» » Có thị trường rồi, làm sao giữ chân khách hàng?

Trong suốt 40 năm hòa bình thống nhất vừa qua, khó khăn lớn nhất và lặp đi lặp lại hàng năm đối với nông dân vẫn là thị trường đầu ra, nhất là thị trường xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập toàn cầu với nhiều hiệp định thương mại quốc tế đã hoặc sắp có hiệu lực.

Thu hoạch nhãn ở ĐBSCL. Nhãn là một trong nhiều loại trái cây được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Nông nghiệp Việt Nam đã làm nên kỳ tích khiến thế giới vừa thán phục vừa lo lắng. Thán phục nông dân ta sản xuất nông thủy sản với khối lượng dư thừa quá lớn, đưa nước Việt Nam lên hàng thứ hai trong các quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, cá da trơn... nhưng lại lo lắng cho tương lai lợi tức nông dân ta sẽ như thế nào nếu cứ tiếp tục cách làm cũ trong một thế giới hội nhập? Đầu ra tiêu thụ sản phẩm của nông dân luôn bấp bênh.

Không chỉ các công ty và doanh nghiệp tư nhân mà ngay cả những công ty lớn của Nhà nước cũng mua nguyên liệu nông sản qua thương lái là chính, hiếm khi mua trực tiếp của nông dân. Quyết định 899/TTg ban hành giữa năm 2013 và sang đầu năm 2014 được Thủ tướng nhấn mạnh cho phép nông dân không nhất thiết phải trồng lúa, mà có thể nuôi trồng cây con gì có giá trị cao nếu có thị trường đầu ra.

Vừa qua có những tin mừng là thị trường thế giới qua các cơ quan kiểm định chất lượng nông sản của châu Âu, Mỹ, Nhật, đã cho phép nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, phần lớn là trái cây nhiệt đới như chuối, khóm, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm, nhãn, vải thiều. Nhưng có thị trường và được chứng nhận bởi cơ quan kiểm định của quốc gia nhập khẩu và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của Văn phòng Quốc gia SPS Việt Nam chưa phải là điều kiện đủ để xuất khẩu! Nhà doanh nghiệp xuất khẩu phải bảo đảm sản phẩm của mình luôn luôn tươi tốt, mẫu mã đẹp. Như thế thì nhà nông của ta không thể nuôi trồng tùy ý mình rồi bán mão cho thương lái như trước; và doanh nghiệp không thể tiếp tục làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” đi thu gom, mua lại của thương lái như trước được; và Nhà nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương) không thể để cho nông dân tự phát, mạnh ai nấy bắt chước nhau nuôi trồng một cách vô tổ chức như hiện nay.

Chính sách tái cấu trúc nông nghiệp để thoát ly “hội chứng an ninh lương thực”, sẽ cho chúng ta hy vọng khắc phục những nguyên nhân đã khiến nông dân trồng lúa bấy lâu nay sản xuất nhiều nhưng vẫn chưa giàu.

Việc tổ chức cho nông dân sản xuất là một yêu cầu cần thiết để nông dân kết hợp nhau thành lực lượng lớn mới có thể tạo nên nguồn nguyên liệu với khối lượng lớn, có chất lượng an toàn thực phẩm cao nhất, thu hoạch đúng theo thời điểm hợp đồng, và giá thành thấp. Nghị quyết 26TW và Quyết định 899/TTg của Thủ tướng tạo hành lang pháp lý để tổ chức sản xuất và chế biến sản phẩm có đầu ra ổn định. Nhưng ai là người đứng ra tổ chức? Phải là vai trò của các doanh nghiệp có tâm huyết và có kỹ thuật chuyên môn kết hợp với chương trình công nghiệp hóa nông nghiệp của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương.

Cơ hội tái cấu trúc nông nghiệp miền Bắc

Nhân dịp mặt hàng vải thiều mà Mỹ đã cho phép nhập khẩu, chúng tôi thấy đây là một cơ hội có thể giải thoát nông dân vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) khỏi cái nghèo. Kinh nghiệm ngàn năm cho thấy trồng lúa ở miền Bắc là phải chống lại bốn kẻ thù: đó là xuân, hạ, thu, đông! Suốt năm bà con nông dân miền Bắc hết chống rét, đến chống hạn, rồi chống úng, chống bão. Làm vừa đủ ăn hoặc thiếu ăn. Nhưng những vùng trồng vải và nhãn như Thanh Hà, Lục Ngạn... thì bà con hưởng được những mùa bội thu nhờ khí hậu ở miền Bắc mới có. Thật thế vải thiều chỉ thích hợp ở ĐBSH, tại sao ta không mạnh dạn tái cấu trúc cây lúa ĐBSH thành các vùng sản xuất vải thiều và nhãn long?

Đây là một trường hợp điển hình áp dụng Quyết định 899/TTg tái cấu trúc vùng lúa ĐBSH để làm giàu cho nông dân miền Bắc, có thể phác họa như sau: trong khi doanh nghiệp có thị trường Mỹ cho vải thiều thì những người có trách nhiệm phải tổ chức những “trung tâm công nông nghiệp vải thiều”. Do đó, cần quy hoạch lại các vùng đất thích hợp nhất ở miền Bắc thích nghi nhất với vải thiều, mạnh dạn chuyển trồng lúa sang trồng vải thiều trong những khu công nông nghiệp chế biến và bảo quản vải thiều (khu CBVT). Đồng thời Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu toàn bộ quy trình trồng vải thiều, từ sản xuất cây vải con, trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tưới tiêu nước... đúng theo kỹ thuật nông nghiệp cao theo quy định của Bộ Nông nghiệp Mỹ để có được logo chứng nhận USDA. Chính quyền địa phương vùng có quy hoạch khu CBVT sẽ tổ chức cho nông dân xây dựng lại đồng ruộng của mình trở thành vườn vải thiều, nhận cây giống và tài liệu hướng dẫn canh tác. Mỗi khu CBVT, do một doanh nghiệp tư nhân quản lý điều hành với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, được xây dựng và trang bị đầy đủ thiết bị đạt tiêu chuẩn Hoa Kỳ từ nhà máy sơ chế, khử khuẩn bám trên vỏ từng trái vải, bộ phận phục hồi màu đỏ vỏ trái vải, đến phòng sấy lạnh 50C sơ khởi, và phòng bảo quản dài hạn lạnh 50C. Trong khi đó, bộ phận ngoại thương của khu CBVT sang Mỹ, nắm bắt các chuỗi siêu thị Mỹ, chuỗi siêu thị của người Mỹ gốc Việt để chào hàng và ký hợp đồng nhập khẩu...

Quy hoạch cho chương trình tái cấu trúc nông nghiệp

Thông thường, khi những sản phẩm nguyên liệu của một đất nước mất dần tính cạnh tranh trong thị trường thế giới thì Nhà nước phải có kế hoạch tái cấu trúc nông nghiệp. Thái Lan đã có chính sách tái cấu trúc đất lúa của họ từ tháng 8-2012 nhưng mãi đến năm 2014 mới cụ thể được loại cây trồng thay thế cây lúa, đó là cây mía. Hiện tại theo các bản tin trên báo Bangkok Post thì chính quyền quân sự của Thái Lan khuyến khích các tỉnh chuyển 30% đất lúa sang mía.

Nguyên tắc chung của một chương trình tái cấu trúc là phải kiểm soát được lượng cung của mỗi mặt hàng nông sản, quy hoạch vùng sản xuất mỗi loại nông sản đã xác định thị trường, có dây chuyền công nghệ chế biến tăng giá trị của thành phẩm đầu ra. Mục tiêu sau cùng là làm tăng giá trị sản phẩm và tăng lợi tức nông dân.

Quy hoạch nông nghiệp phải được nông dân tuân thủ nhưng trong thực tế nhiều quy hoạch của ta không phù hợp với nhu cầu thị trường, nên đối với những ai phá vỡ quy hoạch nhà nước không có chế tài nào. Chính quyền địa phương làm ngơ, không nỡ ép nông dân trồng theo quy hoạch lỗi thời để không bán được sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta thường nghe và thấy nông dân tự phát “trồng rồi chặt” từ năm này sang năm khác, gây thiệt hại cho bản thân họ và cả xã hội, vì họ chạy theo phong trào mà không biết thị trường có tiêu thụ hết không.

Tương tự như thí dụ về vải thiều trên đây, chúng ta có thể đề cập những thí dụ khác về tái cấu trúc nông nghiệp tại các điều kiện sinh thái của từng vùng miền trong nước. ĐBSCL - vựa lúa của cả nước đang rất lo vì khối lượng lúa ngày càng dư thừa quá nhiều. Hướng chuyển đổi cơ cấu có thể nhằm vào các loại trái cây nhiệt đới của miền Tây vốn đã được nhiều quốc gia ưa thích. Rất mong các tỉnh miền Tây sớm xây dựng một số khu công nông nghiệp chế biến xoài, vú sữa, bưởi, chôm chôm, mãng cầu xiêm... đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Có một điều chắc chắn là cách làm hiện tại của chúng ta vẫn còn phải chỉnh sửa một cách toàn diện hơn nữa mới có thể nhanh chóng thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam.

GS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ/ thesaigontimes.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: