10 ha khoai môn thuộc cánh đồng Chàm (thôn An Ninh, xã Vĩnh An, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đến thời điểm thu hoạch, nhưng khi nhổ lên không một gốc khoai nào có củ bảo đảm tiêu chuẩn. Cho rằng đơn vị cung cấp giống là Công ty TNHH Phát triển công nghệ cao Phương Lam (gọi tắt là công ty Phương Lam) xã Ninh Thành (Ninh Giang, Hải Dương) đã cung cấp giống kém chất lượng, người dân làm đơn kiến nghị gửi doanh nghiệp nhiều lần. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm.
Ba hộ dân là Phạm Thị Tuyến, Nguyễn Văn Bình, Vũ Thị Diệu (xã Vĩnh An) là những hộ dân có truyền thống làm kinh tế giỏi. Họ luôn là những xã viên HTX đi đầu trong việc thực hiện chương xây dựng nông thôn mới.
Được sự đồng ý của địa phương, ba hộ dân này đã thuê lại của người dân trong thôn 10ha đất để cải tạo lại đồng ruộng trồng cây khoai môn theo hợp đồng đã ký với công ty Phương Lam. Công ty Phương Lam bán giống cây, hướng dẫn kỹ thuật và khi thu hoạch sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân với giá 7.500 đồng/kg.
Giống khoai có vấn đề
Theo hướng dẫn kỹ thuật, sau khi trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, khoảng 145 ngày cây sẽ cho thu hoạch. Dự kiến 10ha sẽ cho thu hoạch 235 tấn củ. Củ khoai có trọng lượng từ 600g trở lên. Tuy nhiên, đến nay đã quá 5 tháng, mà 10ha khoai vẫn không cây nào có củ đạt đủ tiêu chuẩn.
Chị Phạm Thị Tuyến bức xúc cho biết: "Tháng 12/2014, sau khi ký hợp đồng, chúng tôi đã chuẩn bị đủ diện tích và cho máy cày phay đất, làm đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện đúng hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, khi công ty về chuyển giao giống thì giống khoai môn đã bị thối nhiều, chúng tôi đã có ý kiến với công ty nhưng doanh nghiệp động viên khoai mới chỉ thối một nửa vẫn trồng được. Sau hơn 1 tháng trồng, khoai đã bị thối chết quá nửa. chúng tôi đã có ý kiến nhiều lần nhưng từ đấy chưa nhận được câu trả lời của doanh nghiệp".
Theo Hợp đồng số 05, hợp đồng mua bán khoai môn tươi có ứng trước giống, do công ty Phương Lam (bên A) ký kết với 3 hộ dân Phạm Thị Tuyến, Nguyễn Văn Bình, Vũ Thị Diệu (bên B), bên A phải "Đảm bảo giống đạt tỷ lệ nảy chồi từ 90% trở lên, giống khỏe mạnh, đạt năng suất cao, năng suất trung bình đạt 30 tấn/1ha" (Điều 10 của Hợp đồng )...
10ha khoai môn, không cây nào có củ
Thực tế, công ty Phương Lam đã cung cấp cho 3 hộ dân 104.184 củ (mầm) để trồng trên diện tích 10ha. Số tiền giống này lên tới gần 400 triệu đồng. Người dân bỏ ra 50 triệu, số còn lại doanh nghiệp cho tạm ứng. Tiền tạm ứng sẽ được đối trừ với tiền hàng ngay trong các lần giao hàng đầu tiên.
Dẫn chúng tôi đến khu vực trồng 10ha khoai môn của nhà mình, anh Nguyễn Văn Bình ngao ngán cho biết: "Sau khi phát hiện giống khoai bị thối và khi đưa vào trồng bị chết nhiều đã có ý kiến với doanh nghiệp, đồng thời đã chuyển đổi những diện cây bị chết sang trồng lúa để bù đắp lại chi phí. Đối với diện tích cây còn sống, theo hướng dẫn của công ty khoảng 6 tháng khoai cho củ, nhưng đã hơn 5 tháng từ ngày trồng cây vẫn chưa ra củ, mà ở thân và gốc tiếp tục bị ủ dột, thối. chúng tôi đã tìm mọi biện pháp để khắc phục nhưng không hiệu quả. Và hơn nửa tháng nay, chúng tôi chán nản, bỏ không làm cỏ nữa".
Doanh nghiệp phủi trách nhiệm
Trước những kiến nghị của các hộ dân, phóng viên Thời báo Kinh Doanh đã liên hệ với ông Hà Bách Khải - Giám đốc công ty Phương Lam. Ông Khải từ chối gặp trực tiếp mà chỉ trao đổi qua điện thoại. Ông Khải cho biết: công ty chỉ là người trung gian cung cấp giống khoai môn từ đơn vị trên Hà Nội cho người dân. Việc giống khoai bị thối và không cho củ thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp trên Hà Nội, còn Phương Lam chỉ là đơn vị giám sát (?)
Ông Khải phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của mình với các hộ dân. Và, bản thân ông Khải cũng không biết rõ nguồn gốc xuất xứ của giống khoai này được lai tạo hay nhập khẩu từ đâu về (?). Số tiền gần 400 triệu đồng tiền giống đến nay cũng chưa có hóa đơn VAT. Lý giải về việc gần 6 tháng vẫn chưa có hóa đơn bán giống, ông Khải nói, do phía doanh nghiệp trên Hà Nội chưa chuyển cho ông (?).
Tuy nhiên, từ những tài liệu mà TBKD thu thập được cho thấy toàn bộ Hợp đồng, Biên bản giao nhận giống khoai môn, Bản quy trình kỹ thuật trồng khoai môn đều đứng tên công ty Phương Lam chứ không có đơn vị thứ 3 như lời ông Hà Bách Khải nói.
Ông Trịnh Khắc Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo (phụ trách nông nghiệp), cho biết huyện đã nhận được đơn kiến nghị do các hộ dân gửi. Huyện sẽ nhanh chóng vào cuộc, xác minh làm rõ vụ việc.
Ông Nguyễn Xuân Vịnh - Chủ tịch HĐND xã Vĩnh An, cho biết xã coi đây là vùng sản xuất trọng điểm, khi thành công sẽ tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình. Trước đây, khi mới trồng được 2 tháng, cây khoai môn phát triển rất tốt. Gần thời điểm thu hoạch, cây ngả vàng, lá héo dần, nhưng nhổ lên không thấy củ đâu. Như vậy thiệt hại rất lớn cho các hộ dân, vì các hộ này phải đi vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện trồng trọt, sản xuất. Việc triển khai không hiệu quả cũng ảnh hưởng tới việc tuyên truyền chuyển đổi giống cây trồng đối với nhân dân.
"Thay mặt UBND xã, tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét cụ thể công ty Phương Lam cung cấp giống đã qua trồng khảo nghiệm chất lượng chưa, Cây này trước đây được trồng nhiều ở đâu, hiệu quả kinh tế có chưa, Nguồn gốc xuất xứ cây?... Cần phải làm rõ nguyên nhân mất mùa và công ty Phương Lam phải chịu trách nhiệm trước các hộ dân, bồi thường thiệt hại", ông Vinh kiến nghị.
Thanh Vân (Thời báo kinh doanh)
Không có nhận xét nào: