» » 'Giải cứu' dưa hấu cho bà con nông dân ở Quảng Ngãi: Nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ

Đến thời điểm này, những ruộng dưa hấu ở Quảng Ngãi đã được bán hết, nông dân lại tất bật chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Những ngày “giải cứu” dưa vất vả nhưng đầy ý nghĩa của các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện... cũng qua đi. 

Ảnh: Báo Người Lao Động

Vậy mà, nhóm PV Hànộimới vẫn tiếp tục ở lại Quảng Ngãi để điều tra, phản ánh về “chiến dịch” thu mua dưa của Tỉnh đoàn với tâm trạng trĩu nặng bởi lẽ một hành động cao đẹp, nhân văn đã không thực sự trọn vẹn. Trong những cuộc tiếp xúc, tất thảy bà con nông dân chúng tôi gặp đều ghi nhận công sức của thanh niên tình nguyện. Tiếc là có lúc, có nơi, có người trong cuộc “giải cứu” vội vã đã có việc làm chưa minh bạch, chưa hết trách nhiệm với cộng đồng.


Tờ xác nhận được làm vội vã

Cuộc gặp và tờ giấy xác nhận vội vã!

Ngày 7-5, một ngày sau khi bài báo đầu tiên về chiến dịch “giải cứu” dưa của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi được Báo Hànộimới đăng, Tỉnh đoàn đã tổ chức cuộc gặp mặt với chính quyền, bà con nông dân – những người đã bán dưa cho Tỉnh đoàn - tại xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh dưới sự chứng kiến của một số cơ quan báo chí. 

Để "cung cấp thông tin" cho các báo, một tờ giấy xác nhận mua bán dưa được lập và đóng dấu tươi rói của UBND xã Tịnh Hiệp ghi rõ ngày 7-5-2015, với nội dung như sau: “Tôi tên là Trương Cao Tuyến, chức vụ Bí thư xã đoàn Tịnh Hiệp, nay tôi viết giấy này xác nhận với các cơ quan đơn vị, ngày 3-5-2015 tôi có mua 10 tấn dưa Hắc mỹ nhân của nông dân Bùi Tuấn, thôn Xuân Mỹ, xã Tịnh Hiệp, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi dể chuyển ra đầu mối Hà Nội tiêu thụ giúp hộ ông Bùi Tuấn với giá 5.000 đồng/kg”. Ngoài chữ ký của Bí thư đoàn xã, còn có chữ ký của Chủ tịch UBND xã Võ Tấn Hồng và chữ ký của ông Bùi Tuấn. 

Sáng 8-5, phóng viên Báo Hànộimới tìm về nhà ông Bùi Tuấn để tìm hiểu rõ ngọn ngành: Vì sao đang từ 3.500 đồng/kg lại được tăng lên 5.000 đồng/kg? Vì sao khi mua dưa, Tỉnh đoàn và hộ nông dân không ký kết, xác nhận giá, chất lượng dưa... mà phải đợi đến khi Báo Hànộimới phản ánh, mới vội vàng triệu tập nông dân ký xác nhận?

Khi chúng tôi tới, ông Tuấn vắng nhà vì đang làm MC cho một đám cưới. Em gái ông Tuấn là bà Bùi Thị Thủy xởi lởi bổ một quả Hắc mỹ nhân mời chúng tôi và cho biết: Lúc bán dưa cho Tỉnh đoàn, gia đình và bên mua thỏa thuận là 3.500 đồng/kg. Còn vì sao bây giờ lại có giá 5.000 đồng/kg thì chỉ anh Tuấn biết, gia đình không biết (?). Chồng bà Thủy và bố, mẹ đẻ anh Tuấn cùng thừa nhận là lúc chất dưa ra xe, hai bên thỏa thuận giá là 3.500đồng/kg

Trò chuyện được một lúc thì ông Tuấn về. Ông cho biết, đã thỏa thuận bán cho Tỉnh đoàn 5.000 đồng/kg, phần rơm lót dưa mình chịu, mất mấy triệu đồng. Ông nói hôm qua (7-5) vừa ra xã ký xác nhận bán dưa 5.000 đồng/kg. Xác nhận vậy thôi, nhưng chưa nhận được tiền.

Trong công văn gửi Báo Hànộimới ngày 7-5-2015, Tỉnh đoàn đã khẳng định: “Ngày 6-5-2015, người bán dưa phản hồi dưa non, không ngọt. Tỉnh Đoàn làm việc lại với Đoàn xã để trao đổi với bà con, thống nhất giảm 1 tấn hao hụt, dưa non, chỉ tính tiền 9 tấn (xe 10 tấn)”. 

Chúng tôi hỏi ông Tuấn: Mấy ngày qua, xã hay Tỉnh đoàn có nói gì về chuyện trừ hao hụt 1 tấn do chất lượng dưa kém không? Ông Tuấn khẳng định là chưa ai nói gì về chuyện trừ hao hụt. Với người nông dân lao động cực nhọc trên cánh đồng, để kiếm được 5 – 10 triệu đồng đâu đơn giản. Nếu bị trừ sẽ đau ruột lắm! – Ông Tuấn than thở. Vậy, phải chăng đang có sự “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa công văn của Tỉnh đoàn và phản ánh của nông dân? 

Cả gia đình nhà ông Tuấn đến trưa 8/5 vẫn khẳng định với PV Hànộimới (tất cả các thành viên đều tham gia trồng, chăm, thu hoạch và bán dưa) rằng lúc bán dưa thỏa thuận với Tỉnh đoàn là 3.500 đồng/kg. Rõ ràng tờ giấy “xác nhận” giữa xã đoàn và ông Tuấn được làm ra vội vã, nhằm đối phó với dư luận, để hợp thức hóa, khỏa lấp khoản chênh khi nói mua của dân một giá, nhưng lại bán cho các đầu mối một giá của Tỉnh đoàn. Và cái giá 5.000 đồng/kg chỉ có được từ ngày 7-5, chứ không phải có từ lúc Tỉnh đoàn mua dưa và thỏa thuận với người dân.

Không chỉ vậy, phóng viên Báo Hànộimới còn có trong tay một số văn bản giao nhận tiền được lập một cách vội vã, để xác nhận các hộ bán dưa đã nhận tiền của BCH Tỉnh đoàn Quảng Ngãi mà không có ngày tháng và rất nhiều chữ ký trùng lặp do… cùng một người ký.

Đoàn viên thanh niên bán dưa hấu giúp bà con nông dân

Trách nhiệm với quả dưa, với cộng đồng...

Trong công văn gửi Báo Hànộimới, có nhiều vấn đề, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi chưa làm rõ để trả lời dư luận. 

Thứ nhất, về dưa non, dưa kém chất lượng: Tỉnh đoàn Quảng Ngãi là đơn vị đầu mối, tự đặt giá và đứng ra thu mua dưa cho bà con nông dân. Do vậy, Tỉnh đoàn phải biết chất lượng dưa có bảo đảm không? Đành rằng, nhiều người dân sẵn sàng bỏ tiền mua dưa ủng hộ nông dân vượt qua khó khăn bằng tinh thần thiện nguyện, nhưng không có nghĩa họ phải mang về những quả dưa vừa non, vừa xanh, vừa nhạt. Thử hỏi, nếu không có các tổ chức, cá nhân thiện nguyện cùng chung tay giúp sức, liệu rằng Tỉnh đoàn Quảng Ngãi có bán được hơn 750 tấn dưa giúp bà con nông dân? Trong việc này, Tỉnh đoàn còn sơ suất, nóng vội, cán bộ xã đoàn thiếu kiểm tra, sâu sát. Dưa giao cho các đầu mối tiêu thụ không bảo đảm chất lượng, không thể đổ lỗi cho người nông dân vì họ chỉ là người trồng và bán. Nếu Tỉnh đoàn Quảng Ngãi giám sát chặt chẽ chất lượng dưa ngay từ đầu, thông báo rõ ràng cho đầu mối tiêu thụ thiện nguyện, thì có lẽ câu chuyện đã khác. 

Thứ hai, trong Công văn số 2002-CV/TĐTN-TNNT của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi gửi Báo Hànộimới và trả lời một số cơ quan báo chí, Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi khẳng định: “Có đơn vị khi thu mua vận chuyển bị dập vỡ, họ còn trừ cả cái đó và không trả tiền cho mình luôn. Tỉnh đoàn mấy hôm nay phải bù 17 triệu rồi. Chúng tôi không thể nói với người dân rằng ngoài Hà Nội mua 10 tấn nhưng chỉ trả có 8 tấn, 9 tấn, nên chúng tôi phải bù tiền vào”. Dư luận không thể không thắc mắc: Tỉnh đoàn Quảng Ngãi lấy đâu 17 triệu đồng để bồi thường cho các đầu mối, số kinh phí này được trích từ nguồn quỹ nào? Có đúng với quy định không? Hơn thế, Tỉnh đoàn lấy căn cứ và cơ sở nào tính bồi thường cho các chủ đầu mối? Giả thiết, đầu mối nào cũng báo lỗ, đòi giảm giá, trừ hao hụt thêm, thì Tỉnh đoàn sẽ lấy tiền ở đâu để bù đắp? 

Thứ ba, theo như khẩu hiệu chiến dịch “giải cứu” dưa của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi là “Mỗi quả dưa – Một tấm lòng”. Hơn 750 tấn dưa mà Tỉnh đoàn thống kê là đã tiêu thụ giúp bà con nông dân, phải có sự giúp sức của nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh và cả nước mới đạt được như vậy. Nhiều người mua dưa không chỉ để ăn, mà còn để để biếu, tặng... Nhưng không biết có bao người đã phải “tím ruột” không biết chia sẻ với ai vì trót tặng dưa non cho người thân, bạn bè? Xin được hỏi, 601 triệu đồng các đầu mối, đơn vị, cá nhân chưa chuyển về cho bà con, bao giờ Tỉnh đoàn thu hết? Với nông dân, số tiền thực thu sau những ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. 

Chẳng mấy lại đến mùa dưa mới. Nghe nói Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đang phát động chiến dịch mua muối tồn đọng giúp bà con nông dân. Và không chỉ ở Quảng Ngãi, sẽ có nhiều nơi cần tấm lòng tình nguyện cho những chiến dịch “giải cứu” nông sản. Việc thu mua, tiêu thụ dưa hấu giúp nông dân vẫn cần sự giúp sức của thanh niên tình nguyện. Hy vọng, sau vụ dưa này, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi sẽ rút ra được nhiều bài học đắt giá, nhất là khi triển khai một chủ trương đúng đắn, đầy ý nghĩa nhân văn. Bên cạnh nhiệt huyết, cũng cần cách làm cẩn thận, chu đáo hiệu quả cùng sự giám sát chặt chẽ để không xảy ra những chuyện đáng tiếc như Báo Hànộimới đã nêu.

Nhóm PV Hànộimới

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: