bán 150.000 tấn gạo cho Philippines)

“Cũng theo tìm hiểu của TBKTSG Online, cuối tháng 2-2015 vừa qua, Việt Nam đã giành được hợp đồng cung cấp 300.000 tấn gạo trắng hạt dài cho Philippines theo thỏa thuận G2G, sau khi đồng ý giảm giá xuống ngang bằng với mức giá trúng thầu (200.000 tấn) của Thái Lan.”. (TBKTSG Online, 5-6-2015)

Đấu thầu, nhưng giá phải thấp hơn giá trần hay giá tham chiếu mà Cơ quan lương thực quốc gia Philippines NFA đưa ra có nghĩa là Philippines luôn nắm quyền ấn định giá gạo.

Khi Philippines ấn định giá gạo, Việt Nam và Thái Lan phải cạnh tranh hạ giá gạo theo ý của Philippines, thực tế nhiều năm nay là giá gạo 25% tấm luôn bị khống chế xoay quanh mức 340 đô la Mỹ/ tấn. Nên biết, đây là mức giá sát với giá thành sản xuất lúa gạo.

Mỗi năm, Philippines mua khoảng 1,8 triệu tấn gạo, chiếm khoảng 10% lượng gạo xuất khẩu của hai nước Việt Nam và Thái Lan. Nếu không bán cho Philippines, chia điều ra mỗi năm Việt Nam và Thái Lan tồn kho thêm khoảng gần 1 triệu tấn gạo mỗi nước, điều này không có gì lớn.

Việt Nam và Thái Lan bán cho Philippines 1,8 triệu tấn gạo mỗi năm nhưng để cho Philippines ép giá gạo, rồi các nước nhập khẩu dùng giá này để đàm phán mua gạo, tức là Việt Nam và Thái Lan sẽ phải bán gạo giá thấp cho cả 18 triệu tấn gạo, ở mức giá 340 đô la Mỹ/ tấn cho loại gạo 25% tấm.

Không hợp tác để lấy lại quyền ấn định giá gạo xuất khẩu, để cho Philippines và các nước nhập khẩu ép giá gạo đến sát giá thành, mọi chính sách phát triển sản xuất lúa gạo kể cả tái cơ cấu việc sản xuất lúa gạo đều trở thành vô nghĩa.

Tại sao Việt Nam và Thái Lan không hợp tác bán gạo xuất khẩu?

Philippines buộc Việt Nam và Thái Lan cạnh tranh với nhau để bán gạo giá thấp cho mình, vậy tại sao Việt Nam và Thái Lan không hợp tác bán gạo với nhau để không cho Philippines ép giá?

Tại sao Việt Nam và Thái Lan không hợp tác để lấy lại quyền ấn định giá bán gạo?

Khối OPEC trên 10 quốc gia, chỉ chiếm khoảng 50% sản lượng dầu mỏ thế giới, vậy mà khối OPEC nắm quyền ấn định giá dầu thế giới.

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia chiếm đến khoảng trên 50% thị trường gạo thế giới, cho nên nếu hợp tác, Việt Nam và Thái Lan không những có thể lấy lại quyền ấn định giá gạo từ Phillippines, mà còn có thể nắm quyền ấn định giá gạo thế giới.

Vì vậy, tốt nhất là thành lập Hiệp hội Các quốc gia xuất khẩu gạo (OREC) theo cách của khối OPEC, trong đó Việt Nam và Thái Lan là nòng cốt.

Việc hợp tác xuất khẩu gạo là giải pháp duy nhất của nền sản xuất lúa gạo của Việt Nam và Thái Lan, và đó cũng là cách duy nhất để bảo vệ quyền lợi của nông dân hai nước Việt Nam và Thái Lan.

Không hợp tác để lấy lại quyền ấn định giá gạo xuất khẩu, để cho Philippines và các nước nhập khẩu gạo ép giá gạo đến sát giá thành, mọi chính sách phát triển sản xuất lúa gạo kể cả tái cơ cấu việc sản xuất lúa gạo sẽ trở thành vô nghĩa.

Huỳnh Kim Hải (thesaigontimes.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: