» » Chặt bỏ vườn cao su, cản cũng không được

Do cây cao su không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn, nhiều người dân đang chặt bỏ để trồng cây trồng khác có lợi hơn; giá càng xuống thấp, diện tích bị chặt bỏ càng nhiều. Cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng biết nhưng cũng không làm gì được. Điều này thường xảy ra với nhiều cây công nghiệp dài ngày của nước ta trong những năm qua như điều, cao su, ca cao... khi giá xuống thấp.

Hiện nay, hồ tiêu trở thành lựa chọn đầu tiên của người dân khi muốn trồng một loại cây cho thu nhập cao hơn. Ảnh: Thảo Nguyên

Hiện các tỉnh Đông Nam bộ, thủ phủ của cây cao su đang có hiện tượng người dân thi nhau chặt bỏ cây cao su. Trên thực tế, việc chặt bỏ đã xuất hiện khoảng hai năm trở lại đây, còn hiện tại, diện tích chặt bỏ đã mở rộng hơn do giá cao su giảm mạnh kể từ cuối năm 2014. Theo Cục trồng trọt, đang có hiện tượng người dân chặt bỏ cây cao su, song hiện vẫn chưa thống kê đầy đủ tổng diện tích bị chặt bỏ là bao nhiêu.

Điệp khúc trồng rồi chặt

Trong những năm qua, khi điều thô rớt giá, người dân ở Bình Phước, Đồng Nai chặt bỏ hàng loạt vườn điều để trồng cây khác, và khi ca cao có giá thấp thấp hơn giá thành người dân Bến Tre chặt ca cao...

Ngược lại, khi giá một sản phẩm nông sản nào đó tăng thì ngay sau đó diện tích trồng loại cây đó tăng mạnh. Cụ thể, trong bốn năm qua, giá hồ tiêu trung bình luôn ở mức trên 130.000 đồng/kg, khiến người dân khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên đổ xô trồng tiêu.

Tương tự, việc giá thanh long ổn định ở mức trên 10.000 đồng/kg, giúp nông dân có lợi nhuận gấp 5-7 lần so với trồng lúa, khiến diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận chạm mốc 30.000 héc ta, vượt con số quy hoạch 15.000 héc ta, trong khi ở Long An, Tiền Giang, nhiều hộ cũng âm thầm chuyển đất trồng lúa sang trồng thanh long. 

Chặt bỏ khi giá thấp, trồng ồ ạt khi giá cao như một quy tắc bất di bất dịch của người nông dân trong những năm qua, đặc biệt là khu vực các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên, nơi vốn thích hợp với những cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, điều, ca cao...

Trước câu chuyện người dân thi nhau trồng hồ tiêu, ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VRA), nói rằng khó mà kiểm soát được diện tích ở mức 50.000 héc ta như quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề ra khi giá hồ tiêu vẫn ở mức cao như lâu nay.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trong những năm qua, khi một cây trồng nào đó không mang lại giá trị kinh tế như mong đợi của người dân, họ thường chặt bỏ để chuyển sang một cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn và đó cũng là điều dễ hiểu.

Giảm đầu tư cho vườn cao su

Bà Hương Bình ở Bình Phước cho biết, cách đây bốn năm khi giá cao su ở mức cao, gia đình bà đã chặt bỏ 3,5 héc ta điều để chuyển sang trồng cao su, và theo kế hoạch năm nay cho thu hoạch mủ thì giá đã rớt thảm hại.

“Trước đây khi giá điều thô thấp, gia đình quyết định chặt bỏ để trồng cao su, chính quyền có đến đề nghị không chặt bỏ, chúng tôi hỏi lại là nếu giữ cây điều mà không sống được thì chính quyền có hỗ trợ hay không,” bà Bình kể lại.

Hiện vườn cao su của gia đình bà Bình đã cho mủ nhưng do giá thành ngày một xuống thấp nên vẫn chưa cạo mủ. “Gia đình tôi đang đứng trước lựa chọn là chặt bỏ cây cao su để trồng khoai mì hoặc bắp vì như vậy là mấy tháng sau có thu hoạch chứ không trồng cao su nữa,” bà Bình nói.

Phía Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) cho biết, qua tìm hiểu, số cao su bị chặt bỏ đa phần rơi vào diện tích cao su tiểu điền của các hộ gia đình, chứ ít xảy ra ở những công ty cao su. Trước tình cảnh giá cao su tháng sau giảm hơn tháng trước, giải pháp mà Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), đơn vị chiếm khoảng 40% tổng diện tích cao su của cả nước, là giảm 30% suất đầu tư nhằm giám giá thành.

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam đã có những buổi làm việc với những người đồng cấp ở các nước có trồng cao su trong khu vực là Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia... để cùng đánh giá về tình hình sản xuất và tiêu thụ cao su thiên nhiên hiện nay. Theo các chuyên gia trong ngành, giá cao su giảm liên tiếp trong thời gian qua là do yếu tố cung vượt quá cầu.

Vì thế, một trong những biện pháp mà các quốc gia có trồng cao su hiện nay thực hiện là giảm lượng mủ khai thác, giảm chi phí đầu vào, đưa ra giá sàn. Thái Lan từng thông báo là sẽ ngưng cạo mủ những đồn điền cao su già cỗi để tránh sản xuất quá nhiều, nhằm giảm giá xuống.

Giá cao su trên thị trường các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên cho loại mủ RSS3 là 30.100 đồng/kg, loại SVR10 là 24.600 đồng/kg, SVR3L là 29.800 đồng/kg, tương đương với giá thành sản xuất.

Tự Phong/ thesaigontimes.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: