Hai ngày qua, sau khi có thông tin về chuyện “chênh lệch giá mua dưa” đăng tải trên một tờ báo, báo Lao Động nhận được yêu cầu từ bà con nông dân, các nhóm thiện nguyện, đề nghị Báo Lao Động làm rõ để dư luận không hiểu nhầm tấm lòng thiện nguyện của các nhóm đã tham gia đợt “giải cứu” đầy tình nghĩa này.
Dưa hắc mỹ nhân được thu mua với giá 5.000 đồng/kg
Minh bạch giá
Báo Lao Động là tờ báo đồng hành với các nhóm thiện nguyện tham gia “chiến dịch giải cứu dưa hấu” ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trong tháng 4 vừa qua, từ chuyến xe đầu tiên cho đến khi kết thúc “chiến dịch”.
Nhóm chủ lực trong đợt giải cứu này gồm: Nhóm anh Đặng Như Quỳnh - Trần Hữu Như Anh - thu mua số lượng dưa nhiều nhất (185 tấn ở Quảng Nam, 1.250 tấn ở Quảng Ngãi). Nhóm “giá tùy tâm” do Ngô Anh Tuấn phụ trách, nhóm Thiện Tâm (Hà Tĩnh), Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cũng tham gia giải phóng toàn bộ số dưa đến vụ thu hoạch, vắng bóng thương lái mua ở Quảng Ngãi, sau khi có lời kêu gọi trên báo Lao Động...
Cần phải nói rõ: Nhóm thiện nguyện nói trên đều có chung một mức giá mua là 3.000 đồng/kg, trong khi thương lái trả cao nhất cũng chỉ trên 1.000 đồng/kg. Riêng 250 tấn thu mua ở thôn Xuân Hòa (Tịnh Hiệp, Quảng Ngãi) nhóm của anh Đặng Như Quỳnh thu mua số lượng lớn trong vòng 2 ngày, nên đã thống nhất với bà con là mua với giá 2.500 đồng/kg (giá này không tính tiền công bốc xếp, tiền mua rơm bảo quản, tiền vận chuyển từ ruộng đến điểm tập kết).
Anh Đặng Như Quỳnh cho biết, trước đây mua của bà con giá 3.000 đồng/kg là đã tính đủ các chi phí trên, do bà con không bốc xếp chuyên nghiệp nên dễ hư hỏng khi vận chuyển, nên nhóm quyết định thuê đội bốc xếp, vận chuyển, không tính vào giá thành thu mua.
Giá bán ở “đầu” Hà Nội nhóm của anh Quỳnh giữ chung 1 giá là 5.000 đồng/kg, các nhóm lấy dưa từ “đầu cầu” này, được cộng thêm chi phí vận chuyển về các địa phương. Được biết, do đây là chương trình từ thiện, nên các nhóm thiện nguyện đều có chung một quan điểm là, trừ giá mua và phí vận chuyển, tiền lãi thu được đều được hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ lại các hộ nông dân bị mất trắng, không thu hoạch được dưa. Thậm chí nhóm của anh Đỗ Quang Vinh ở “đầu cầu” TPHCM cho biết, nhóm sẽ trích 1.000 đồng/kg để ủng hộ nhân dân Nepal bị động đất.
Toàn bộ hơn 2.000 tấn dưa được các nhóm thiện nguyện và Tỉnh đoàn Quảng Ngãi thu mua trước ngày 3.5 là dưa An Tiêm và dưa hồng lương (hay còn gọi là dưa mặt trời).
Duy nhất chỉ có 10 tấn dưa của hộ gia đình ông Bùi Tuấn – đang gây ồn ào vì có sự so sánh chênh lệch giá - là dưa hắc mỹ nhân, thu mua ngày 3.5. Tuy nhiên, giá dưa hắc mỹ nhân thường cao gấp 3-4 lần so với giá dưa An Tiêm và hồng lương.
Chính vì thông tin không rõ ràng của một bài báo về giá thu mua của hai loại dưa ( dưa An Tiêm, hồng lương giá là 3.000 đồng/kg và giá thu mua dưa hắc mỹ nhân là 5.000 đồng), nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ hơn 50 tấn dưa hấu ở tại TPHCM do anh Đỗ Quang Vinh đảm nhận. Trường Đại học Quốc gia TPHCM đã đồng ý “đổ” 20 tấn để sinh viên nhà trường tham gia tiêu thụ, nhưng vì thông tin của bài báo về “giá chênh 2.000 đồng”, nên đã dừng chương trình. Người dân cũng nghi ngại về việc làm thiện nguyện của các nhóm thiện nguyện tham gia giải cứu dưa.
Có hay không chênh giá bán - mua?
Câu hỏi này được bài báo đặt ra với Tỉnh đoàn Quảng Ngãi về số tiền chênh 2.000 đồng (thu mua của bà con 3.000 đồng, báo với đầu tiêu thụ ở Hà Nội là 5.000 đồng). Là người trực tiếp tham gia trong việc giải cứu dưa hấu ở Quảng Ngãi, chúng tôi nhận thấy, bài báo có sự nhầm lẫn về giá thu mua của 2 loại dưa (An Tiêm, hồng lương và hắc mỹ nhân).
Việc phỏng vấn người dân cũng như Chủ tịch xã Tịnh Hiệp khẳng định là chỉ bán 3.000 đồng/kg là trả lời về giá mua dưa An Tiêm và hồng lương, được các nhóm thiện nguyện thực hiện. Riêng Tỉnh đoàn Quảng Ngãi thu mua lúc đầu là 2.000 đồng/kg, sau đó thu mua là 2.700 đồng/kg, tiền rơm và bốc xếp là 300 đồng/kg.
Cuối “chiến dịch giải cứu dưa hấu” bỗng xuất hiện 10 tấn dưa hắc mỹ nhân của gia đình ông Bùi Tuấn ở thôn Xuân Mỹ. Trả lời báo Lao Động ngày 8.5, ông Tuấn cho hay, gia đình ông có 10 tấn dưa hắc mỹ nhân, thương lái chỉ trả 3.500 đồng/kg, vì gia đình ông Tuấn thuộc diện chính sách, bố mẹ là thương binh, dưa hắc mỹ nhân lại được giá hơn dưa An Tiêm và hồng lương trên thị trường (sau khi tham khảo giá thị trường ở Hà Nội với phóng viên Lao Động), bí thư đoàn xã báo cáo Tỉnh đoàn và đồng ý thu mua với giá là 5.000 đồng/kg. Theo ông Tuấn, thương lái mua giá 3.500 đồng nhưng lựa chọn từng quả nên ông quyết định không bán, trong khi tỉnh đoàn thu mua toàn bộ 10 tấn.
Về việc có hay không Tỉnh đoàn Quảng Ngãi hỗ trợ tiền bán dưa cho người dân ở xã Tịnh Hiệp? Được biết, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã thực hiện hai đợt mua dưa. Đợt 1 mua 40 tấn giá 2.000 đồng/kg, vận động người dân trong tỉnh mua giá 4.000 đồng/kg, do chi phí vận chuyển trong tỉnh ít, số tiền lãi được tỉnh đoàn hỗ trợ lại cho người dân 38 triệu đồng (có danh sách ký nhận). Đợt 2, tỉnh đoàn làm trung gian, vận động các tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh thu mua cho bà con (không trực tiếp bán) nên không thể có tiền hỗ trợ lại như đã thực hiện ở đợt 1. Có bà con bán cho tỉnh đoàn nhưng không nằm trong “gói” 40 tấn, nên đã trả lời là không nhận được tiền hỗ trợ.
Các nhóm thiện nguyện vì có vốn nên đã trả ngay tiền cho bà con sau khi mua, riêng tỉnh đoàn thì các đầu mối tiêu thụ xong mới gửi tiền vào để trả cho bà con.
Đảm bảo quyền lợi, uy tín của các nhóm thiện nguyện tham gia giúp bà con nông dân Quảng Nam và Quảng Ngãi, chúng tôi thấy cần thiết phải nó rõ sự việc để dư luận tránh hiểu nhầm việc làm thiện nguyện của những cá nhân, tập thể có tấm lòng chia sẻ khó khăn với đồng bào khi hoạn nạn.
Nhóm PV Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: