Trong những năm qua, nông dân Cần Thơ tích cực đưa cây mè xuống ruộng lúa vào vụ xuân hè nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất so với làm liên tục 3 vụ lúa trong năm.
Nông dân trồng mè đạt hiệu quả cao trên đất lúa
Hiện mô hình trồng mè trên đất lúa được mở rộng hơn 5.400 ha.
TP Cần Thơ hiện có 8.200/88.000 ha đất trồng lúa có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn đầu vụ hè thu và lũ vào cuối vụ thu đông. Năng suất lúa nhiều vụ trước đó không cao nên một số địa phương như Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… nông dân đã dần chuyển sang các loại cây trồng khác như đậu nành, mè, đậu phọng, dưa hấu, khoai lang…
Vừa qua, Trung tâm khuyến nông Cần Thơ đã triển khai mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng luân canh cây mè với quy mô 10 ha trên đất lúa trong vụ xuân hè tại 2 xã Vĩnh Bình và Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh.
Trong đó nguồn kinh phí hỗ trợ 34,4 triệu đồng để mua giống, vật tư nông nghiệp và tập huấn kỹ thuật cho 39 nông dân tham gia thực hiện mô hình.
Muốn mở rộng quy mô sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân thì việc trồng mè cần được tổ chức lại từ khâu quy hoạch sản xuất đến khâu thu mua, sơ chế, chế biến và chính sách hỗ trợ lâu dài cho bà con và DN tham gia tiêu thụ sản phẩm.
Kết quả sản xuất trên 1 ha, với tổng chi phí hơn 15,9 triệu đồng gồm làm đất, 5 kg giống mè đen, phân bón, thuốc BVTV, chi phí bơm nước, chi phí công lao động, thu hoạch.
Cuối vụ mô hình trồng mè đạt năng suất đạt 1.150 kg/ha, bán với giá 41.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất thu lợi nhuận trên 31,2 triệu đồng. Nếu so sánh với mô hình sản xuất lúa hàng hóa cùng vụ hè thu trên 1 ha lợi nhuận khoảng 11,2 triệu đồng, cho thấy thu nhập từ sản xuất mè cao hơn 20 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, bên cạnh chính sách Chính phủ hỗ trợ giống chuyển đổi cây trồng từ đất trồng lúa sang cây hoa màu ở vùng ĐBSCL tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, thực tế mô hình trồng mè vẫn còn không ít trở ngại.
Các cán bộ khuyến nông trực tiếp thực hiện mô hình cho rằng: Trồng mè trong vụ xuân hè thường bị ảnh hưởng lớn vào thời tiết như vào đầu vụ nắng kéo dài và mưa vào cuối vụ dẫn đến cây rất dễ bị đổ ngã và sâu bệnh tấn công, hai yếu tố chính ảnh hưởng tới năng suất.
Trong khi đó hệ thống thủy lợi hiện thời chủ yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa, việc chuyển đổi cây trồng khác cần có sự điều chỉnh và đầu tư thêm chi phí cho việc tiêu thoát nước.
Mô hình trồng mè cho thấy đạt hiệu quả cao, nhưng tâm lý nông dân vẫn chưa an tâm. Vì so với lúa tuy hiệu quả thấp hơn nhưng vẫn tiêu thụ được, còn một số cây trồng khác thường gặp tình trạng thị trường tiêu thụ không ổn định, khó dự báo.
Nếu sản xuất nhỏ lẻ DN khó tổ chức thu mua sản phẩm. Hơn nữa nguồn giống không chủ động và giá mua nguyên vật liệu luôn tăng cao.
Hưng Phú/ nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào: