» » Tìm lối ra cho thị trường nông sản (Kỳ I)

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả nước 4 tháng đầu năm đạt khoảng 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so cùng kỳ...

Kỳ I: Đến hẹn... “được mùa - mất giá”!

Nghịch lý nông sản được mùa mất giá được giá mất mùa cứ đến hẹn lại lên

Nhiều mặt hàng nông sản rớt giá và tồn đọng, nguời nông dân lâm vào tình trạng khó khăn.Trên thực tế, chuyện người nông dân đối mặt với tình trạng được mùa mất giá đã diễn ra nhiều năm nay. Những câu chuyện như vải Lục Ngạn không bán được, người dân Vĩnh Long đốt mía của năm trước, hay mới năm nay là chuyện dưa hấu bị ùn tắc tại cửa khẩu, hành tím tại Sóc Trăng, hành tây tại Đà Lạt không thể tiêu thụ vì được mùa mà không có thương lái mua… Và trong những ngày gần đây tiếp tục lại có nhiều mặt hàng nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long rớt giá mạnh, nhất là các loại trái cây vì đang vào mùa thu hoạch rộ nhất trong năm. Ông Phạm Văn Phú (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 150 gốc nhãn nhưng 2 tháng nay giá bán cứ lên xuống thất thường. Có lúc thương lái mua 50.000 đồng/kg, khi thì 30 ngàn đồng/kg, hiện nay chỉ còn 15.000 đồng/kg”.

Cùng tâm trạng, anh Bùi Công Lượng, một thương lái mua mít tại chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp) kêu than, giá mít hiện nay vào khoảng 10.000 đồng/kg nhưng không bán được phải đem đổ cho cá ăn. Cũng trong tình trạng tương tự trái ổi năm nay được mùa với giá bán tại vườn chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg nhưng vẫn rất ít người mua. Ngay tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) giá nhiều loại trái cây chỉ bằng 1/3 hoặc 1/2 so với mọi năm. Xoài cát giá chỉ 10.000 đồng/kg so với 40.000 - 45.000 đồng/kg như mọi năm. Dự báo giá các loại trái cây sẽ còn giảm nữa khi nhiều nơi đồng loạt thu hoạch rộ các loại trái cây từ tháng 5 trở đi.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam:

Nhiều nơi nông dân còn sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, chạy theo phong trào nên chất lượng và mẫu mã không đẹp, chi phí cao. Thấy cây nào có lợi nhuận cao thì thi nhau trồng dẫn đến cung vượt cầu, giá giảm là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó là số lượng bao tiêu mặt hàng trái cây phục vụ cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu còn khiêm tốn. Người nông dân đa phần bán cho các thương lái thu mua và phân phối, bán lại.

Chuyện trái cây được mùa trong khi nông dân đau đầu vì rớt giá cứ đến hẹn lại lên, tuy nhiên theo khảo sát, các mặt hàng trên thị trường tiêu dùng thì giá có sự chênh lệch khá cao so với giá gốc. Chẳng hạn như nhãn giá ở các chợ hay siêu thị vẫn vào mức từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, mít 20.000 đồng/kg… Giải thích về vấn đề này, đại diện nhiều siêu thị cho biết giá bán ở siêu thị cao hơn giá thị trường vì trái cây vào siêu thị phải đạt tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Cộng thêm các chi phí vận chuyển, thuế, chi phí bán hàng cùng phần lợi nhuận của nhà bán lẻ sẽ làm tăng giá bán khá cao so với giá thực tế ngay tại nhà vườn.

Trước thực tế này, nhiều bên (nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý) đã bàn đến trách nhiệm, lý do cuối cùng vẫn là nông dân chạy theo lợi nhuận, khâu tiêu thụ thiếu “bàn tay” doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm, sản xuất ra chỉ có thương lái tham gia khâu tiêu thụ. Vòng luẩn quẩn được mùa mất giá vẫn cứ tiếp diễn. 

Kỳ II: Nông sản Việt lép vế trên sân nhà

Thanh Sơn/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: