Điều là một loại cây trồng chiếm diện tích lớn tại 3 huyện phía Nam Lâm Đồng (Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên). Cùng với việc chuyển đổi vườn điều sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, hiện nay, các địa phương cũng đang tập trung triển khai tái canh và thâm canh vườn điều để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bà con dân tộc thiểu số xã Triệu Hải (Đạ Tẻh) thu hoạch điều giống mới
Tại huyện Đạ Huoai, tính đến cuối năm 2014, tổng diện tích điều hiện có gần 8.150ha, tập trung tại các xã: Đoàn Kết, Đạ P’Loa, Đạ M’ri, Hà Lâm, xã Phước Lộc, Madaguôi, Đạ Oai, Đạ Tồn. Ông Cấn Kim Khôi, Phó Phòng NN - PTNT huyện Đạ Huoai, cho biết: “Hiện tại, cây điều là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện. Để nâng cao thu nhập, thời gian qua, huyện Đạ Huoai đã tích cực vận động nông dân tỉa cành, tạo tán, đầu tư thâm canh cây điều... Qua 3 năm liên tục vận động, năng suất điều của huyện đã có chuyển biến rõ nét. Nếu như năm 2013 năng suất đạt 8,16 tạ/ha thì năm 2014 đạt 8,24 tạ/ha và dự kiến năm 2015 sẽ đạt 8,4 tạ/ha. Tuy nhiên, năng suất và thu nhập từ cây điều còn rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông dân. Nguyên nhân chủ yếu là do giống không đảm bảo; nhiều vườn điều có mật độ trồng quá dày; nông dân chưa quan tâm đầu tư thâm canh đúng mức. Do đó, đối với những vườn điều trồng trước đây không đảm bảo chất lượng cây giống, việc ghép cải tạo kết hợp thâm canh là việc làm hết sức cần thiết nhằm cải thiện năng suất, chất lượng vườn điều, nâng cao thu nhập cho người nông dân”.
Theo kế hoạch, trong năm 2015 - 2016, huyện Đạ Huoai sẽ triển khai ghép cải tạo vườn điều. Theo đó, Trung tâm nông nghiệp huyện Đạ Huoai sẽ triển khai 29 điểm trình diễn kỹ thuật ghép cải tạo vườn điều tại 10 xã, thị trấn với tổng diện tích khoảng 15ha. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch ghép cải tạo điều trong 2 năm 2015 và 2016 là gần 677 triệu đồng. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ gần 413 triệu đồng; còn lại do người dân đối ứng. Tuy nhiên, một trong những trở ngại hiện nay là công tác bình tuyển cây giống đầu dòng và xây dựng vườn nhân chồi (Chi cục BVTV Lâm Đồng đang xúc tiến). Vụ ghép cải tạo vườn điều 2015 chưa thể có các vườn nhân chồi hoặc cây đầu dòng có đủ khả năng cung cấp số lượng lớn mắt ghép, phục vụ ghép cải tạo đại trà. Do vậy, nguồn giống để khai thác mắt ghép trong năm nay chủ yếu là từ các cây điều giống được các nông hộ khẳng định trội hơn hẳn các cây khác và từ 8 năm tuổi trở lên, năng suất cao và ổn định tối thiểu trong 3 năm liên tục gần đây. Với việc ghép cải tạo vườn điều, mục tiêu được đặt ra là sẽ nâng cao năng suất lên 2 tấn/ha (từ năm 2017) và đạt 3 tấn/ha (đến năm 2020).
Còn tại huyện Đạ Tẻh, điều là cây trồng có diện tích lớn thứ 2 (sau cây lúa) với 7.131ha. Theo bà Ngô Thị Nga, Giám đốc Trung tâm nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, trong giai đoạn 2007 - 2012, huyện đã triển khai Đề án chuyển đổi vườn điều kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cao su, cây ăn quả. Đến nay, diện tích cần và có khả năng chuyển đổi đã cơ bản thực hiện xong. Hiện tại, huyện Đạ Tẻh đang tiếp tục thực hiện tỉa cành, tạo tán và ghép cải tạo vườn điều. Trong năm 2014, toàn huyện tỉa cành, tạo tán khoảng 300ha điều và hỗ trợ giống điều cao sản để nông dân trồng thay thế đối với những diện tích chưa đạt chuẩn về giống. Bước sang năm 2015, Trung tâm nông nghiệp đã xây dựng Chương trình hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, ghép cải tạo tái canh. Theo Chương trình này, trong năm 2015, huyện Đạ Tẻh sẽ thực hiện tỉa cành, tạo tán diện tích 1.800ha; xây dựng 10 mô hình ghép cải tạo điều tại 8 xã có vườn điều già cỗi với tổng diện tích 20ha; hỗ trợ giống điều ghép cao sản để người dân trồng tái canh với diện tích khoảng 200ha. Hiện tại, TTNN huyện đã tiến hành gieo ươm, chuẩn bị 40.000 cây giống để cung cấp cho dân vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Tổng kinh phí để thực hiện Chương trình trên 1 tỷ đồng. Hiện tại, năng suất điều của huyện Đạ Tẻh là 6 - 7 tạ/ha/năm. Khi thực hiện Chương trình tái canh, thâm canh, mục điêu đặt ra của huyện là sẽ tăng năng suất vườn điều lên hơn 1 tấn/ha/năm.
Cùng với Đạ Huoai và Đạ Tẻh, huyện Cát Tiên cũng đang triển khai xây dựng Đề án tái canh, thâm canh tăng năng suất vườn điều. Tại xã Đồng Nai Thượng, nơi có gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cây trồng (trong đó có cây điều) theo hướng tập trung, thâm canh tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó, xã đã tập trung vào việc chuyển đổi, cải tạo và ổn định diện tích điều từ 815ha (năm 2010) xuống còn 528ha (năm 2014). Trong các năm tiếp theo, mục tiêu của xã là giữ ổn định khoảng 500ha cây điều cho năng suất từ 1,5 - 2 tấn/ha; cải tạo chuyển đổi vườn điều già cỗi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn, như cao su, cà phê, cây ăn trái. Theo ông Trần Nam Dân, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Cát Tiên, đối với diện tích điều, trong năm nay, huyện Cát Tiên tập trung vào việc chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo, chuyển đổi diện tích điều già cỗi sang trồng cây có giá trị khác và trồng mới giống điều khác cho năng suất cao. Hiện tại, diện tích điều của toàn huyện gần 5.400ha, năng suất bình quân chỉ đạt 6,5 tạ/ha. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Cát Tiên đến năm 2020, toàn huyện sẽ có từ 1.000 - 1.200ha điều được chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đến năm 2015, diện tích điều sẽ giữ ổn định ở mức 4.000ha và thực hiện thâm canh, chuyển đổi giống để tăng năng suất lên 1,5 - 1,6 tấn/ha.
Hiện, Sở NN - PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng đang xây dựng Đề án tái canh, thâm canh tăng năng suất vườn điều tại 3 huyện phía Nam giai đoạn 2016 - 2020. Đề án này sẽ giúp cho 3 huyện phía Nam triển khai có hiệu quả việc cải tạo vườn điều.
Đông Anh/ Báo Lâm Đồng
Không có nhận xét nào: