» » Ngành chăn nuôi với hội nhập: Đừng ngồi đấy lo, phải hành động!

Chăn nuôi nông hộ chưa phát triển theo chuỗi giá trị, giá thành sản phẩm cao, chưa có thương hiệu… chính là những rào cản khiến ngành chăn nuôi của Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ thất thế ngay trên sân nhà khi hội nhập quốc tế. 

Nhất là khi Việt Nam gia nhập AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN), hay tham gia TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương). 

Ông Hoàng Thanh Vân (ảnh), Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) chia sẻ những trăn trở, suy nghĩ và biện pháp của ngành trong tình hình mới. 


Chăn nuôi nông hộ đang bị cắt khúc 

Thưa ông, trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã từng nói rằng, ngành chăn nuôi gặp khó khăn nhất khi hội nhập kinh tế quốc tế. Vậy khó khăn cụ thể ở đây là gì? 

- Khi hội nhập, ngành chăn nuôi được đánh giá nhiều thách thức nhất, bởi vì sản phẩm của ta hiện nay, về giá bán và giá thành đều cao hơn các nước. Và giá trị thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm chăn nuôi của mình chưa nhiều. Phong cách tiêu dùng hiện nay là yêu cầu phải có thương hiệu, nói sâu xa hơn phải truy xuất được nguồn gốc. 

Một yếu tố quan trọng là chất lượng sản phẩm, nếu so chất lượng với các nước trong khu vực, mình không bằng họ. 

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên do lâu nay tổ chức sản xuất của Việt Nam không theo chuỗi, nhất là những sản phẩm của chăn nuôi nông hộ bị cắt khúc, tức là người chăn nuôi chỉ biết nuôi, anh nuôi giống chỉ biết giống, anh nuôi thịt chỉ biết nuôi thịt, anh giết mổ chỉ biết giết mổ, anh kinh doanh chỉ biết kinh doanh… do đó qua rất nhiều khâu khác nhau. Trong khi đó cơ sở giết mổ và bảo quản, chế biến thì còn rất thấp kém, nên sản phẩm không được nâng cao giá trị. 

Khi hội nhập TPP và AFTA rõ ràng là hàng rào thuế quan giảm đi, chúng ta phải chấp nhận sự cạnh tranh trong thị trường nội địa với các sản phẩm nhập ngoại. Thế nên, phải có chính sách khuyến khích chăn nuôi phát triển, không chỉ cạnh tranh trên sân nhà, phục vụ thị trường nội địa, mà còn phải hướng đến xuất khẩu. 

Nhưng có vẻ như những chính sách khuyến khích ngành chăn nuôi chưa thực sự đi vào cuộc sống và chưa có hiệu quả rõ rệt, thưa ông? 

- Thực ra, ngành chăn nuôi cũng đã có những động thái tích cực và nhanh chóng có những giải pháp chỉ đạo trên cơ sở quản lý nhà nước, tập trung lãnh đạo theo từng mũi một. Trước hết, Cục Chăn nuôi đã tham mưu, đề xuất xây dựng các hàng rào kỹ thuật, ví dụ như tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm soát tốt đầu vào như nguyên liệu làm thức ăn gia súc nhập khẩu, các sản phẩm nhập khẩu… 

Đối với khu vực doanh nghiệp, chúng ta đã có Nghị định 210 rồi, nội dung rất tốt nhưng việc triển khai và thực hiện thì yếu, thậm chí có thể nói rất kém. 

Đối với chăn nuôi nông hộ, vừa rồi Chính phủ cũng đã ra QĐ 50, các tỉnh đang triển khai một cách cơ bản. Còn khối trang trại thì hiện nay có 2 việc. Một là Bộ NN-PTNT đang đề xuất Chính phủ ra một quyết định để hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Cái thứ hai liên quan đến trang trại là tổ hợp tác và HTX, vừa rồi Bộ cũng giao cho Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT nghiên cứu, xây dựng nghị định riêng cho HTX. 

Tôi cho rằng, HTX chính là tiền thân của hình thức liên kết lớn, sử dụng để thích ứng với TPP. Riêng khối có vốn đầu tư nước ngoài thì mình vẫn đang khuyến khích. Thực tế các đơn vị chăn nuôi lớn của thế giới đã cung cấp cho chúng ta cách thức quản lý, công nghệ, giống tốt, đó chính là nền tảng, mình phải thấy được điều đó để tạo điều kiện cho họ. 

Đã xuất hiện chăn nuôi lớn 

Chúng ta thừa biết rằng, ngành chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu phát triển ở khu vực nông hộ. Nhưng khi hội nhập, nhiều ý kiến lo ngại khu vực này sẽ không chống chọi được với sản phẩm chăn nuôi của thế giới, bởi giá thành cao? 

- Chúng tôi xác định để “chiến đấu”, thích ứng hay là để cầm cự được, hội nhập được với TPP và AFTA thì đối tượng chính phải là doanh nghiệp, những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp có khả năng, có kinh nghiệm, có vốn mới chống chọi được. 

Rất mừng hiện nay có Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Đức Long Gia Lai, VinGroup, Vinamilk, TH Truemilk… là những doanh nghiệp trong nước có thể nói đầu đàn về lĩnh vực chăn nuôi. Họ đã bắt đầu đầu tư và đã có sản phẩm hiện hữu. Ở chừng mực nào đó đã có hiệu quả tốt. 

Bên cạnh đó, một số tỉnh lại đang khuyến khích những doanh nghiệp trong tỉnh, ví dụ như Hà Tĩnh, họ giao cho một doanh nghiệp là Tập đoàn khoáng sản ở đó đứng ra làm đầu tàu, vừa tổ chức sản xuất, đầu tư công nghệ và giám sát…, sản phẩm họ làm ra hoàn toàn đảm bảo ATVSTP, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. 

Trở lại vấn đề giảm giá thành, tìm nguyên nhân để giảm giá thành sản phẩm xuống là điều cốt lõi nhất. Qua các nghiên cứu thực tiễn hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể giảm giá thành sản phẩm xuống ở mức thấp hơn rất nhiều bằng mấy giải pháp. 

Trước hết là giải pháp về giống, nếu làm tốt và giải quyết tốt khâu giống thì giá thành sẽ giảm được ít nhất 5%, thậm chí có thể giảm đến 9%

Thứ hai là phải tính cách với nông dân, doanh nghiệp liên kết lại với nhau để giảm thấp nhất khâu trung gian. Ví dụ một người chăn nuôi, nuôi 50 con lợn trong vòng 3 tháng, mỗi con có lãi khoảng 300.000 đồng, tổng số 15 triệu tiền lãi. Nhưng với ông thương lái, với 50 con lợn, ông ấy lãi đến 30 triệu đồng, thì rõ ràng là bất hợp lý. 

Phải tính cách để nông dân, doanh nghiệp liên kết lại để giảm thấp nhất khâu trung gian (Ảnh minh họa) 

Nhưng vấn đề là rất khó minh bạch được lợi nhuận của các khâu trung gian trong chăn nuôi, bởi cơ chế và những ràng buộc pháp lý chưa có, thưa ông? 

- Không thể bắt ông thương lái phải mua lợn của ông A, ông B cụ thể, bởi họ sẽ mua của ai bán cho họ giá rẻ, và bán cho lò mổ nào mua đắt. Biện pháp quản lý ở đây chính là để tự họ sẽ phải tuân theo quy định, đây mới là vấn đề của nhà nước. Phải tạo ra môi trường kinh doanh, và đưa tất cả các hộ chăn nuôi có nhu cầu xuất bán lợn, gà, vịt vào một chuỗi. Trong chuỗi ấy, Nhà nước đưa ra các chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng, giá thành hợp lý, minh bạch… 

Như vậy, quy định sẽ bắt buộc các khâu trong chăn nuôi phải có sự thỏa hiệp với nhau, trên cơ sở đó dần dần hình thành nên tổ hợp tác giống như hình thức một doanh nghiệp, tức phải có bàn bạc, dân chủ, công khai… 

Còn về tiêu thụ, các công ty đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo ra các trung tâm bán lẻ mi-ni, rất cơ động. Họ bán sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, và phong cách tiêu dùng truyền thống của chúng ta kiểu mua dăm ba lạng thịt ở vỉa hè, cho vào giỏ xe mang về sẽ mau chóng mất đi. 

Ông thợ mổ mà ông không biết lấy lợn ở đâu ông chỉ bán được ngày thứ nhất, ngày thứ hai là lỗ mà đến ngày thứ 3 là ông sập tiệm bởi vì ông không có vốn, ông chỉ đi buôn nước bọt thôi. Bây giờ ông muốn bán được sản phẩm ông phải cho tôi được cái truy xuất nguồn gốc. 

Đừng lo lắng quá! 

Nói thì dễ, tuy nhiên để thực hiện việc thay đổi một phong cách, một thói quen sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng không hề đơn giản, thưa ông? 

- Dĩ nhiên không phải ngay lập tức tất cả các địa phương làm được việc này. Những trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và các TP lớn phải khuyến khích làm nhanh để guồng máy hoạt động và dần dần đi vào trật tự, rồi xã hội sẽ tự sắp xếp. Còn nếu không sản phẩm nhập khẩu sẽ tràn ngập. 

Người tiêu dùng đủ thông minh để hiểu rằng, con lợn vừa mổ, cách đây có 50 km thôi, chắc chắn sẽ tươi, ngon hơn thịt lợn cách hàng ngàn km, mà giá thì bán như nhau. Như thế, rõ ràng chúng ta có lợi thế thị trường. Việc còn lại là sản xuất và lưu thông phải làm quyết liệt để giá thành giảm đi và chất lượng nâng lên. Cạnh tranh chỉ bằng cách đấy. 

Để thay đổi phương thức chăn nuôi, tạo liên kết, sẵn sàng đối phó với những thách thức của hội nhập, thì còn những biện pháp căn bản gì? 

- Phải giải quyết vấn đề khoa học công nghệ, đây là vấn đề then chốt. Việc thứ nhất là thay đổi ngay bộ giống. 

Thứ hai là công nghệ và thiết bị. Quan điểm của Israel cho rằng, ở đâu có không gian ở đó có sản phẩm nông nghiệp tốt. Còn đối với các nước châu Âu người ta nghiên cứu đến mức độ là cho ăn theo buổi, cho ăn theo ngày, cho ăn theo số con, cho ăn theo liều tinh sản xuất ra, chứ không phải là cứ mỗi ngày 2 kg như mình. Công nghệ và thiết bị, mình phải đầu tư. 

Tôi tin chắc rằng nếu hội nhập thì Việt Nam sẽ nổi lên nhiều nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp tốt chứ không đến mức lo lắng quá đâu. Nhưng hiện tại nhiều người cứ lo rằng, với thực trạng chăn nuôi của mình như bây giờ mà hội nhập thì chết đến nơi rồi, tôi bảo ừ lo thì lo thật, nhưng đừng lo đến mức ngồi đấy lo mà không làm gì. 

Lo là lo để hành động, lo phải có quyết tâm cao, có tư duy và hạ ra các quyết sách để giải quyết cái lo đó, nên nếu cứ ngồi không thì chẳng giải quyết được gì. 

Xin cảm ơn ông!

Văn Nguyễn - Minh Phúc (nongnghiep.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: