Những ngày này, người trồng vải Thanh Hà đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ. Dường như cái nóng giữa những ngày hè không làm họ mệt mỏi bởi giá vải liên tục tăng trong những ngày qua.
Người trồng vải phấn khởi khi giá vải tăng
Củng cố thị trường truyền thống
Vừa dừng xe máy chở hơn 1 tạ vải đem bán tại điểm thu mua trước cổng UBND xã Thanh Thủy, ông Phạm Văn Thống (ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn) gạt nhanh những giọt mồ hôi trên mặt hồ hởi nói: "Lâu lắm rồi đầu ra cho quả vải mới được tỉnh, huyện quan tâm như năm nay. Bà con chúng tôi vui lắm. Thời điểm này mọi năm, giá vải chỉ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng năm nay thì liên tục tăng giá. Hôm qua vải mã đẹp, quả to bán được 11.000 đồng/kg nhưng sang hôm nay đã 13.500 đồng/kg. Giá cao lại không mất cân, chúng tôi rất phấn khởi".
Là người có gần chục năm trực tiếp về Thanh Hà mua vải rồi mang về nước bán cho các siêu thị, ông Li Uây Pheng (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) thừa nhận giá vải năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 20%. "Giá mua tăng thì chúng tôi bán tăng miễn là người tiêu dùng chấp nhận. Giá vải năm nay cao nhưng người tiêu dùng Trung Quốc vẫn mua rất đông. Họ rất thích vải Thanh Hà vì ăn xong không cảm thấy có vị chát", ông Li nói. Theo ông Li, vụ vải năm nay có 4-5 thương lái Trung Quốc về Thanh Hà mua vải. Mỗi thương lái thu mua từ 12-15 tấn/ngày rồi chuyển qua cửa khẩu Lạng Sơn sang Trung Quốc.
Chị Phạm Thị Oanh, một thương lái ở Hưng Yên cho biết: "Tôi buôn vải được gần 20 năm, chủ yếu bán sang Trung Quốc. Mọi năm, giá cả bấp bênh, người buôn bán như chúng tôi thường bị thương lái Trung Quốc ép giá nhưng năm nay thì không có tình trạng đó. Họ chấp nhận mua với giá cao hơn năm trước là do chất lượng vải ngon hơn nhưng theo tôi nguyên nhân chính là thị trường năm nay đa dạng nơi tiêu thụ, thương lái Trung Quốc không còn một mình một chợ nữa".
Mở kênh tiêu thụ mới
Những năm trước, vải thiều Thanh Hà chủ yếu bán sang thị trường Trung Quốc nhưng năm nay thì khác. UBND tỉnh, huyện Thanh Hà và các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tổng công ty Hapro Hà Nội, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ cam kết tiêu thụ vải thiều VietGAP cho bà con ở các xã Thanh Thủy, Thanh Xá và Thanh Sơn với giá cao hơn 20% so với vải sản xuất theo cách truyền thống.
Tổng công ty Hapro Hà Nội có 100 điểm bán lẻ tại thị trường Hà Nội, mỗi ngày tiêu thụ từ 25-30 tấn quả, giá từ 16.000 - 19.000 đồng/kg. "Nhìn những chùm vải dán mác vải thiều Thanh Hà được người dân Thủ đô đón nhận tích cực khiến chúng tôi rất phấn khởi. Đặc biệt, đến chiều, khi hệ thống Hapro thông báo ở nhiều điểm không còn hàng để bán làm chúng tôi vui hơn", một vị lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà cho biết sau chuyến tham gia sự kiện giới thiệu vải thiều Thanh Hà - Hải Dương tại Hapro Hà Nội ngày 12-6.
Tại thị trường TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ tổ chức tiêu thụ vải thiều Thanh Hà khá thành công. Để bảo đảm chất lượng cho quả vải, Rồng Đỏ đặt một nhà máy sơ chế ngay tại huyện Thanh Hà. Theo ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc công ty, vải thiều của Thanh Hà được người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đánh giá rất cao về chất lượng, mẫu mã. Giá bán những ngày qua tại TP Hồ Chí Minh dao động từ 19.000 - 25.000 đồng/kg.
Không những làm tốt việc tiêu thụ trong nước theo các kênh phân phối chính thức, vải thiều Thanh Hà còn được Công ty Rồng Đỏ xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Pháp, Hà Lan và Canada. "Chúng tôi đã xuất sang thị trường Mỹ 1 container, Australia 3 container với tổng cộng hơn 4 tấn. Đưa sang Pháp, Hà Lan, Canada mỗi nước 0,5 tấn vải. Đến nay, chưa có phản hồi chính thức của người tiêu dùng nhưng toàn bộ số vải trên đều được các nước sở tại đánh giá bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và được phép nhập khẩu vào thị trường của họ. Chúng tôi tiếp tục theo sát diễn biến tại các thị trường này. Nếu người tiêu dùng phản ứng tích cực, các siêu thị bán hết hàng chúng tôi sẽ tiếp tục xuất hàng sang", ông Thìn nói.
Toàn bộ diện tích vải sẽ canh tác theo VietGAP
Thanh Hà hiện có 1.000 ha vải trồng theo quy trình VietGAP (chiếm 1/3 tổng diện tích vải thiều của toàn huyện), tập trung chủ yếu ở xã Thanh Thủy, Thanh Xá, Thanh Sơn...
Gia đình ông Nguyễn Văn Đạo ở thôn Lại Xá (Thanh Thuỷ) có hơn 2 mẫu vải VietGAP. Theo ông Đạo, tuy tốn công sức chăm bón, mất thời gian, nhưng thực sự mang lại hiệu quả về chất lượng. "Nhà tôi chỉ có 2 người làm nên thường không thu hoạch kịp khi vải chín. Như mọi năm, thu hoạch xong vườn này, quay lại vườn khác thì vải đã chín quá, hay bị sâu và rụng, thiệt hại nhiều. Sản xuất theo quy trình sạch, quả vải đỏ tươi, đẹp, không sâu mà giữ lại được rất lâu trong vườn. Năm nay, tổng thu từ vườn vải của gia đình khoảng 100 triệu đồng”, ông Đạo cho biết.
Ông Ngô Đức Vính, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: Toàn huyện có 3.000 ha vải thiều. Sản lượng vải năm nay tương đương năm ngoái, ước đạt từ 15.000 - 17.000 tấn quả. Đến thời điểm này, bà con trong huyện đã thu hoạch được 70% diện tích, số còn lại sẽ thu trong 7-10 ngày tới. Giá vải bình quân từ đầu vụ đến giờ cao hơn năm ngoái. Vải VietGAP giá cao hơn vải canh tác truyền thống từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. "Năm 2016, Thanh Hà sẽ chuyển toàn bộ diện tích trồng vải của bà con sang quy trình canh tác VietGAP nhằm nâng cao hơn nữa sản lượng cũng như chất lượng quả vải, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên mảnh đất Thanh Hà sẽ không còn vùng vải nọ vải kia", ông Vính khẳng định.
Vải thiều Hải Dương vào thị trường Malaysia
Theo ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc), ngày 16-6, 1,5 tấn vải thiều Hải Dương đã đến Malaysia với chất lượng tốt. Quả vải vẫn giữ được màu sắc đỏ tươi, chất lượng bảo đảm theo yêu cầu của phía Malaysia. Vải thiều Hải Dương được người tiêu dùng Malaysia ưa chuộng do chất lượng tốt hơn vải thiều của Trung Quốc và Thái Lan. Tại hệ thống siêu thị, cửa hàng của Malaysia, vải thiều Hải Dương được bán với giá 10 ringgit/kg (tương đương 60.000 đồng/kg). Đây là lần đầu tiên công ty này xuất khẩu vải thiều sang Malaysia.
Lê Hương (Báo Hải Dương)
Không có nhận xét nào: