» » » » 'Luống chè gia đình' và nỗi lo vùng chè Thanh Sơn

Mặc dù đã có những bước tiến khá rõ rệt như sản lượng, giá thành nhưng chất lượng của sản phẩm chè vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. 

Gia đình ông Chung nói rằng họ không dám uống loại chè dùng để bán này

Đặc biệt là dư lượng thuốc BVTV. Nếu không quản lý nổi các vùng nguyên liệu, ngành chè sẽ phải trả giá. 

Có người phải thảng thốt: "Cứ đà này ngành chè Việt Nam sẽ lụn bại!". 

Từ chuyện "luống chè gia đình" 

PV NNVN đã lên đường điều tra thực trạng sử dụng thuốc BVTV ở một số vùng chè nguyên liệu và phát hiện những sự thật rất đáng lo ngại. 

Huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) có khoảng hơn 2.000 ha chè nguyên liệu. Mặc dù đã có nhiều chương trình, dự án quy hoạch Thanh Sơn trở thành vùng chè sạch, chè an toàn của tỉnh nhưng chứng kiến quy trình sản xuất chè ở một số xã trên địa bàn huyện hẳn không ít người cảm thấy lo lắng. 

Một thời, Thanh Sơn khốn khổ với vấn nạn sản xuất chè vàng, chè bẩn. Còn bây giờ thực trạng sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ đang dần giết chết vùng chè nổi tiếng bậc nhất tỉnh trung du này. 

Văn Miếu là một trong 14 xã vùng chè của huyện, được tỉnh Phú Thọ quy hoạch thành vùng chè an toàn đồng thời là một trong những xã có diện tích trồng chè lớn nhất, tập trung nhiều xưởng chế biến nhất Thanh Sơn. 

Để có cái nhìn khách quan về thực trạng sử dụng thuốc BVTV ở Văn Miếu, chúng tôi tiếp cận một số hộ dân trồng chè khu vực này theo cách tình cờ nhất. 

Dạo một vòng quanh những đồi chè bạt ngàn đang đến kỳ thu hái ở thôn Văn Lâm, nơi bình quân mỗi hộ dân có khoảng 1 ha đất sản xuất chè, chỉ cần nhìn vào những bãi rác thải nằm ngổn ngang, chất đầy vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng cũng đủ biết độ độc ở vùng chè. 

Từng đống bao bì thuốc BVTV còn nguyên nhãn mác, phần lớn trong số đó là thuốc hóa học độ độc cao, thậm chí còn có những vỏ lọ không có nhãn mác, bốc mùi thối kinh khủng, mang đi hỏi một số người họ nói đó là thuốc BVTV của Tàu. 

Theo chân nhóm cắt chè thuê chúng tôi vào gia đình ông bà Chung Thuận có đồi chè nằm cạnh con đường nối thị trấn Lò Vàng đi xã Văn Miếu. 

Nói đến chuyện sử dụng thuốc BVTV cho cây chè, ông Chung thẳng thắn: Không phun thì sâu bệnh nó phá, còn phun thì độc. Có vụ phun xong chè cháy khô hết cả, chỉ cần châm mồi lửa có thể cháy cả đồi, có vụ phun thuốc gì không biết mà đồi chè bốc mùi thối không thể nào chịu được. 

Mỗi vụ phun từ 3-4 lượt, hết cả tiền triệu nhưng không biết tên các loại thuốc là gì. Đại lý họ bán cho thuốc gì thì phun thuốc đó thôi. Loại thối nhất mở ra thấy màu như mật ấy, độc nhưng mà sâu nhanh chết, có phải thuốc Trung Quốc không thì tôi chả biết nhưng mà toàn chữ nước ngoài. 

Ông Chung tiết lộ, mỗi lần phun xong sâu bọ chết rạt cả đồi chè, phải mất vài ngày gia đình ông không dám đến gần. 

Ở Văn Lâm và các vùng lân cận nhà nào cũng vậy. Hầu hết họ đều sử dụng thuốc BVTV hóa học có độ độc cao để phun cho chè. Càng độc càng được chuộng vì hiệu quả nhanh. 

Ông Lâm bảo tôi: Người ta quảng cáo vùng chè sạch đấy nhưng toàn phun vài ba ngày đã hái bán cho các đầu nậu thu gom cho các lò sấy hoặc xưởng chế biến, không ai biết đâu. 

Cũng ở Văn Lâm, mỗi hộ dân vùng chè này thường trừ ra một khoảnh gọi là “luống chè gia đình”. Đó là luống chè không phun thuốc BVTV độc hại, lớn chậm, thỉnh thoảng chịu sâu bệnh nhưng ra búp nào hái búp đó rồi đem đi sao cho gia đình sử dụng. Còn chè sản xuất, có thách cỡ nào họ cũng chẳng uống. 

Đó là loại chè họ sản xuất cho các xưởng chế biến của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hoặc các lò sấy tư nhân để tuồn sang những vùng chè khác. Nông dân quan niệm, một khi chè đã bán ra khỏi đồi nhà mình thì độc hay không cũng không liên quan gì đến họ. 

Xã Văn Miếu có hai xưởng chế biến lớn, cộng thêm một xưởng ở xã Võ Miếu, chè nguyên liệu không bao giờ đủ. Chính vì vậy nông dân mặc sức sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ, miễn là đến vụ đủ sản lượng để bán. 

Cũng theo thống kê, trên địa bàn huyện Thanh Sơn có hơn chục xưởng chế biến chè chủ yếu cung ứng cho các doanh nghiệp đăng ký vùng nguyên liệu trên địa bàn. Những xã như Văn Miếu, Võ Miếu, Minh Đài... có từ 2-3 xưởng chế biến hoạt động, việc thu mua nguyên liệu nhập nhèm, không an toàn của các đầu nậu thu gom không thể nào tránh khỏi.  

Dùng thuốc trên lúa phun cho chè 

Tiếp tục tìm hiểu thêm về thực trạng sử dụng thuốc BVTV trên chè chúng tôi tiếp cận một số đại lý kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn hai xã Võ Miếu và Văn Miếu. 

Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn hai xã này có khoảng 10 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Phần lớn các đại lý kiểu này đều có điểm chung là... mù tịt về kiến thức sử dụng thuốc BVTV, không thể tư vấn nông dân sử dụng thuốc đúng cách. 

Nguy hiểm ở chỗ, phần đa nông dân trồng chè cũng chỉ biết nghe các chủ đại lý “mù tịt” này “tư vấn” vì lý do nhanh gọn và giá rẻ. 

Nằm ngay ngã ba trung tâm xã Văn Miếu là cơ sở kinh doanh thuốc BVTV của ông Sắc. Mặc dù là đại lý vào loại lớn nhất của xã nhưng ông chủ không thể đọc tên hoặc phân biệt các loại thuốc BVTV mà gia đình đang bán cho người dân. 

Trên tủ thuốc này bán nhan nhản các loại thuốc BVTV hóa học có độ độc cao. Mặc dù không thể gọi tên các loại thuốc nhưng ông Sắc chia sẻ kinh nghiệm: Bán cho nông dân thuốc càng độc họ càng thích. Không kể thuốc trên lúa hay chè, miễn sao chết sâu bệnh là được. 

“Mỗi vụ chè nông dân phun từ 3-4 lượt. Thuốc có nhiều loại lắm, không ai nhớ được tên đâu, cứ chết sâu bệnh là phun thôi. Sản phẩm nào dân mua nhiều chắc là tốt”, chủ đại lý hồn nhiên kể. 

Cũng ở xã Văn Miếu, chủ đại lý Cường Phượng cũng thuộc loại rất ú ớ về kiến thức thuốc BVTV. 

Không những không thể đọc tên các sản phẩm đang kinh doanh, bà chủ đại lý còn thẳng thắn thừa nhận: Cứ bán lung tung thế thôi. Dân mua thuốc gì bán thuốc đó, thuốc trên lúa cũng như trên chè thôi, miễn chết sâu chết cỏ là được. Ở đây nhiều người bán thuốc không cần học hành gì, cứ lấy thuốc về, ai cần thì bán thôi. 

Trên kệ hàng đại lý thuốc BVTV Cường Phượng bày bán những sản phẩm chạy nhất. Tất cả đều thuộc dòng sản phẩm hóa học độc hại. Theo tiết lộ của chủ đại lý này, mặc dù quanh vùng không có diện tích trồng lúa, chủ yếu là diện tích chè, nhưng thuốc BVTV trên lúa vẫn bán rất chạy. 

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nông dân sử dụng thuốc BVTV trên chè vô tội vạ, ngoài nhận thức người dân còn hạn chế, ham lợi trước mắt còn có lỗi của các DN và nhà quản lý. 

Điển hình như sản phẩm thuốc trừ sâu hóa học Dogent 50SC. Trên bao bì sản phẩm quảng cáo là hình ảnh Tôn Ngộ Không cạnh những bông lúa vàng nặng trĩu nhưng chủ các đại lý vẫn mặc sức bán cho nông dân sử dụng trên cây chè. 

Còn ở xã Võ Miếu, một chủ đại lý nói giọng rất vô trách nhiệm: Thuốc trừ sâu, trừ rầy thì đương nhiên là phải độc thì sâu rầy mới chết. Còn chè nhiễm độc thì có bán cho dân mình uống đâu mà lo!

Đó là thực trạng các doanh nghiệp sản xuất chè mọc lên như nấm nhưng lại không chịu xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Và do thiếu nguyên liệu nên những doanh nghiệp này mua bừa của các đại lý thu gom, không kiểm tra được chất lượng chè sạch hay là bẩn. 

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn huyện Thanh Sơn phân tích: Cả tỉnh Phú Thọ có trên 60 công ty chè nhưng thử hỏi trong số ấy có mấy doanh nghiệp có vùng nguyên liệu đảm bảo? Có thực trạng cùng một vùng nguyên liệu nhưng công ty nào cũng nhận là của mình. Những nhà quy hoạch hứa cho doanh nghiệp này rồi lại hứa tiếp cho một hai doanh nghiệp nữa. 

Đó là những vùng nguyên liệu trên giấy. Ở huyện Thanh Sơn có khoảng 2 ngàn ha chè nhưng có đến hàng chục công ty nhận đó là “vùng nguyên liệu” của mình. Việc không có vùng nguyên liệu dẫn đến tranh chấp nhau. Người nông dân có thể bán nguyên liệu cho bất cứ xưởng chế biến nào mà không cần phải quan tâm đến chất lượng.

Hoàng Anh (nongnghiep.vn)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: