» » » Vừa thả nuôi, tôm đã chết la liệt

Mới vào vụ chưa được 1 tháng, hàng trăm ha tôm thẻ, sú ở 3 xã bãi ngang của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã chết hàng loạt, nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay.

Dân không kịp trở tay

Rút kinh nghiệm trong các vụ nuôi tôm những năm trước, vụ tôm 2015, gia đình ông Vũ Đức Chính ở xóm 3, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn đầu tư mua giống, trang thiết bị máy móc, bạt…, bài bản hơn. Cũng vì thế mà chi phí đầu tư nuôi 2ha tôm thẻ đã đội lên gấp nhiều lần so với trước, khoảng trên 500 triệu đồng. Nhưng tôm chỉ mới thả nuôi được gần 1 tháng bỗng dưng chết đồng loạt. Ông Chính cho biết, vào những ngày đầu tháng 5, khi ông đang đổ cám cho tôm ăn thì thấy một số con ngớp đầu lên mặt nước, biết có sự chẳng lành... 5 ngày sau, tôm cứ đen đầu, dạt vào bờ chết trắng ao. “Vụ 2014 đã thất bại, trắng tay cả tỷ đồng, vụ này anh em tôi vẫn “cắn răng” đi vay nặng lãi đầu tư nuôi mong vớt vát để trả nợ, nhưng đến giờ tôm vẫn cứ chết”- ông Chính ngán ngẩm nói.

Ông Trần Văn Kỳ (xã Kim Đông, huyện Kim Sơn)  làm vệ sinh cho ao nuôi sau khi tôm nuôi của gia đình bị chết. Ảnh: Trần Quang

Thiệt hại nặng không kém hơn ông Chính, hộ ông Vũ Ngữ ở khu nuôi tôm công nghiệp thuộc xã Kim Trung cũng đang lao đao vì tôm chết. Ông Ngữ cho biết: “Không như năm trước là tôm chết muộn và chìm xuống đáy, vụ năm nay, tôm thẻ chết sớm và nhanh hơn. Đáng nói là khi chết, tôm lại có hiện tượng đen thân và dạt vào bờ. Ví như 2ha tôm của tôi và bà con trong khu, sau khi thả nuôi được hơn 15 ngày bắt đầu thấy có hiện tượng chết rất lạ. Tôi đã dùng đủ mọi chế phẩm sinh học để xử lý nước và mua thuốc về đổ chữa cho tôm nhưng cũng không cứu được”. Ông Ngữ cho biết thêm, khi thấy tôm bắt đầu chết nhiều, ông đã huy động người làm và anh em đến bắt vội bán để cố vớt vát lại đồng vốn nhưng cũng không được bao nhiêu vì tôm chết quá nhanh không vớt kịp.

Dẫn chúng tôi ra các ao nuôi tôm giờ đã khô đáy, ông Ngữ nói: “Tôm thẻ yếu chết đã đành, năm nay tôm sú cũng chết trắng hàng loạt. Trong khi đó năm nào các cơ quan chức năng cũng về kiểm tra, lấy mẫu nước, xong đâu đấy cũng không thấy phản hồi gì để nông dân tự lo liệu, nên tôm chết mỗi năm một nặng”.

Nông dân hoang mang

Theo phản ánh của các hộ nuôi, tôm thẻ, tôm sú tiếp tục bị chết là có thể do thời tiết nắng nóng thất thường, khiến dịch bệnh bùng phát mạnh khó kiếm soát. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân thời tiết bất thuận ra, có thể do nguồn nước bị ô nhiễm vì năm nào ngoài bãi người dân cũng phun thuốc trừ hà nên khi người nuôi lấy nước vào không xử lý hết dẫn đến tôm bị ngộ độc, chết hàng loạt.

Ông Trần Văn Kỳ ở xóm 5, xã Kim Đông cho biết: “Gia đình tôi và hàng chục hộ dân khác trong thôn năm nào thả nuôi tôm cũng bị tình trạng tôm chết, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng/hộ. Vấn đề là không thấy các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc giúp đỡ, mà phần lớn họ chỉ lấy mẫu nước đi xét nghiệm, rồi im lặng luôn khiến cho tình hình tôm chết mỗi năm lại nặng hơn”.

Ông Hoàng Ngọc Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hải (huyện Kim Sơn) cho biết: “Toàn xã có trên 289ha nuôi tôm, nhưng thiệt hại trong đợt này đã chiếm lên đến trên 90% diện tích của 247 hộ.”

Ông Thành cho biết, nguyên nhân ban đầu có thể xác định là do thời tiết nắng nóng và nước trong ao nuôi bị xâm nhập mặn quá mức. “Hiện, chúng tôi chưa có giải pháp gì giúp đỡ người nuôi tôm cả, mà trước mắt các cơ quan chức năng đang tiếp tục phối hợp với địa phương lấy mẫu nước, điều tra nguyên nhân, sau đó mới có giải pháp khắc phục được” - ông Thành khẳng định.

Cũng là xã bị thiệt hại trên 90ha diện tích gồm tôm thẻ và tôm sú, ông Trần Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: “Hiện, tôm sú, tôm thẻ tại các ao đang chết ngày một nhiều. Hiện xã đã cử cán bộ xuống các hộ tuyên truyền, khuyến cáo bà con dùng các biện pháp để xử lý ao nuôi triệt để trước khi xả nguồn nước trong ao ra bên ngoài, nhưng cũng khó mà cứu vãn được tình hình”.

Ông Đinh Quốc Sự - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Ninh Bình cho biết: “Hiện tại chúng tôi chưa có số liệu thống kê diện tích tôm chết cụ thể, vì Sở vừa mới cử cán bộ xuống địa phương kiểm tra, lấy mẫu nước, rồi mới đưa ra kết luận được.  

Trần Quang (Dân Việt)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: