Vụ mùa 2015, áp lực thời vụ tuy không cao, vì lúa xuân thu hoạch sớm, tuy nhiên cần hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ các giải pháp kỹ thuật...
Ruộng khảo nghiệm Bắc thơm 7 kháng bạc lá
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, từ nay đến cuối năm, hiện tượng El Nino bộc lộ rất rõ ràng và đang vào giai đoạn phát triển, dòng hải lưu nóng ở Thái Bình Dương gia tăng, nền nhiệt trung bình cao hơn trung bình năm ngoái từ 1 - 1,5 độ C. Lượng mưa thiếu hụt và hạn hán sẽ khốc liệt hơn ở miền Trung.
Bão và áp thấp được dự báo ít hơn trung bình năm ngoái, tác động và ảnh hưởng chỉ 5 - 6 cơn, song có hướng di chuyển phức tạp và cường độ, cấp gió dữ dội hơn. Tất cả các dự báo này đều là những bất lợi rất lớn cho sản xuất vụ hè thu, mùa.
Năng suất lúa hè thu, mùa về tiềm năng không cao bằng vụ đông xuân. Vụ này tác động của mưa, bão gây úng lụt đe dọa suốt từ đầu đến cuối vụ, kèm theo là các hệ quả gây chết lúa sau cấy khi cây chưa kịp bén rễ hồi xanh, hoặc ngay cả khi đã ra rễ và bắt đầu đẻ nhánh nếu ngập lụt kéo dài cũng sẽ làm chết úng, rễ đen, thân lá thối và phải gieo cấy lại.
Việc gieo cấy lại nếu còn trong khung thời vụ thì mới có hiệu quả, nhưng bản thân sự cố này cũng sẽ làm phá vỡ cơ cấu, vỡ mùa vụ, ảnh hưởng dây chuyền tới vụ đông kế tiếp.
Ở vụ mùa, mưa bão lớn làm lá lúa dễ bị rách, tổn thương và nguy cơ lây lan dịch bệnh bạc lá sẽ không tránh khỏi, thực tế với những giống lúa mẫn cảm, sau mưa, bão giai đoạn lúa chuẩn bị trổ bông, lá bị tổn thương có khi cả cánh đồng lá bạc trắng, năng suất giảm trầm trọng.
Mưa bão giai đoạn trổ bông, phơi màu ngăn cản quá trình thụ phấn, kết hạt và vì lẽ đó, về tổng thể tỷ lệ lép ở vụ mùa bao giờ cũng cao hơn vụ đông xuân.
Cũng vì mưa, bão, nhiệt độ cao, hiệu quả phân bón ở vụ mùa thường thấp hơn vụ đông xuân, phân bón dễ bị rửa trôi, song lại có nguy cơ khi bón sẽ cung cấp ồ ạt cho cây và dẫn tới mất cân đối trong quá trình hấp thụ, làm giảm sức chống chịu của cây.
Những giải pháp
Vụ mùa 2015, áp lực thời vụ tuy không cao, vì lúa xuân thu hoạch sớm, tuy nhiên cần hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ các giải pháp kỹ thuật sau:
- Sau thu hoạch lúa xuân tranh thủ cày, lồng vận rạ càng nhanh, càng tốt, giữ nước mặt ruộng và sử dụng thêm các chế phẩm như Tricoderma, phân vi sinh đa chủng đa chức năng… bón rải mặt ruộng để xúc tiến cũng như hỗ trợ quá trình phân hủy rơm rạ, tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa sau cấy, nhất là với trà lúa mùa sớm.
Đây cũng là giải pháp bổ sung hữu cơ cho đất, tránh đốt rơm rạ gây ngột ngạt và ô nhiễm môi trường.
- Vệ sinh đồng ruộng, sơn bờ, cuốc góc để hạn chế nguồn sâu bệnh trên ký chủ, kết hợp san phẳng mặt ruộng giúp cho quá trình tưới tiêu thuận lợi.
- Tổ thủy nông, HTX dùng nước cần chủ động sớm trong việc khơi thông mương máng, các công trình đầu khâu, vớt bèo bồng trên các trục sông tiêu, đầu các cống tiêu lớn, kiểm tra vận hành hệ thống điều khiển cống tiêu, các máy bơm tiêu úng, kể cả chuẩn bị hệ thống máy dầu dã chiến... đảm bảo tốt năng lực tưới và tiêu úng nhanh nhất.
Trong bối cảnh El Nino, dự báo mưa với cường độ cao, đồng ruộng bị chia cắt bưởi các công trình giao thông, đô thị, năng lực tiêu úng bị hạn chế, việc chuẩn bị kỹ các phương án tiêu cần được các địa phương tính toán và sẵn sàng cao nhất.
- Về kỹ thuật: Sử dụng các giống lúa ngắn ngày; mở rộng trà mùa sớm, cực sớm để khi có nguy cơ mưa lớn gây ngập úng thì cây lúa đã ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, lá đã vươn, tránh được khả năng ngập sâu trong nước; giai đoạn này chỉ cần thò chóp lá đã có thể không bị thiệt hại.
Thực tế nhiều năm gần đây, trà cực sớm và sớm ở miền Bắc an toàn và cho năng suất cao, ổn định hơn. Chủ trương của Bộ NN-PTNT khuyến cáo các địa phương mở rộng diện tích trà này cũng để tạo thêm quỹ đất làm cây vụ đông ưa ấm, nhóm cây rau màu có giá thu hoạch cao.
Một số vùng bà con nông dân để lúa chét sau thu hoạch lúa xuân, thâm canh lúa chét cho thu hoạch 100 - 130 kg/sào Bắc bộ, tương đương 3,1 - 3,3 tấn/ha, trong khi phải bỏ ra chi phí rất thấp, lãi thu được từ thâm canh lúa chét cao gấp 1,5 - 2 lần cấy lúa mùa sớm hoặc chính vụ.
Cái được lớn hơn là tháng 9 bà con đã có quỹ đất để làm các cây vụ đông, rau màu ưa ấm, ngô thu đông cho năng suất và giá trị rất cao. Công thức này làm rất thành công ở Thái Bình, giá trị thu hoạch/ha cao tới 300 - 350 triệu đồng.
Mặc dù một số hiệp định song phương, xuyên Thái Bình Dương (TPP) về chính sách thương mại đã và sẽ được ký kết giữa Việt Nam với các nước, nhưng bức tranh tiêu thụ nông sản của chúng ta vẫn chưa hẳn sáng màu. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu như lúa gạo, cao su, cà phê... vẫn khó tiêu thụ và giá cả duy trì ở mức thấp, vài triệu tấn gạo của Thái Lan tạm trữ luôn có nhu cầu xả hàng, ngoài ra còn áp lực cạnh tranh từ lúa gạo của Campuchia, Ấn Độ, Myanmar…
Cần tuân thủ chủ trương quy hoạch vùng đối với các trà lúa, giống lúa để gắn với mùa vụ và biện pháp kỹ thuật cũng như chủ động trong các biện pháp phòng chống úng ngập. Có phương án dự phòng giống nhóm ngắn ngày đề phòng bất trắc.
Hạn chế sử dụng các giống lúa mẫn cảm với bạc lá, với dự báo như vụ mùa năm nay, nguy cơ bệnh lan thành dịch rất cao. Các giống lúa chất lượng nên bố trí né vùng thường xuyên có ổ bệnh hàng năm.
Các biện pháp canh tác cần được thông tin, hướng dẫn cặn kẽ cho nông dân, bệnh bạc lá cần được theo dõi chặt ở các ổ bệnh, điều tiết phân bón và phun phòng bằng một số loại thuốc khi mới chớm bệnh theo hướng dẫn của cán bộ BVTV.
Hiện đã có một số tiến bộ kỹ thuật về giống có gen kháng bạc lá, một số vụ mùa gần đây đã được các công ty phối hợp với Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh trình diễn khá thuyết phục, cần được mở rộng.
Bón phân cho lúa vụ mùa cần tuân thủ nguyên tắc: "Nhìn cây, nhìn đất và nhìn trời"; bón lót sâu, sử dụng phân bón chậm tan và "nặng đầu, nhẹ cuối", bón NPK hỗn hợp hoặc phức hợp, cân đối đạm, lân, kali.
Hạn chế bón nuôi đòng bằng đạm ure, nhất là với các giống lúa chất lượng mẫn cảm với bạc lá để lá công năng không bị hư hại, bổ sung các chất trung, vi lượng, đặc biệt silic dạng nano dễ tiêu để tăng cường sức chống chỡ, ngăn cản xâm nhập của nấm và vi khuẩn vào mô cây.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại mưa bão. Phương châm dùng nước cho lúa vụ hè thu, mùa là “Rút cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng”, luôn đề phòng và chủ động tiêu úng là chính, ông cha ta cũng đã đúc rút kinh nghiệm “Chiêm chết khô, mùa chết úng” là vậy.
Thực tế cho thấy, mặc dù đối mặt với nhiều bất lợi nhưng nếu chúng ta chủ động, tiên lượng được tình hình, vào cuộc chỉ đạo sớm, quyết liệt vụ lúa mùa vẫn có thể giành thắng lợi.
Th.S Trần Xuân Định (Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt) (nongnghiep.vn)
Không có nhận xét nào: