» » » » Vải thiều chính vụ được giá, tiêu thụ thuận lợi

Theo tổng hợp của Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 20-6, lượng vải thiều xuất khẩu qua các cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang đạt hơn 35 nghìn tấn. Trong đó, qua cửa khẩu ở Lào Cai là hơn 18 nghìn tấn, Lạng Sơn 16 nghìn tấn và Hà Giang 1 nghìn tấn. Dù sản lượng không bằng năm trước nhưng người trồng vải vẫn vui vì vải thiều tiêu thụ thuận lợi, được giá. 

Đóng gói vải thiều tại một điểm cân huyện Lục Ngạn  chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ.

Giá cao hơn từ 10 - 15%

Thời điểm này ở các huyện có diện tích vải thiều lớn như Lục Nam, Lục Ngạn đang ngập trong màu đỏ của vải thiều. Sáng sớm, dọc hai bên đường san sát những chiếc xe container chờ "ăn hàng". Quốc lộ 31, đoạn qua khu vực hai xã Phượng Sơn, Hồng Giang và thị trấn Chũ (Lục Ngạn) đã xảy ra ách tắc giao thông cục bộ. 

Theo ông Nguyễn Văn Tám, chủ một điểm cân vải thiều tại phố Kim, xã Phượng Sơn, năm nay vải thiều được thu mua với giá từ 14 - 21 nghìn đồng/kg để xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Mỗi ngày, điểm cân của ông thu mua từ 30 - 40 tấn quả. 

Tại xã Bình Sơn (Lục Nam), dọc tuyến đường nối tỉnh lộ 293 vào trụ sở UBND xã cũng có khoảng 10 điểm thu mua vải thiều, thương lái ở đây chủ yếu đến từ các tỉnh phía Nam và cung cấp cho chợ đầu mối quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ông Lê Đình Năm, chủ một điểm cân tại thôn Bãi Đá, xã Bình Sơn cho biết: “Gần một tháng nay, mỗi ngày tôi thu mua khoảng 30 tấn vải thiều vận chuyển vào miền Nam với giá từ 12 - 15 nghìn đồng/kg”.

Vải thiều bán được giá nên chị Trần Thị Thủy, xã Mỹ An (Lục Ngạn) rất vui: “Để đưa được quả vải ra phố Kim bán, người dân xã tôi phải qua cầu phao, xe chở nặng cầu lại chòng chành nên đi lại nguy hiểm. Khó khăn thế nhưng vải bán với giá từ 18 - 20 nghìn đồng/kg, cao hơn năm ngoái từ 2 - 3 nghìn đồng/kg cũng bõ công đi lại vất vả. Vụ này nhà tôi thu được khoảng 4 tấn quả, với giá như hiện nay thu hoạch hết cũng có một khoản tiền kha khá”. 

Cùng với Lục Nam, Lục Ngạn, vải thiều tại một số địa phương khác như: Sơn Động, Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa cũng đã cho thu hoạch với tổng sản lượng hơn 20 nghìn tấn. Dù giá vải tại các địa phương này không cao như ở Lục Nam, Lục Ngạn nhưng được giá hơn so với năm trước, người dân thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy.

Một điểm cân tại xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) mỗi ngày thu mua khoảng 40 tấn vải thiều.

Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ 

Là vụ thu hoạch nông sản trọng điểm của tỉnh nên việc tiêu thụ vải thiều được hầu hết các ngành chức năng, chính quyền các cấp quan tâm tìm giải pháp hỗ trợ. Trò chuyện với một số người dân tại khu vực các xã Vô Tranh, Bình Sơn, Lục Sơn, Trường Sơn (Lục Nam) được biết, những năm trước, đường vào các xã này xuống cấp nghiêm trọng nên nhiều thương nhân cứ nhắc tới cụm xã này là lại lắc đầu ngao ngán. Bởi những hôm mưa, đường lầy lội, có người phải thuê máy xúc đẩy mất từ 4 đến 5 giờ xe vải mới vượt được đoạn đường hơn 20 km từ xã Bình Sơn ra thị trấn Đồi Ngô. 

Ít thương nhân vào đặt điểm cân khiến việc tiêu thụ vải thiều rất khó khăn. Nhiều người trồng vải phải đi hàng chục km sang huyện Lục Ngạn để bán. Chia sẻ khó khăn đó, UBND tỉnh, ngành giao thông đã đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đường tỉnh 293. Vụ vải thiều năm nay, giai đoạn một dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 293 và các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm đã hoàn thành giúp việc đi lại thuận tiện nên đã thu hút hàng chục thương lái về thu mua vải thiều. Người trồng vải tại cụm xã này đã không còn phải vận chuyển đi xa để tiêu thụ. 

"Năm nay, thương nhân Trung Quốc tham gia thu mua vải thiều tại Lục Ngạn nhiều hơn năm trước, đã có 254 người sang đặt điểm cân tập trung tại thị trấn Chũ và một số xã như Hồng Giang, Phượng Sơn, Nghĩa Hồ... Hiện trên địa bàn huyện Lục Ngạn có hơn 440 điểm cân lớn và hàng trăm điểm cân nhỏ, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 4 nghìn tấn vải thiều”. Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn

Trên quốc lộ 31 đoạn qua các xã Phượng Sơn, Hồng Giang, thị trấn Chũ, nếu như mọi năm cứ vào vụ vải thiều lại bị ùn tắc cả giờ đồng hồ, có hôm đi từ TP Bắc Giang lên Sơn Động mất 5 - 6 giờ. Năm nay, để hạn chế tình trạng này, UBND huyện Lục Ngạn chỉ đạo các lực lượng chức năng như: Công an huyện, công an xã, đoàn thanh niên... trực vào giờ cao điểm để phân luồng giao thông. 

Bên cạnh đó, huyện thành lập các tổ liên ngành thường xuyên có mặt tại điểm hay ùn tắc để nhắc nhở người chở vải, thương nhân không đỗ xe, tập kết hàng lấn chiếm lòng đường. Nhờ vậy, tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông giảm chỉ còn từ 5 đến 15 phút. Giao thông thuận lợi khiến việc tiêu thụ vải thiều dễ dàng hơn. Cùng với bán quả vải tươi, hàng trăm hộ dân ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam còn chủ động thu gom vải thiều có mã không đẹp để sấy, góp phần giảm sức ép trong tiêu thụ vải thiều tươi.

Được biết, chiều 17-6, UBND huyện Lục Ngạn đã ký hợp đồng ghi nhớ về việc tiêu thụ vải thiều tại thị trường Malaysia năm 2015 với Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC). Theo đó, thời gian tới AIC sẽ thu mua 1 nghìn tấn vải thiều Lục Ngạn để xuất khẩu sang nước này. Đây tiếp tục là tin vui với người trồng vải vì đầu ra của sản phẩm đang dần được bảo đảm./.

Việt Anh - Văn Thương (Báo Bắc Giang)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: