Thủ tướng Úc Tony Abbott tuyên bố sẽ tiếp tục xuất khẩu bò sống sang Việt Nam trong bối cảnh các nhà hoạt động vì động vật tại nước này đang gây sức ép.
Úc sẽ điều tra về bức ảnh này, nhưng sẽ tiếp tục xuất khẩu bò sống sang Việt Nam - Ảnh: Animals Australia
Tuần trước các nhà hoạt động bảo vệ động vật tại Úc đã "tấn công" văn phòng của Liên đoàn Nông dân Quốc gia (NFF) bằng cách đưa thông điệp kêu gọi cấm xuất khẩu bò sống sang Việt Nam. Họ yêu cầu giết mổ tại Úc, sau đó chỉ xuất khẩu thịt từ Úc sang Việt Nam.
Đây là động thái mới nhất trong làn sóng phản đối việc giao thương gia súc trực tiếp tới Việt Nam. Xuất phát từ tấm ảnh một người đàn ông cầm búa tạ đập đầu bò chưa được xác minh, phía bảo vệ động vật Úc cho rằng hành động đó quá man rợ và sai quy trình giết mổ theo thỏa thuận thương mại.
Phản đối "thiếu tính xây dựng và sai luật"
Các nhà hoạt động vì động vật đã vẽ cụm từ "cấm xuất khẩu trực tiếp" lên bờ tường, hàng rào tại văn phòng NFF, nhằm kêu gọi ngưng xuất khẩu bò sống qua Việt Nam sau những cáo buộc cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam dùng búa tạ giết bò, theo đài SBS (Úc)
Hình ảnh "phá hoại" của các nhà hoạt động tại NFF - Ảnh chụp màn hình Canberra Times
Chủ tịch NFF Brent Finlay cho rằng việc vẽ, viết lên tường và hàng rào vừa qua là "hành động phá hoại" và "thật không may, các cuộc 'tấn công' kiểu này của nông dân Úc là quá phổ biến", theo trang Canberra Times.
"Xâm nhập vào giữa đêm, phá hoại có chủ ý về tài sản và sử dụng ngôn ngữ đe dọa là hành vi không mang tính xây dựng và trái pháp luật", ông Finlay nói.
Đây là lần thứ 5 xuất hiện các trường hợp phá hoại tại văn phòng NFF trong vài năm qua, Canberra Times cho biết.
"Nhà hoạt động vì động vật trong khi đòi hỏi người khác làm theo pháp luật, chính họ lại không tôn trọng quá trình tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ động vật của những người đang thực sự cam kết cải thiện tình hình", ông Finlay nói thêm.
Trước đó, Tổ chức Bảo vệ động vật Animals Australia đề nghị ngưng việc xuất khẩu sang Việt Nam, tương tự trường hợp trước đây với Indonesia năm 2011. Tuy nhiên Thủ tướng Úc Tony Abbott và Bộ trưởng Nông nghiệp Barnaby Joyce bác bỏ ý kiến này.
Úc sẽ vì lợi ích chung
Trước làn sóng phản đối của các nhà hoạt động vì động vật, chính phủ Úc tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam. Chưa có bằng chứng chính xác để kết luận Việt Nam vi phạm, Canberra Times cho hay.
Thủ tướng Úc Tony Abbott nhấn mạnh lợi ích chung trong việc xuất khẩu sang Việt Nam - Ảnh: Reuters
Báo Úc The Sydney Morning Herald dẫn lời Thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết việc ngưng xuất khẩu bò sống cho Việt Nam là "điều cuối cùng cần xét tới".
Ông Abbott cho biết sẽ không lặp lại sai lầm của quá khứ như việc hủy hoại quan hệ thương mại với Indonesia từ lệnh cấm xuất khẩu trực tiếp động vật.
Ông nói: "Chúng tôi chắc chắn sẽ không vội vàng lặp lại loại sai lầm mà các chính phủ trước đây thực hiện... Nó ảnh hưởng tới việc mưu sinh của hàng ngàn người Úc ít nhất trong một khoảng thời gian. Nó làm hỏng mối quan hệ của chúng tôi với Indonesia, một nước rất quan trọng đối với chúng tôi".
Bộ trưởng Nông nghiệp Barnaby Joyce trong khi đó cho rằng sẽ có biện pháp cứng rắn với những doanh nghiệp vi phạm quy trình giết mổ. Tuy nhiên trong trường hợp tại Việt Nam, rõ ràng chỉ xử phạt những đơn vị thỏa thuận chính thức trong hợp đồng xuất khẩu và cam kết quy trình giết mổ theo Hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng (ESCAS).
Ông Joyce nói rằng các nhà hoạt động đã vội vàng phán xét sự việc chỉ dựa trên lý lẽ từ tổ chức Animals Australia với những báo cáo riêng lẻ.
"Người xem cần phải nhận thức rằng các báo cáo cho trường hợp này phải này đến từ những doanh nghiệp, không phải từ Animals Australia, những người tự báo cáo về nó", The Sydney Morning Herald dẫn lời ông Joyce nói.
Việt Nam đang là nước nhập khẩu động vật chăn nuôi lớn thứ hai tại Úc. Tính đến năm 2014, Úc đã xuất khẩu 178.000 sản phẩm chăn nuôi sang Việt Nam, theo The Sydney Morning Herald.
Anh Thắng, một người nhập khẩu gia súc tại TP. HCM cho biết việc kinh doanh động vật sống có ý nghĩa lớn vì người Việt Nam ưa chuộng thịt tươi hơn.
Anh Thắng nói: "Thường thịt sẽ ngon hơn trong 8 tiếng kể từ lúc giết mổ, nên nếu phía Úc cấm xuất khẩu trực tiếp động vật sống, nó sẽ ảnh hưởng tới việc kinh doanh. Tuy nhiên thị trường Việt Nam không chỉ kinh doanh thịt bò từ Úc, mà các doanh nghiệp còn nhập khẩu qua nhiều đường tiểu ngạch, và không chỉ bò Úc mới là sản phẩm chính. Thị trường sẽ tự điều chỉnh trong trường hợp cần thiết".
Nhật Đăng/ Báo Thanh Niên
Không có nhận xét nào: