Biến động kinh tế vĩ mô trên thị trường thế giới đang kéo giá nông sản xuống thấp, trong đó có cà phê. Từ đầu năm đến nay, giá cà phê trong nước giảm mạnh, dưới giá thành, việc xuất khẩu cà phê cũng trở nên khó khăn hơn. Một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đưa ra là liên kết với các thủ phủ cà phê trên thế giới nhằm chặn đà giảm giá này.
Thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên - Ảnh: TL
Giá cà phê giảm, xuất khẩu yếu
Thời điểm này, nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đang đứng ngồi không yên khi thời tiết khô hạn kéo dài, được cho là nghiêm trọng nhất trong 10 năm trở lại đây.
Anh Nguyễn Văn Kiên, nông dân trồng cà phê tại một xã của Buôn Ma Thuột, Đắc Lăk cho hay, tới thời điểm này, anh đã phải tưới đợt 3, trong khi mọi năm chỉ phải tưới khoảng 1 đến 2 lần/năm.
Chi phí mỗi lần tưới như vậy lên tới hàng chục triệu, trong khi giá cà phê những tháng đầu năm giảm mạnh, có những thời điểm xuống còn 35 triệu đồng/tấn trong khi vào cuối năm 2014, giá cà phê ở mức 42 triệu đồng/tấn. “Nắng nóng trong điều kiện giá cà phê đi xuống đang khiến công tác chống hạn thêm khó khăn hơn” – anh Kiên ngao ngán.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), đợt hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên những tháng đầu năm nay có thể khiến sản lượng niên vụ cà phê 2014-2015 mất khoảng 20%.
Trong khi đó, thời điểm hiện nay, giá cả cà phê trong nước đang thấp nhất so với cuối năm 2014. Thời điểm tháng 11 và tháng 12 năm 2014, giá cà phê có lúc lên tới trên 42 triệu đồng/tấn thì hiện còn 38 triệu đồng/tấn. “Điều này là hoàn toàn trái với dự báo trước đó khi cho rằng giá cà phê sẽ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm” – ông Hải nói.
Ông Hải cho hay, nguyên nhân chính khiến giá cà phê giảm là do ảnh hưởng của thị trường thế giới như giá dầu giảm xuống, giá đô la mạnh nhưng đồng tiền của các nước sản xuất lớn như đồng real của Brazil lại giảm xuống khiến giá cà phê trong nước trở nên đắt tương đối so với cà phê của các đối thủ cạnh tranh.
“Những tác động vĩ mô này đã làm giảm giá của nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có cà phê” – ông Hải nói.
Giá trong nước xuống mức thấp hơn giá thành nên nhiều nông dân chọn giải pháp tạm trữ tại kho của doanh nghiệp. Doanh nghiệp trả cho người dân 70% giá trị sau đó chờ khi nào giá cà phê tăng trở lại 40 triệu đồng/tấn rồi bán xuất khẩu. Tới nay, số lượng cà phê tích trữ đã lên 400.000 tấn. Chính vì vậy, tình hình xuất khẩu trong những tháng đầu năm rất kém.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nếu quí 1/2014, Việt Nam xuất khẩu gần 700.000 tấn cà phê thì quí 1/2015, chỉ xuất khẩu trên dưới 350.000 tấn, giảm hơn 41,4% về lượng và hơn 37% về giá trị.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát cho hay, giá cà phê phụ thuộc nhiều vào biến động trên thị trường thế giới nên nếu chỉ đưa ra các giải pháp trong nước thì không giải quyết được vấn đề. “Nếu chỉ ngồi ở nhà và một mình đơn thương độc mã thì không thể thay đổi được tình hình. Liệu chúng ta có nên đi công du để bàn với các đối tác lớn như Brazil, Columbia, Indonesia để phối hợp thị trường không? Đặc biệt, chúng ta nên hợp tác với Brazil. Brazil có sản lượng 45 triệu bao, Việt Nam trên dưới 26 triệu bao. Hai nước đã chiếm 60-70% sản lượng cà phê toàn cầu” – Bộ trưởng Phát gợi ý.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Phát đề nghị Vicofa liên hệ với các hiệp hội cà phê ở nước khác để tìm giải pháp liên kết. Sau đó, Bộ trưởng sẽ cùng Vicofa đi làm việc với các nước này để có cam kết về mặt chính trị.
Sẽ cho vay 12.000 tỉ đồng tái canh cà phê
Nắng hạn cũng như giá cà phê giảm là vấn đề trước mắt, về lâu dài, theo nông dân Nguyễn Văn Kiên, là vốn vay để tái canh cà phê. Như mọi năm, với 2 héc ta cà phê cho năng suất trung bình khoảng 4,5 tấn/héc ta nhưng năm nay, do diện tích cà phê già cỗi nên anh Kiên đã trồng mới, ghép cành, cải tạo một phần diện tích vườn cây cà phê. Điều này, đã khiến cho năng suất cà phê vườn nhà anh Kiên giảm khoảng 40% so với những vụ trước.
“Tôi phải thế chấp nhà và ruộng vườn để vay ngân hàng đầu tư cho tái canh nhưng với mức lãi suất 12%/năm chứ đâu được 7% như quy định trần cho vay nông nghiệp đâu. Nếu có vay được 7% thì tiền đi đêm chắc cũng tương đương với mình vay trực tiếp lãi suất 12%” - anh Kiên nói.
Theo Vicofa, mặc dù việc tái canh cà phê là việc làm cần thiết nhất hiện nay nhưng 3-4 năm nay vẫn chưa có chính sách cụ thể nào để tạo điều kiện cho người nông dân thực hiện tái canh. Do đó, Hiệp hội đề nghị được tiếp cận với vốn ưu đãi để tái canh cà phê, đảm bảo đầu tư giống cũng như khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất.
Về vốn tái canh cà phê, theo ông Võ Minh Tuấn, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình tái canh cà phê và cho rằng, trong nửa cuối tháng 4, NHNN sẽ ra văn bản hướng dẫn Ngân hàng Agribank thực hiện cho vay tái canh.
Theo quy hoạch, thời gian triển khai tái canh từ 2014 đến năm 2020 với 120.000 héc ta diện tích tái canh ở 5 tỉnh của Tây Nguyên. Quy mô vốn cho chương trình này sẽ từ 12.000 tỉ đến 15.000 tỉ đồng. “Hy vọng trong nửa cuối tháng 4, văn bản chính thức sẽ được gửi tới UBND các tỉnh, bộ ngành liên quan để thực hiện cho vay tái canh cà phê” – ông Tuấn nói.
Theo Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT), hiện nay cả nước ta có 22 tỉnh, thành và 105 huyện trồng cà phê với 5 vùng sản xuất chính gồm: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc.
Tổng diện tích trồng cà phê của 5 vùng kể trên đến cuối năm 2014 khoảng 641.000 héc ta. Trong đó có khoảng 86.000 héc ta cà phê trên 20 năm tuổi, chiếm 15% và khoảng 140.000 héc ta từ 15-20 năm tuổi, chiếm 25%. Ngoài ra, còn khoảng 140.000 - 160.000 héc ta cà phê già cỗi cần phải trồng thay chế và chuyển đổi trong vòng 45 năm tới.
Thùy Dung/ thesaigontimes.vn
Không có nhận xét nào: