Báo cáo của Hội Chăn nuôi Việt Nam cho thấy, trong ba năm liền, 2012-2014, ngành này đã trải qua giai đoạn lỗ nặng với số tiền khoảng 27.000 tỉ đồng. Điều trớ trêu là, trong lúc người chăn nuôi lỗ nặng thì người sản xuất thức ăn chăn nuôi chẳng những không bị tác động mà vẫn không ngừng phát triển.
Heo, gà khốn đốn
Hội nghị khoa học toàn quốc “Chăn nuôi - thú y” được tổ chức mới đây tại thành phố Cần Thơ đã dẫn số liệu báo cáo của Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho thấy từ năm 2012 đến tháng 3-2014, ngành chăn nuôi cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định về số lượng đàn gia súc, gia cầm thả nuôi. Cụ thể, nếu năm 2012 tổng đàn heo cả nước đạt trên 26,4 triệu con, thì sang năm 2013 và 2014 cũng lần lượt đạt trên 26,2 triệu và 26,7 triệu con. Với đàn gia cầm, số lượng được thả nuôi từ năm 2012 đến năm 2014 lần lượt đạt trên 308 triệu, 314 triệu và 324 triệu con.
Với việc tổng đàn gia súc, gia cầm vẫn được duy trì ổn định trong ba năm, theo nhận định của một số chuyên gia tại hội nghị trên, trong khoảng thời gian này, ngành chăn nuôi không hề xảy ra đợt dịch bệnh nghiêm trọng nào. Từ đó có thể suy ra, khả năng lỗ nặng lên đến khoảng 27.000 tỉ đồng không thể xuất phát từ nguyên nhân dịch bệnh.
Lý giải về khoản lỗ này, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Giá bán giảm xuống dưới giá thành mới chính là nguyên nhân”.
Trong khi ngành chăn nuôi lỗ nặng thì hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phát triển mạnh.
Theo ông Công, trong khoảng thời gian trên, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, ban đầu là thông tin thịt heo có chứa chất cấm tạo nạc xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Người tiêu dùng quay lưng với thịt heo, giá bán thịt sụt giảm mạnh từ mức trên dưới 5 triệu đồng/tạ (100 kg) xuống chỉ còn trên dưới 3,5 triệu đồng/tạ. “Trong khi đó, chi phí đầu tư như nhân công, thuốc thú y, nhất là thức ăn chăn nuôi vốn chiếm khoảng 70% giá thành, vẫn duy trì ở mức cao”, ông Công cho biết.
Một số chuyên gia còn cho rằng, sau khi giá heo sụt giảm mạnh, các loại thịt, trứng gia cầm cũng liên tục lao dốc, xuống dưới giá thành khiến người chăn nuôi liên tục gặp khó khăn. Ngoài ra, việc tăng cường nhập khẩu các loại thịt của nước ngoài cũng phần nào ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.
Thức ăn cho heo, gà thì khỏe
Tại hội nghị nêu trên, các công bố cho thấy trong khi hoạt động chăn nuôi trải qua chu kỳ lỗ nặng thì ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục có bước tăng trưởng mạnh. Thậm chí, với những số liệu thống kê thì nhiều khả năng sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục được doanh nghiệp mở rộng quy mô trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi Việt Nam trong năm 2014 đạt 14,46 triệu tấn, tiếp tục tăng trưởng 8,4% so với năm 2013, trong khi bình quân của thế giới chỉ tăng 2,08%. Theo ông, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong khu vực ASEAN và thứ 12 trên thế giới về sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu so với tổng công suất đã thiết kế là 23,47 triệu tấn/năm thì hoạt động của các nhà máy chế biến thức ăn chỉ mới đạt 61,6% công suất.
Còn xét về quy mô sản xuất, theo ông Vang, việc đưa vào vận hành một số nhà máy chế biến mới trong năm 2014 đã nâng tổng số lên 203 nhà máy với công suất trung bình đạt 71.200 tấn/nhà máy/năm (gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Trong khi đó, sản lượng bình quân trên thế giới đối với mỗi nhà máy khoảng 31.600 tấn, khu vực châu Á là 25.500 tấn/nhà máy, châu Âu là 45.500 tấn/nhà máy.
Dù không có số liệu thống kê cụ thể mức lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu được, nhưng một số nhà chuyên môn cho biết, qua số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động, tổng công suất đăng ký cũng có thể ước đoán được lợi nhuận mang lại cho những đơn vị này sẽ không hề nhỏ.
Cơ sở để khẳng định điều này càng được thể hiện rõ hơn khi giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động chế biến của họ giảm mạnh, nhưng đầu ra thành phẩm đến tay người nông dân giảm giá không tương xứng.
Thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam cho thấy, năm 2014, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục giảm so với trước đó. Chẳng hạn, khô dầu đậu nành giảm xuống chỉ còn 527,5 đô la Mỹ/tấn; bắp giảm từ mức 305,7 đô la Mỹ/tấn ở năm 2013 xuống còn 247,8 đô la Mỹ/tấn trong năm 2014.
Trong khi đó, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, so với hồi đầu năm 2014, bình quân giá thức ăn cho heo và gà đã được doanh nghiệp điều chỉnh giảm vào cuối năm. Cụ thể, thức ăn cho gà trong tháng 1-2014 có giá 11.602 đồng/kg thì đến cuối năm giảm xuống còn 11.140 đồng/kg (giảm 462 đồng/kg). Tương tự, thức ăn hỗn hợp cho heo thịt giảm từ 10.489 đồng/kg xuống còn 9.916 đồng/kg.
Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng trên thực tế, khi đến tay người chăn nuôi, giá bán hầu như không giảm như công bố của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Trung Chánh/ Báo Sài Gòn Tiếp Thị
Không có nhận xét nào: