» » 'Vàng trắng' thất thế

Cách đây nhiều năm, cao su được xem là loại cây “vàng trắng” của ngành lâm nghiệp bởi đem lại giá trị kinh tế cao. Không ít người dân tại vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên sẵn sàng chặt bỏ các loại cây đang trồng như tiêu, điều…  để chuyển sang trồng cao su.

Ảnh: internet

Mới đây, “kịch bản chặt cây cũ trồng cây mới” tái diễn ở Đông Nam Bộ nhưng theo chiều hướng ngược lại, cao su trở thành đối tượng bị chặt. Thậm chí, có gia đình bắt đầu trồng cao su cách đây 6-8 năm khi giá bán đang ở ngưỡng cao, nay đến kỳ thu hoạch giá lại “rớt” thê thảm nên cũng quyết định chặt bỏ cao su mặc dù chưa hề cạo mủ lần nào. Việc chặt bỏ này không mới mà đã xuất hiện khoảng hai năm trở lại đây nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu là bởi ở thị trường cao su thế giới cung đã vượt cầu, giá bán liên tục sụt giảm. Giá bán xuống dưới giá thành sản xuất khiến người nông dân trồng cao su không có lãi. Theo Bộ NN&PTNT, giá cao su xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm chỉ đạt 1.424 USD/tấn, giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm trước.

Để cứu loại cây “vàng trắng” này, thời gian qua nhiều cuộc họp lớn nhỏ được mở ra. Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát còn có những buổi làm việc với những người đồng cấp ở các nước có trồng cao su trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia... để cùng đánh giá về tình hình sản xuất và tiêu thụ cao su thiên nhiên. Một trong những biện pháp mà các quốc gia có trồng cao su đang thực hiện là giảm lượng mủ khai thác, giảm chi phí đầu vào, đưa ra giá sàn.

Giải pháp nhằm giải quyết “bài toán” vĩ mô mang tầm liên quốc gia là thế nhưng xét riêng cho điều kiện ở Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn ngành cao su trong tương lai có thể khởi sắc, công việc cần làm còn khá nhiều. Đó là công tác quy hoạch phải được triển khai thực chất, hiệu quả hơn chứ không để tình trạng nông dân tùy ý, ồ ạt trồng theo phong trào bất chấp thị trường ra sao. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến nguyên liệu cao su trong nước cũng cần được chú trọng đầu tư phát triển hơn nữa, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.  Một trong những điểm mấu chốt cần lưu ý còn là nghiêm túc xem xét tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, tránh “dựa dẫm” vào thị trường Trung Quốc bấy lâu nay dễ dãi nhưng bấp bênh.

Nhìn rộng ra, các “con tính” này có lẽ không chỉ đúng với riêng ngành cao su mà sẽ áp dụng được với nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như điều, cà phê, ca cao… Do đó, các ngành cần làm ngay những phép tính này để cho ra những kết quả tích cực chứ không phải là kết cục “chặt - trồng - chặt”.

Thanh Nguyễn/ Báo Hải Quan

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: