» » » Sâu bệnh phát sinh gây hại lúa Hè Thu

Thời tiết nắng nóng kéo dài làm nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại lúa vụ Hè Thu. Hiện Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bình Định đang tích cực kiểm tra đồng ruộng, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng trừ.

Cán bộ Chi cục BVTV kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh ở lúa Hè Thu trên địa bàn phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn). Ảnh: N. Hân

Vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh gieo sạ 42.530 ha lúa, gồm 15.227 ha lúa vụ Hè; 27.303 ha lúa vụ Thu. Do nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới, nên khả năng sinh trưởng của cây lúa gặp nhiều bất lợi; diện tích lúa gieo sạ sớm đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV, cho biết: Hiện có 8 ha lúa Hè Thu giai đoạn trổ, vào chắc bị rầy nâu - rầy lưng trắng phát sinh gây hại, mật độ trung bình từ 750 - 1.500 con/m2, cục bộ có nơi cao từ 3.000 - 5.000 con/m2; tập trung tại Phù Mỹ 5 ha, Hoài Nhơn 2 ha, Phù Cát 1 ha. Sâu đục thân 2 chấm tuổi 1 cũng đang nở rộ gây hại lúa Thu giai đoạn đẻ nhánh ở Phù Cát. Bệnh khô vằn trên lúa Hè giai đoạn đòng trổ - vào chắc, gây hại cục bộ ở Hoài Nhơn, Phù Cát. Bệnh thối thân phát sinh gây hại trên lúa Hè giai đoạn trổ - vào chắc, tỉ lệ gây hại 5-10% trên diện tích 8 ha (Hoài Nhơn 3 ha, Phù Cát 5 ha). Bệnh lem lép hạt gây hại 20 ha lúa Hè giai đoạn trổ - vào chắc tại Phù Cát. Trên các loại cây trồng cạn, các bệnh khô vằn, đốm lá, héo rũ cũng phát sinh, gây hại... Chi cục đã chỉ đạo phun thuốc phòng trừ, không để lây lan ra diện rộng. 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Định, từ nay đến cuối tháng 6, thời tiết tiếp tục nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại cây trồng: Sâu đục thân tuổi 1 tiếp tục nở rộ đến cuối tháng 6, gây hiện tượng bông bạc cho lúa. Rầy nâu - rầy lưng trắng tiếp tục phát sinh mạnh với mật độ cao cục bộ trên lúa Hè giai đoạn đòng trổ - vào chắc. Lứa rầy non sẽ nở rộ từ 28.6 đến 10.7 gây hại lúa Hè giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh và lúa Thu sớm giai đoạn đứng cái làm đòng ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát…

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục BVTV khuyến cáo nông dân cần tập trung bơm nước chống hạn, tổ chức chăm sóc, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa theo phương pháp “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng - nồng độ).

Khi phát hiện sâu đục thân 2 chấm gây hại lúa, sử dụng một trong các loại thuốc BVTV để rải trên ruộng: Diazan 10GR, Vibasu 10GR, liều lượng 1 kg/sào; hoặc Virtako 40WG, liều lượng 3-6 gam pha 16-32 lít nước phun 1 sào; Regent 800WG hoặc Tango 800WG liều dùng 2-3 gói (mỗi gói 0,8-1 gam) pha với 24 lít nước/sào. Khi phát hiện có rầy mật độ trên 1.500 con/m2 trở lên (3 con/dảnh lúa), dùng Chess 50WG, liều lượng 3 gói (7,5 gam/gói) pha với 24 lít nước phun 1 sào; hoặc  Bassa 50EC (hoặc Hoppecin 50EC), 100ml thuốc pha với 32 lít nước/sào. Ruộng có mật độ rầy cao trên 6.000 con/m2, kết hợp 100ml Bassa 50ND (hoặc Hoppecin 50EC) + 5-10 gam Dantotsu 50WDG (hoặc 2 gam Tango 800WG) pha 32 lít nước phun 1 sào

N. Hân (Báo Bình Định)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: