» » » Không nên chặt bỏ cây cao su

Cao su - loại cây không chỉ giúp hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo, mà còn giúp họ từng bước vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, giá mủ cao su xuống thấp nhất trong vòng 4 năm qua khiến người trồng không còn mặn mà với loại cây lấy mủ từng được ví như “vàng trắng”…

Nhà vườn lơ là chăm sóc

Tại các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Gia Lai… đã có hàng ngàn ha cao su  bị chặt bỏ do giá mủ xuống thấp. Riêng Gia Lai đã có hơn 2.000 ha cao su bị chặt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác, Bình Phước là 1.750 ha. Tại Bình Thuận, giá mủ cao su xuống thấp đã ảnh hưởng xấu đến việc mua bán mủ, chăm sóc cây cao su.

Trước tình trạng giá mủ cao su xuống thấp, các ngành chức năng khuyên người dân không nên vội chặt bỏ cây cao su.

Ông Lê Văn Châu, ngụ xã Đức Phú (Tánh Linh) có hơn 1 ha cao su, nhưng việc chăm sóc vườn cao su lại khoán trắng cho… trời. Ông Châu cho biết, 2 năm trước, trong thời gian lấy mủ mỗi tháng phải đầu tư phân bón cho vườn cao su hết khoảng 4 triệu đồng, nhưng từ tháng 6/2014 đến nay hơn 1 ha cao su trên vẫn chưa được bón đợt phân nào. Ông cho rằng, với giá cao su vừa qua chỉ đủ để thuê nhân công cạo mủ, nếu bón phân nữa thì cầm chắc lỗ. 

Không chỉ riêng ông Châu, nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Tánh Linh, Đức Linh - 2 địa phương có diện tích cao su lớn nhất tỉnh cũng không còn mặn mà với việc chăm sóc cây cao su, việc mua bán mủ loại cây này vì thế không còn sôi nổi như trước nữa. Người dân mong Nhà nước sớm tìm đầu ra ổn định cho cây cao su, đồng thời giãn nợ, khoanh nợ, cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp để họ có điều kiện đầu tư và giữ lại vườn cao su.

Không nên chặt bỏ

Ông Nguyễn Văn Húy - Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho biết: Hiện Đức Linh có 12.400 ha cao su, trong đó 7.650 ha đã cho thu hoạch. Giá mủ cao su thấp nên người dân không quan tâm chăm sóc cao su, nhưng so với một số cây trồng khác vẫn có lãi. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Đức Linh cũng có một số diện tích cao su bị phá bỏ nhưng rất nhỏ lẻ, do trồng trên đất ruộng, trồng tại vùng có điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp và trồng ngoài vùng quy hoạch.

Trước tình trạng người dân một số tỉnh chặt bỏ cao su để trồng các loại cây khác do giá mủ cao su xuống thấp, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh cho rằng: Không nên chặt bỏ cây cao su, vì cây cao su vẫn được quy hoạch phát triển ổn định đến năm 2020. Hơn nữa đây là cây dài ngày, cần 5 - 7 năm mới cho thu hoạch và chu kỳ kinh doanh từ 20 - 25 năm. Trong khi đó, nhu cầu về mủ cao su tại các nước trong và ngoài khu vực vẫn rất lớn, tin rằng giá mủ cao su sẽ có chuyển biến tích cực. Đức Linh đang phấn đấu đưa sản phẩm cao su đạt hơn 2 tấn/ha (hiện đã đạt 1,8 tấn/ha).

Được biết, ngày 11/3/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất Đề án “Quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, cao su được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, đến năm 2020 diện tích cây cao su là 45.850 ha. Trong đó, Tánh Linh 23.961 ha, Đức Linh 13.732 ha, Hàm Tân 3.712 ha, Hàm Thuận Bắc 2.492 ha, Hàm Thuận Nam 1.082 ha, La Gi 871 ha.

Lê Phúc/ Báo Bình Thuận

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: