» » » » Vải thiều ùn ùn vào Thủ đô

Mặc dù thời điểm này đã bước vào thu hoạch vải thiều chính vụ ở vựa vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhưng cách đây gần một tháng, người dân Thủ đô đã được thưởng thức những trái vải đầu mùa với giá cao “ngất ngưởng”. Đến nay, giá đã hạ, và sức tiêu thụ cũng tăng lên nhiều.

Vải thiều được tập kết tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội).

Chưa có vải thiều “made in Lục Ngạn” trên đường phố Hà Nội?

Khảo sát của cộng tác viên báo Bắc Giang điện tử tại chợ đầu mối Long Biên, một trong những điểm mua bán hoa quả lớn nhất Hà Nội, cho thấy, giá vải thiều tại đây vẫn ổn định trong khoảng 12.000 đồng đến 20.000 đồng/kg, tùy chất lượng và mẫu mã.

Chị Nguyễn Thị Hà, một chủ sạp hàng ở khu C, cho biết, vải thiều đã bắt đầu vào thu hoạch rộ nên lượng vải đưa về chợ Long Biên tiêu thụ ngày một lớn. Hàng ngày, chị Hà đặt hàng các chủ trang trại từ Lục Nam, Lục Ngạn và một phần của Thanh Hà (Hải Dương) thu gom, rồi phân phối lại cho các đầu mối bán lẻ khác. 

“Mỗi ngày chúng tôi thu mua khoảng 10 tấn ngay từ đầu giờ sáng. Sau đó giao cho đội ngũ bán lẻ với giá chênh vài trăm đồng/kg. Nhìn chung, năm nay, sức tiêu thụ vải thiều rất tốt, và có lẽ người dân Thủ đô đã từng bước sử dụng quả vải như một thói quen tiêu dùng”, chị Hà nói.

Tuy vậy, theo nhận định của phóng viên, ở thời điểm hiện tại, người dân Hà Nội chưa được thưởng thức vải thiều “chính hãng” Lục Ngạn. Bằng chứng là hầu hết vải thiều tập kết tại chợ đầu mối Long Biên, chợ đầu mối Đền Lừ (quận Hoàng Mai) đều có mẫu mã không đẹp. Quả tuy đỏ rực, nhưng hạt to, chưa có vị ngọt đậm như vải thiều Lục Ngạn.

Bà Mai Bích Thủy, một người tiêu dùng tại phố Tràng Thi, phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), nhận xét: “Gia đình tôi mua vải thiều ngay từ đầu vụ, từ lúc giá khoảng 90.000 đồng/kg, bởi các thành viên trong gia đình đều rất thích vải thiều. Hơn nữa, chúng tôi cũng coi đây là một phần đóng góp nhỏ để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản”. 

Theo bà Thủy, vải thiều năm nay giá ổn định, bán đến tay người tiêu dùng khoảng 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, quả vải không có hiện tượng sâu đầu, chất lượng khá tốt.

Vải thiều được bày bán trên phố Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Một điều bà Thủy băn khoăn là không thể phân biệt đâu là vải thiều Lục Ngạn, đâu là vải thiều của các địa phương khác. Đây cũng là thắc mắc chung của đại bộ phận người tiêu dùng Thủ đô khi thưởng thức đặc sản vải thiều. 

Hà Nội có thể tiêu thụ hàng chục nghìn tấn vải 

Ngoài kênh phân phối vải thiều ở các chợ truyền thống và những người bán rong, vải thiều năm nay cũng đã sớm được các hệ thống siêu thị của Thủ đô đưa lên sạp. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị FiviMart, cho biết, ngay từ đầu vụ, đơn vị này đã cử cán bộ xuống tận các vườn của Lục Ngạn, Lục Nam để đặt vấn đề mua vải thiều. 

“Vải thiều có thể tiêu thụ được hàng chục nghìn tấn tại Hà Nội trong vụ vải thiều năm nay, nếu chúng ta làm tốt được khâu quản lý thị trường và lưu thông” - ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội.

“Sở dĩ chúng tôi phải đặt hàng ngay từ sớm, bởi sẽ giám sát được quy trình sản xuất, chất lượng của quả vải, từ đó mới tạo được lòng tin từ khách hàng. Ngay khi thu mua, doanh nghiệp cũng sẽ đóng gói, vận chuyển đúng quy trình của hàng xuất khẩu đảm bảo giữ lô hàng vải tươi trong khoảng hai ngày”, vị lãnh đạo này cho hay.

Đại diện một siêu thị lớn khác tại Hà Nội là BigC, cho biết, họ đã sẵn sàng mọi điều kiện để phân phối vải thiều. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay vẫn là khâu nhận diện thương hiệu. “Khi mùa vải rộ, từ chợ, trung tâm thương mại đến mọi đường phố đều ngập tràn người bán, rất khó để người tiêu dùng nhận biết đâu là vải sạch, trồng đúng tiêu chuẩn VietGap. Vì thế, theo tôi, vùng trồng vải cần đầu tư bao bì, tem nhãn, có thể chi phí sẽ khiến giá bán cao hơn nhưng chắc chắn người tiêu dùng đều chấp nhận được vì họ biết nguồn gốc, xuất xứ của quả vải”, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị BigC cho biết.

Về phía chính quyền, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, nhận định, mỗi tháng mùa hè, nhu cầu tiêu thụ quả tươi trên địa bàn Thủ đô khoảng 52.000 tấn, trong đó nguồn cung tại chỗ chỉ đáp ứng 66%, còn lại được cung ứng tại các địa phương phía Bắc và phía Nam. Thời gian qua, khi một số mặt hàng nông sản của các địa phương miền Trung và miền Nam gặp khó khăn, thành phố đã tiêu thụ khoảng 200 tấn dưa hấu Quảng Nam và 105 tấn hành tím Sóc Trăng. Do vậy, sức tiêu thụ vải thiều trong thời gian tới cũng khá lớn. “Vải thiều có thể tiêu thụ được hàng chục nghìn tấn tại Hà Nội trong vụ vải thiều năm nay, nếu chúng ta làm tốt được khâu quản lý thị trường và lưu thông”, ông Thăng nhìn nhận.

Cụ thể, ông Lê Hồng Thăng cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các quận huyện, xã, phường chọn các địa điểm trống để dành chỗ cho bán vải thiều, kể cả nội thành. Quản lý thị trường sẽ phối hợp để cấp giấy cho phép các xe chở vải vào các địa điểm trống này.

“Sở Công thương Hà Nội đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ các tỉnh tăng tiêu thụ nông sản và kết quả năm nay đã hỗ trợ tiêu thụ được trên 200 tấn dưa hấu cho tỉnh Quảng Nam; 105 tấn hành tím, hiện đang tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nốt 25 tấn hành tím cho tỉnh Sóc Trăng... Đây là cơ sở cũng như kinh nghiệm để Hà Nội hỗ trợ các địa phương khác trong tiêu thụ vải thiều”, ông Thăng nói.

Thu Trang/ Báo Bắc Giang

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: