» » » Vụ muối 2014 - 2015 ở Bạc Liêu: Diêm dân thua lỗ vì giá thấp

Vụ muối 2014 - 2015 kết thúc trong lúc giá muối xuống thấp khiến diêm dân nhiều nơi thua lỗ. Bên cạnh đó, trong 6 tháng mùa mưa nối tiếp cũng là lúc bà con phải chạy đôn chạy đáo để bán muối và tìm kiếm những mô hình sản xuất hiệu quả trên đất muối.

Khép lại mùa “muối đắng”

Vụ muối năm 2014 - 2015 ở vùng Nam Quốc lộ 1A, không ít diêm dân đã phải chịu cảnh trắng tay do thời tiết không thuận lợi. Ông Nguyễn Quốc Vinh (Hợp tác xã (HTX) muối ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải) than thở: “Mùa nắng đến trễ và kết thúc sớm. Trong khi đó, những đợt mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn những năm trước làm ảnh hưởng lớn đến năng suất muối. Có những lúc trời đang nắng gắt thì mưa lớn đột ngột xuất hiện chừng 20 - 50 phút rồi lại nắng tiếp. Vì thế, không chỉ năng suất muối giảm mà chất lượng hạt muối cũng không cao, dẫn đến bán không được giá”.

Do giá muối xuống thấp, muối trắng của HTX Diêm nghiệp Trường Sơn phải trữ trong kho chờ giá. Ảnh: P.Đ

Theo ngành Nông nghiệp, phần lớn các địa phương sản xuất muối đều gặp khó khăn và thất thu vì những trận mưa trái mùa. Đơn cử như huyện Đông Hải, vụ muối vừa qua, diêm dân bị thiệt hại gần 4.000 tấn muối.

Không chỉ bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi, diêm dân còn đối mặt với cảnh giá muối giảm. Nhiều nơi, bà con phải trữ muối trong tu nằm đợi giá. Vào thời điểm này, giá muối đen chỉ ở mức 400 - 600 đồng/kg (thấp hơn cùng kỳ 100 - 200 đồng/kg). Giá muối trắng cũng dao động từ 700 - 800 đồng/kg (thấp hơn cùng kỳ 200 - 300 đồng/kg).

Ông Nguyễn Văn Thống, Giám đốc HTX Diêm nghiệp Trường Sơn (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cho biết: “Với giá muối trên, diêm dân chỉ có cách duy nhất là trữ lại trong kho. Khoảng 5.500 tấn muối của 14 hộ xã viên của HTX vẫn đang nằm đợi giá. Muối đen thì thương lái mua chỉ có 400 đồng/kg, muối trắng thì không ai đoái hoài tới. Những ai không trữ muối chờ giá thì đành bán lỗ."

Thiếu vốn để tiếp tục sản xuất

Lâu nay, thu nhập của diêm dân ở vùng Nam Quốc lộ 1A gần như phụ thuộc hoàn toàn vào vụ muối. Trong 6 tháng mùa mưa, đất muối gần như bị bỏ trống. Bởi lẽ, những mô hình nuôi thủy sản sau khi làm muối còn rất hạn chế. Một số nơi, diêm dân thả nuôi cá kèo, tôm, cua… Song, hiệu quả kinh tế không cao và chủ yếu chỉ tạo nguồn thu phụ chờ ngày làm vụ muối tiếp theo.

Tuy nhiên, diêm dân vừa trải qua một mùa muối “đắng”, việc tiếp tục nuôi các loài thủy sản trên đất muối trong mùa mưa gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Trong khi đó, lịch thời vụ thả nuôi thủy sản đã gần kề. Như vậy, thách thức đặt ra cho diêm dân hiện nay là vừa phải tìm cách bán tháo muối, đồng thời phải tìm những loài thủy sản ít tốn chi phí đầu tư để đưa vào sản xuất trên đất muối cho kịp thời vụ.

Theo ông Mai Thanh Hùng, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải: “Đầu ra hạt muối bấp bênh cộng thêm biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nghề muối của huyện. Những năm gần đây, diện tích đất muối đã giảm xuống đáng kể. Nguyên nhân là diêm dân không tha thiết với nghề muối mà chuyển qua nuôi thủy sản. Giá muối xuống thấp kéo theo hệ lụy là trong 6 tháng mùa mưa diêm dân không có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất. Bạc Liêu đang xây dựng vùng nguyên liệu muối chất lượng cao, vì thế hạt muối rất cần được trợ giá, thu mua tạm trữ”.

Có thể thấy, vụ muối 2014 - 2015, hạt muối cũng chịu chung số phận lao đao như bao mặt hàng nông sản khác. Thực trạng trên đã giải thích tại sao Bạc Liêu là một trong những vùng muối nguyên liệu lớn của cả nước nhưng diêm dân chưa thể làm giàu.

Phạm Đoàn (Báo Bạc Liêu)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: