» » Giá lúa lại giảm

Kết thúc kế hoạch tạm trữ, những ngày qua thị trường lúa gạo ở ĐBSCL hết sôi động, giá lúa một số vùng bắt đầu giảm. Nhưng bất ngờ là lúa thơm lại tăng giá...

Thu hoạch, bảo quản lúa đông xuân 2014-2015 ở ĐBSCL

Lúa thơm lên hương 

Đúng lúc các doanh nghiệp ở ĐBSCL kết thúc đợt thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, dòng chảy gạo xuất khẩu đi các tỉnh phía Bắc theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang rộn ràng thì bất chợt ách tắc (điều này các thương nhân cũng đã dự đoán trước). 

Tại chợ gạo Thốt Nốt (Cần Thơ), một số thương nhân và chủ nhà máy xay xát kinh doanh gạo cho rằng: Qua báo chí thấy hình ảnh nhiều xe gạo nằm chờ ở cửa khẩu Lào Cai có thể chỉ là tạm thời. Nhưng vẫn tác động đến thị trường lúa gạo trong nước, bởi trên thực tế ở cảng Mỹ Thới (An Giang) các tàu về “ăn” hàng gạo neo đậu lưa thưa, lặng lẽ. 

Có thể thấy, thị trường xuất khẩu gạo chính ngạch, tiểu ngạch hay chính sách thu mua tạm trữ thông qua các doanh nghiệp đều có sức tác động mạnh đến thị trường lúa gạo tại ĐBSCL. Khi lực tác động chưa đủ mạnh nên giá lúa vẫn giảm xuống.  

Song theo ông Trần Thanh Vân, Phó GĐ Công ty Gentraco thì giá lúa khó giảm sâu thêm, do hiện nay áp lực tiêu thụ lúa đông xuân không còn và còn hơn 1,5 tháng nữa mới tới vụ lúa hè thu. 

Hiện lúa gạo giảm giá chủ yếu do hoạt động thu mua của thương lái và doanh nghiệp không còn sôi động, nhất là từ 28/4 bắt đầu thời gian nghỉ lễ 30/41/5 kéo dài hơn 5 ngày.  

Trên bình diện chung, một số loại gạo trắng thông dụng đang ở mức thấp nên lúa khó bán được giá cao. Một số giống lúa OM hạt dài khô, tốt đang ở mức giá 5.350 - 5.600 đồng/kg, giảm nhẹ 50 đồng/kg. Các DN thu mua gạo hạt dài nguyên liệu chế biến gạo 5% tấm, giá 6.500 - 6.600 đồng/kg

Theo các thương lái ở An Giang, giống lúa IR50404 đang rớt giá mạnh, lúa tươi bán tại ruộng hiện còn 4.200 - 4.250 đồng/kg, giảm 100 - 200 đồng/kg

Ngược lại mặt hàng gạo thơm giá đang tăng. Tại An Giang, lúa khô Jasmine 85 nông dân trữ lại bán 5.600 - 5.700 đồng/kg, tăng 200 - 300 đồng/kg so với hồi giữa tháng 4. Ở Sóc Trăng, lúa thơm ST21 hút hàng, giá tăng mạnh lên 7.000 đồng/kg, tăng 1.900 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. 

Lúa có giá, thương lái mua cao hơn khiến một số doanh nghiệp thực hiện liên kết bao tiêu với nông dân sản xuất 11.000 ha bất thành và thực tế chỉ thu mua được trên 1.500 ha

Giống lúa ST21 hạt nhỏ, ngắn nhưng thơm và mềm cơm, năng suất lúa tươi 10 tấn/ha, có giá thành thấp nên tiêu thụ nội địa tốt, nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu tiểu ngạch. 

Doanh nghiệp chưa đồng hành cùng nông dân 

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo thừa nhận từ đầu năm đến nay thị trường gạo xuất khẩu chưa suôn sẻ. Kinh doanh gạo trắng lỗ, trong khi gạo thơm và nếp có lãi. 

Một doanh nghiệp tại Cần Thơ đánh giá, lúa nếp có thị trường nên mấy năm qua ít biến động, tại ĐBSCL ổn định mức 9.400 - 9.800 đồng/kg. Nhưng muốn tìm sự ổn định lâu dài cần khảo sát kỹ nhu cầu thị trường để quy hoạch vùng sản xuất phù hợp. 

Sau 5 năm xây dựng cánh đồng mẫu lớn, có ý kiến cho rằng con số doanh nghiệp tham gia đầu tư và diện tích cánh đồng mẫu lớn còn rất ít. Hiện vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp có điều kiện xây dựng chuỗi sản xuất liên kết như Công ty CP BVTV An Giang và phải chờ đến năm 2017, mục tiêu dự kiến sẽ mở rộng cánh đồng mẫu lớn đạt 1 triệu ha may ra mới trở thành hiện thực. 

Chính vì không có nhiều doanh nghiệp tham đầu tư liên kết sản xuất nên việc thực hiện thu mua tạm trữ vừa qua chủ yếu qua thương lái hay các chủ nhà máy xay xát. Vì vậy sau khi doanh nghiệp thực hiện đủ chỉ tiêu tạm trữ, ngừng thu mua lập tức thương lái và chủ nhà máy xay xát cũng “ngơi tay”. 

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cho rằng, trong tình hình các quốc gia sản xuấtlúa gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Myanmar… đang nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, mà muốn nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam thì điều kiện tiên quyết là làm thế nào hạ giá thành sản xuất cho nông dân. 

Muốn vậy, cần quản lý tốt giá vật tư nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc BVTV) để giảm giá bán, gián tiếp hỗ trợ cho nông dân. 

Bên cạnh đó Nhà nước cần có chính sách ưu đãi vay vốn cho nông dân, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất lúa, đầu tư đổi mới công nghệ trong bảo quản chế biến, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và giá trị gạo Việt Nam…

Hữu Đức/ nongnghiep.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: