» » Nông nghiệp ĐBSCL sau 40 năm: Nông dân còn nghèo, quốc gia chưa thể phồn thịnh

Thoắt đã 40 năm thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và nỗ lực thực hiện của mọi thành phần xã hội, nông nghiệp Việt Nam làm nên kỳ tích khiến thế giới phải vừa thán phục nhưng vừa phải lo lắng. Họ thán phục nông dân Việt Nam sản xuất nông thủy sản với khối lượng dư thừa quá lớn, đưa Việt Nam lên hàng thứ hai trong các quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê. Nhưng họ lại lo lắng cho tương lai nông dân Việt Nam sẽ như thế nào nếu cứ tiếp tục cách làm cũ trong một thế giới hội nhập?

GS -TS Võ Tòng Xuân luôn lắng nghe ý kiến, phản ánh từ các “lão nông tri điền” để đưa ra những nghiên cứu, đề xuất phù hợp với nhu cầu thực tế và nguyện vọng của nông dân. Ảnh: Lục Tùng

Lợi tức tăng vẫn không giảm nghèo

Những thành tích đáng ghi nhớ: Năm 1975, cả ĐBSCL canh tác 2,039 triệu hécta lúa, tổng sản lượng chỉ có 5,14 triệu tấn và lợi tức bình quân đầu người ở nông thôn chỉ khoảng 100 - 200USD/ năm. Sau 40 năm, diện tích gieo trồng lúa tăng lên 4,3 triệu hécta, đạt sản lượng 25,20 triệu tấn và lợi tức đầu người tăng lên 500 - 1.400 USD/năm. Song so với 5.131 USD/người của TPHCM, chúng ta thấy sự chênh lệch lợi tức rất lớn với ĐBSCL.

Công cuộc “đổi mới” đưa đất nước thăng hoa, nhưng bên cạnh những tiến bộ đáng khích lệ, hiện tượng nông thôn và thành thị ngày càng cách xa về lợi tức và phương tiện đời sống phản ánh một sự bất công không đáng có sau chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển. Thực tế cho thấy, sau 40 năm, dù sản lượng lúa ĐBSCL tăng gấp 4,9 lần so với 1975, nhưng đại bộ phận những người làm ra hạt lúa không có tích lũy. Đến thu hoạch là phải lo bán ngay nông sản để trang trải chi phí. Và đáng lo hơn là điệp khúc buồn cứ lặp đi lặp lại: Khi lúa thu hoạch đầy đồng, giá lúa rớt thê thảm khiến Nhà nước phải chi cả núi tiền không lãi suất để mua lúa “tạm trữ”. Còn các doanh nghiệp ngành lúa gạo chỉ biết xuất thô với giá đấu thầu rẻ mạt.

Bên cạnh lĩnh vực trồng lúa, GS - TS Võ Tòng Xuân dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực trồng người  

Nhiều nông dân thoát nghèo nhưng sự bền vững rất mong manh, chỉ cần sự cố nhỏ là tái nghèo. Đến bao giờ nông dân mới có của ăn của để, không phải cầm cố sổ đỏ để vay mượn vốn sản xuất như hiện nay? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Cần phải nắm được nguyên nhân vì sao nông nghiệp Việt Nam phát triển đáng tự hào, nhưng nông dân vẫn nghèo, nông thôn vẫn chưa khang trang đều khắp, và Nhà nước hằng năm vẫn phải chạy vạy tìm viện trợ ODA.

Tai hại của hội chứng “an ninh lương thực”

Có nhiều nguyên nhân khiến cho nông dân ĐBSCL chưa giàu, như Nhà nước và doanh nghiệp còn để đầu ra còn bấp bênh, còn nông dân vẫn loay loay với tâm lý “thấy ăn khoai, vác mai đi đào” cả về chọn lựa giống cây trồng, vật nuôi cho đến sử dụng phân, thuốc BVTV. Tuy nhiên “hội chứng” an ninh lương thực mới chính là nguyên nhân có những tác động lớn và thực tế cho thấy, chính sách an ninh lương thực thấm nhuần toàn xã hội ngay từ ngày đầu hòa bình. Để có lương thực, người ta chấp nhận phá rừng làm ruộng lúa, phá bỏ hoa kiểng để trồng khoai, trồng cà. Các nhà khoa học nghiên cứu cấp tốc các giống lúa kháng rầy nâu, ngắn ngày, năng suất cao và các giải pháp khoa học cũng chỉ vì an ninh lương thực. Các chương trình khuyến nông trên truyền hình và đài phát thanh giúp nông dân và cán bộ chỉ đạo nông nghiệp trồng lúa khắp nơi. Nhờ áp dụng chính sách “Đổi mới” với Khoán 100 từ năm 1981 làm tiền đề cho Khoán 10 và Luật Đất đai năm 19861988, sau 14 năm, Việt Nam trở lại vị trí quốc gia xuất khẩu gạo vào năm 1989, một vị thế bị mất từ năm 1968.

Ông cũng dành nhiều tâm sức cho việc giúp nông dân Châu Phi trồng lúa nước. Trong ảnh là lần làm việc với nông dân làng Ikpe, Akwa Ibiom-Nigeria.  Ảnh: Lục Tùng

Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách an ninh lương thực đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn mới chấm dứt chiến tranh, cả nước thiếu mọi thứ vật chất nhất là lương thực. Nhưng khi lương thực trở nên thặng dư và kỹ thuật sản xuất lương thực với khối lượng lớn trong thời gian ngắn trở thành một kỹ năng của mọi nông dân, việc duy trì chính sách an ninh lương thực một cách máy móc quá làm triệt tiêu những sáng kiến giúp nông dân có lợi tức cao, vì ai cũng nhận thức là trồng lương thực chỉ giúp no cái bụng mà không làm cho túi tiền nở ra. Phải đến giữa năm 2013, Chính phủ mới ban hành Quyết định 899 tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Đây là quyết định phù hợp trong giai đoạn nông dân sản xuất quá nhiều lúa mà không tiêu thụ được, nhưng đến nay chương trình tái cơ cấu nông nghiệp vẫn loay hoay với 2 nan giải: Thị trường đầu ra (phải biết thị trường nào cần sản phẩm gì từ nông sản nào) và tổ chức sản xuất sản phẩm mà thị trường đang cần với quy mô lớn, chất lượng đồng đều (không thể mặc cho nông dân ai cũng trồng tự phát như hiện nay).

Tương lai nông nghiệp ĐBSCL

Sau 40 năm thống nhất, ĐBSCL góp phần ổn định xã hội thông qua việc cung cấp đầy đủ nguồn lương thực và thực phẩm, đưa Việt Nam đứng vào hàng thứ hai các nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Nhưng ĐBSCL vẫn là vùng trũng của cả nước về giáo dục và cấu trúc hạ tầng. Nguồn nhân lực yếu vì trình độ giáo dục kém. Cũng vì giáo dục kém, dân trí của một bộ phận người dân nông thôn tiếp tục kém, tay nghề không rành, không làm việc được và thất nghiệp nhiều dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội trong nông thôn. Tâm lý tiểu nông tiếp tục chế ngự đầu óc của từng người nông dân, dẫn đến tình trạng đất đai chia sẻ manh mún.

Trước thách thức của hội nhập, nhất là trong khu vực nông nghiệp, chúng ta có thể chọn những hướng đi tắt có thể nhanh hơn và vững chắc hơn. Chủ yếu là phát triển bền vững, theo khuynh hướng quốc tế tuyên bố trong hội nghị toàn cầu về nông nghiệp bền vững tại Johannesburg năm 2002. Đó là sự khắc phục ba thách thức lớn nhất đối với phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam: (1) đổi mới giáo dục, (2) thi hành chính sách vĩ mô và vi mô về pháp trị hữu hiệu, và (3) đổi mới chính sách nông nghiệp. Nhà nước phải tính đến vấn đề trợ giúp và phải khéo léo bảo vệ quyền lợi của nông dân và các doanh nghiệp trong các thương thuyết quốc tế (AEC, TPP, v.v...).

Chúng ta nên nhìn kinh nghiệm của Hàn Quốc và Đài Loan để thiết kế kế hoạch công nghiệp hóa nông thôn Việt Nam. Quan trọng nhất, chúng ta là cần chấm dứt cách làm manh mún, cục bộ, đơn ngành. Trái lại cần phải có sự cộng tác và điều phối đa ngành mới có thể phát triển nông thôn toàn diện được, nếu không chúng ta sẽ trở lại đường cũ, mạnh ai nấy làm, không phối hợp được mà nhiều khi còn triệt tiêu lẫn nhau. Tới đây việc quy hoạch hướng phát triển cần có những phối hợp giữa các ngành, lấy nông dân và doanh nghiệp có đầu ra ổn định làm trung tâm.

Trong một đất nước mà đại bộ phận dân chúng phải bám lấy nông nghiệp để sống, ngày nào người nông dân còn nghèo, lúc đó đất nước đó chưa phồn thịnh được. Chính phủ và các cơ quan tài trợ quốc tế đã và đang cố gắng thực hiện những chương trình xoá đói giảm nghèo nhưng so tiêu chuẩn quốc tế số người nông thôn nước ta vẫn còn khá nhiều. Dĩ nhiên ai cũng muốn cho đất nước mau giàu, nhưng trình độ khác nhau đưa đến suy nghĩ và cách làm khác nhau vì vậy cũng cần có nhiều giải pháp đan xen khác nhau.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là với cách làm hiện nay của chúng ta vẫn còn phải chỉnh sửa một cách toàn diện hơn nữa mới có thể nhanh chóng thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam. Làm được như vậy, chúng ta hy vọng sẽ kê được đúng thuốc hay cho căn bệnh trầm kha của ĐBSCL: Sản xuất nhiều nhưng nông dân vẫn chưa thể giàu.

GS.TS Võ Tòng Xuân/ Báo Lao Động

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: