Việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi phải tốn chi phí cao hơn khoảng 10% so với rau thông thường, công sức chăm sóc cũng nhiều hơn, vậy mà khi thu hoạch thì người trồng rau an toàn lại phải bán cho thương lái với giá không có gì khác so với sản phẩm rau không trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Thấy được lợi ích từ việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con nông dân tổ hợp tác sản xuất rau Hưng Việt khu phố Ninh Phúc, phường Ninh Thạnh (thành phố Tây Ninh) quyết định gắn bó với mô hình sản xuất này.
Thế nhưng, có một nghịch lý đã và đang diễn ra là việc trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi phải tốn chi phí cao hơn khoảng 10% so với rau thông thường, công sức chăm sóc cũng nhiều hơn, vậy mà khi thu hoạch thì người trồng rau an toàn lại phải bán cho thương lái với giá không có gì khác so với sản phẩm rau không trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đem bán cho thương lái ở chợ đầu mối cầu K13.
Chi phí cao, công sức cao, giá... không cao
Tổ hợp tác sản xuất rau Hưng Việt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào ngày 30.12.2013. Ông Nguyễn Văn Mạnh- cán bộ Hội Nông dân phường Ninh Thạnh- người được giao nhiệm vụ quản lý tổ hợp tác trên cho biết, đến nay, ngoài tổ sản xuất rau VietGAP Hưng Việt (tổ hợp tác Hưng Việt) gồm 10 thành viên với diện tích hơn 2,6 ha, địa phương còn thành lập mới tổ liên kết sản xuất rau an toàn Ninh Phúc - Ninh Nghĩa thu hút hơn 20 thành viên tham gia canh tác rau các loại với diện tích gần 7 ha.
Ông Mạnh cho biết thêm, bà con nông dân hai tổ đã bỏ công sức, vốn liếng đầu tư trồng rau an toàn, áp dụng các phương pháp khoa học tiên tiến an toàn để sản xuất rau sạch. Với tổng diện tích trồng gần 10 ha, các hộ đã sản xuất, đưa ra thị trường hàng trăm tấn rau sạch mỗi tháng các loại gồm dưa leo, bí đao, bí đỏ, mướp, đậu rồng... Trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi người trồng phải có nhật ký đồng ruộng để theo dõi đúng như quy trình bắt buộc, còn nếu sản xuất rau an toàn mà không thực hiện khâu này thì vẫn không được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, cho dù công nghệ trồng là như nhau.
Anh Bình- tổ trưởng tổ hợp tác Hưng Việt (đạt tiêu chuẩn VietGAP) chia sẻ về quy trình trồng rau sạch của các hộ nông dân trong tổ. Theo lời anh, ngoài việc bỏ vốn đầu tư làm nhà kho với 3 kho chứa riêng biệt (một kho chứa dụng cụ sản xuất, một kho chứa thuốc và một kho chứa phân bón), trong quá trình sản xuất, bà con nông dân còn phải tuân thủ quy định chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Đây là loại thuốc không gây ảnh hưởng xấu cho môi trường cũng như cho bản thân người nông dân khi phun xịt. Phân bón cho rau cũng phải là loại phân hữu cơ được ủ đúng kỹ thuật. Và còn phải bảo đảm đúng thời gian cách ly sau khi xịt thuốc mới được đưa rau ra thị trường. Sau khi phun xịt, toàn bộ chai nhựa được gom lại, sau đó sẽ có xe của công ty thuốc bảo vệ thực vật mỗi tháng 1 lần đến thu gom đem đi tiêu huỷ.
Anh Bình cho biết thêm, tính về chi phí đầu tư thì việc trồng rau VietGAP cao hơn trồng rau thông thường đến 10%, công sức bỏ ra chăm sóc cũng nhiều hơn. Vậy mà hiện nay rau của anh và những nông dân khác trong tổ vẫn phải đem bán cho thương lái ở chợ đầu mối cầu K13 theo giá rau trồng thông thường. Đây là một thiệt thòi lớn cho nông dân trồng rau sạch. Mặc dù vậy- theo lời anh Bình, ai đã trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thì vẫn thích làm theo quy trình này cho dù họ cảm thấy bị thiệt thòi.
Đó cũng do người nông dân đã nhận thức được lợi ích từ việc sản xuất rau an toàn, trong đó có lợi ích mang lại cho chính bản thân người trực tiếp sản xuất. Anh Bình vui vẻ nói: “Trước mắt là sản xuất loại rau này không gây hại sức khoẻ người trồng vì chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, không dùng thuốc hoá học.
Bà con nông dân còn được hướng dẫn mặc đồ bảo hộ khi phun xịt thuốc. Ngoài ra, việc canh tác rau an toàn không gây bạc màu, ô nhiễm đất- đây chính là điểm lợi nhất cho người nông dân. Vì thế, dù biết mình bị thiệt nhưng nhiều bà con nông dân vẫn quyết tâm trồng rau theo công nghệ sạch”.
Đầu ra sản phẩm- nông dân vẫn phải “tự bơi”
Là người gắn bó với bà con nông dân trồng rau sạch ở phường Ninh Thạnh, ông Mạnh từ khi còn giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân phường cho đến khi nghỉ hưu vẫn nhận trách nhiệm quản lý 2 tổ sản xuất rau sạch. Ông tâm sự, hiện nay cái khó nhất đối với người trồng rau sạch ở đây vẫn là chuyện đầu ra cho sản phẩm, rau sạch sản xuất ra chẳng biết bán đi dâu.
Siêu thị cũng có nhận nhưng số lượng rất khiêm tốn- mỗi ngày chỉ lấy chừng 5kg rau mỗi loại, trong khi cả 2 tổ trồng rau sạch hằng ngày cho ra hàng tấn rau. Bản thân ông Mạnh cũng thấy được tình hình khó khăn ấy nên đã liên hệ với siêu thị ở Bến Cầu; đồng thời chịu khó xuống chợ đầu mối tại thành phố Hồ Chí Minh để tìm cách giải quyết tình trạng “tắc nghẽn” đầu ra nhưng đành thất vọng vì nơi nào cũng trả lời rằng họ đã có mối sẵn.
Hiện tại, nông dân 2 tổ trồng rau sạch nói trên vẫn phải “tự bơi” là chính trong việc tìm mối để tiêu thụ rau, chấp nhận nghịch lý- được “tiếng” là trồng rau sạch nhưng phải bán với giá của loại rau “không có gì đặc biệt”. Bản thân ông Mạnh cảm thấy rất buồn, không phải chỉ vì thực trạng sản phẩm “rau VietGAP” bị đánh đồng với các thứ rau “không VietGAP” mà điều làm ông e ngại hơn là bà con nông dân trồng rau sạch sẽ nản chí, bỏ cuộc. Rất may là chuyện đó còn chưa xảy ra.
Cũng theo ông Mạnh, khi mới thành lập tổ sản xuất rau an toàn (tiến đến được công nhận tiêu chuẩn VietGAP)- lúc đó ông còn đương chức Chủ tịch Hội Nông dân phường, ông có vay được nguồn vốn hỗ trợ 500 triệu đồng cho tổ, trung bình mỗi hộ vay 25 triệu đồng.
Đến hạn, sau khi các hộ nông dân trong tổ hợp tác hoàn trả vốn vay (vào tháng 5.2013) thì không được giải quyết cho vay lại, ngân hàng đưa ra điều kiện phải thế chấp, nhưng tổ hợp tác làm gì có giấy đỏ. Thế là, để duy trì sản xuất, nông dân phải tự đem giấy đỏ của riêng mình đi thế chấp vay vốn theo diện cá nhân, gia đình.
Ông Mạnh mong muốn, trong thời gian tới, các ngành chức năng ở tỉnh cần xem xét hỗ trợ vốn cho nông dân trồng rau an toàn, hỗ trợ đầu ra sản phẩm để khuyến khích nhiều người tham gia trồng rau sạch. Xung quanh vấn đề này, anh Bình cho biết: “Mới đây, UBND tỉnh có đến khảo sát cánh đồng rau sạch và có hứa hỗ trợ vốn, tìm đầu ra sản phẩm cho nông dân nên các hộ ở đây mới an tâm sản xuất. Hy vọng sắp tới, đầu ra ổn định hơn thì sẽ có nhiều nông dân tham gia trồng rau sạch hơn”.
Ông Trần Ngọc Đâu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Thạnh xác nhận, kể từ khi các tổ sản xuất trồng rau an toàn tại phường được thành lập đến nay, các hộ nông dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây cũng là vấn đề khiến các ngành chức năng trong tỉnh đau đầu chứ không riêng gì phường Ninh Thạnh. Ông Đâu nói: “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với các cơ sở để tìm hướng đi cho rau sạch, không để nông dân tự bơi lâu hơn nữa”.
Anh Bình bên ruộng mướp trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tìm đến Hội Nông dân thành phố Tây Ninh, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Việt- cán bộ Hội chia sẻ, đầu ra cho sản phẩm rau sạch ở Ninh Thạnh hiện vẫn là vấn đề nan giải. Trong thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh, thành phố cũng đã có sự hỗ trợ cho tổ sản xuất rau Hưng Việt (như hỗ trợ lắp đặt nhà sơ chế rau).
Hiện tại, con đường dẫn vào tổ hợp tác đang cần được nâng cấp, kẻo mùa mưa rất khó đi lại, ảnh hưởng đến việc vận chuyển rau thương phẩm. Riêng về nguồn vốn 500 triệu đồng mà nông dân tổ hợp tác sản xuất rau an toàn không được giải quyết cho vay lại, ông Việt giải thích: đây là vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, phải thực hiện xoay vòng cho các xã nên sau khi thu hồi vốn vay, Hội Nông dân Thành phố đã chuyển đến hỗ trợ nông dân xã Thạnh Tân.
Ông cũng cho rằng, bà con nông dân trồng rau sạch cần được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất. Việc trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cần được địa phương, các ngành chức năng quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để khuyến khích nhiều người tham gia sản xuất theo quy trình này.
Thế Nhân - Thanh Nhi/ Báo Tây Ninh
Không có nhận xét nào: