» » Thị trường cà phê đầy cam go với những bất ngờ

Giá hai sàn kỳ hạn cà phê ở nước ngoài hôm qua chớp nhoáng tăng mạnh 80-90 đô la Mỹ/tấn khi giao dịch trong khi tin cung-cầu trước đó ảnh hưởng đến giá thị trường một thời gian dài. Các yếu tố bất ngờ trên thị trường cà phê làm nghề kinh doanh mặt hàng này ngày càng cam go.

Biểu đồ:Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu ngày 8-5-2015 (nguồn: Ice Europe)

Đơn chào bán nhiều hơn

Giá cà phê nội địa tại các tỉnh Tây nguyên sáng nay thứ Bảy 9-5-2015 trỗi dậy. Mới cách đây hai ngày, nhiều nơi vẫn còn ì ạch ở mức 36,5 – 37 triệu đồng/tấn, cuối tuần đã gần chạm mức 38 triệu đồng/tấn, cao hơn tuần trước từ nửa triệu đến một triệu đồng mỗi tấn.

“Mức giá ấy vẫn thấp so với giá tháng 10-2014 đầu vụ, thời điểm này chỉ ở mức 40-41 triệu đồng/tấn. Nhưng chỉ mới mấy ngày nay, công ty chúng tôi nhận đơn chào bán khá nhiều,” đại diện một công ty nhập khẩu có văn phòng tại TPHCM cho biết.

Giám đốc một công ty xuất khẩu cà phê tại tỉnh Đăk Lăk nhận định thị trường xuất khẩu cà phê trong mấy ngày qua được khơi thông đôi chút. “Giá bán xuất khẩu theo hợp đồng chênh lệch với giá niêm yết (differential) sàn kỳ hạn Ice châu Âu nay không “trừ lùi” (discount) mà thành “cộng tới” (premium) rồi, giá cà phê robusta loại 2, 5% đen bể được chúng tôi chào cộng 50 đô la/tấn giao hàng qua lan can tàu (FOB) đã có người mua, tuy không nhiều,” vị giám đốc nói.

Tuy nhiên, theo nhận định của một nhà phân tích thị trường, quyết định điều chỉnh tỉ giá liên ngân hàng của đồng đô la Mỹ của Ngân hàng Nhà nước trong tuần tăng thêm 1% sau khi giá đô la Mỹ tăng kịch trần vài ngày trước đó đã ít nhiều kích thích xuất khẩu, và mặt hàng cà phê tỏ ra phản ứng nhạy nhất.

Theo ông, “nếu lấy giá đóng cửa 1.758 đô la/tấn của sàn robusta châu Âu khuya hôm qua cộng với 50 đô la/tấn giá FOB, giá xuất khẩu tính bằng tiền đồng đã trên 39 triệu đồng/tấn, đầu vào và đầu ra có phần ‘thông hiểu’ nhau!”, ông vui vẻ giải thích.

Trước đây, nhiều đơn chào bán FOB giá rẻ, ở mức trừ 100-150 đô la Mỹ dưới giá niêm yết của sàn robusta. Khi giá kỳ hạn xuống, người bán giá rẻ đã phải “bó tay” không thể chốt bán được. Giả sử ở thời điểm này, lỡ như giá kỳ hạn đạt mức 1.850 đô la Mỹ cho luôn cao hơn hiện nay cả 100 đô la, với mức bán trừ 150 đô la dưới giá kỳ hạn, giá chốt cuối cùng cũng chỉ được trên 36,5 triệu đồng/tấn mà chưa tính đến yếu tố lợi thế tỉ giá vừa được điều chỉnh tăng.

Hơn nữa, tại Tây nguyên, vùng trồng cà phê trọng điểm với 90% sản lượng của cả nước, đang ở cao điểm mùa khô, một vài nơi vừa qua có mưa giải cơn khát cho nhiều vườn. Hơn nữa, thông tin khí tượng thủy văn cho biết trong tháng 5-2015 này, nhiều nơi sẽ có mưa, những dấu hiệu mùa mưa năm nay bắt đầu dù phải đến gần cuối tháng mới rõ ràng. Mùa mưa cũng là lúc nông dân cần tiền mua phân bón và chăm sóc cây cà phê như làm cỏ, tỉa cành…Đây cũng là lúc mà nhiều nước sản xuất robusta cạnh tranh đang vào mùa như Brazil và Indonesia. Đó cũng là lý do tại sao trong mấy ngày qua đơn chào hàng nhiều hơn.

Một thị trường cà phê cam go hơn

Những người theo dõi sàn kỳ hạn trực tuyến trên màn hình máy tính đã hoàn toàn bất ngờ với cách đi của các sàn kỳ hạn cà phê trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Họ kể rằng giá kỳ hạn robusta châu Âu đang ở mức dưới 1.720 đô la Mỹ/tấn khi mở cửa với mức tăng nhẹ thì bất ngờ đến 16:36 phút, giá sàn robusta bùng lên mạnh chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút để chạm mức 1.800 đô la Mỹ/tấn rồi tức tốc xuống lại; tại sàn kỳ hạn arabica (Mỹ) cũng cùng thời điểm, giá từ 132 xu/cân Anh (cts/lb) vọt nhanh lên trên 136 xu/cân Anh chỉ trong chớp mắt, tương đương đương trên 90 đô la Mỹ/tấn.

Đóng cửa giá kỳ hạn robusta  có phần hạ nhiệt, chốt mức 1.758 đô la Mỹ/tấn, tăng 40 đô la Mỹ/tấn so với giá đóng cửa ngày thứ Năm 7-5 nhưng vẫn giảm 14 đô la Mỹ/tấn so với cách đấy một tuần.
  
Biểu đồ 2: Diễn biến cặp tỉ giá đô la Mỹ và Real Brazil đến hết ngày 8-5-2015 (nguồn: Investing.com)

Nhiều người cho rằng giá sàn cà phê và nhiều mặt hàng nông sản khác bất ngờ tăng mạnh có thể do đồng đô la Mỹ yếu hẳn so với đồng Real Brazil (BRL) hôm qua. Mới đây, 1 đô la Mỹ ăn 3,02 BRL thì hôm qua chỉ còn 2,97 BRL, giảm 1,66% (xin theo dõi biều đồ 2). Brazil là một cường quốc nông nghiệp ở Nam Mỹ xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng trong tốp đầu của thế giới. Nên, người kinh doanh cà phê lại phải nhức đầu theo dõi thêm một yếu tố có thể can thiệp bất ngờ vào thị trường hàng hóa nông sản nữa là đồng BRL, ngoài sức khỏe đồng đô la Mỹ như là đồng tiền thanh toán hàng hóa trên sàn và bản tệ “đồng” Việt Nam.

Chưa phải là hết, tìm cho ra những thông tin về cung-cầu thị trường cà phê thế giới đầy đủ và trung thực trước những cạm bẫy của thị trường tài chính với những thông tin mang tính đầu cơ, những dữ liệu giao dịch mang tính lịch sử, những thông tin nhanh nhạy và chính xác về thời tiết để nhà kinh doanh cà phê có quyết sách đúng đắn cho kế hoạch kinh doanh của mình, đó là một núi cam go mà nhà xuất khẩu hàng hóa cà phê ngày nay phải vượt qua.

Nguyễn Quang Bình/ thesaigontimes.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: