Sau Bộ NNPTNT, đến lượt Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã nhắc tới hai chữ “thận trọng” khi khẳng định chưa có bất cứ đề án cụ thể nào đối với cây mắc ca. Sự cẩn trọng này hoàn toàn không thừa khi mà ở Tây Nguyên, dường như cây mắc ca đang được khuếch trương thái quá, và nguy cơ nhãn tiền về sự đại trà mang tính hủy diệt đối với các loại cây công nghiệp khác.
Ảnh minh họa
Hãy xem lại các thông số về mắc ca.
Phía DN cho rằng mắc ca là “hoàng hậu của các loại hạt khô”, với 4,7 tấn hạt/ha, cao gấp đôi cà phê. Nhu cầu trên thị trường gấp 4 lần cung. Giá bán có thể lên tới 1 triệu đồng/kg. Thậm chí, ông chủ DN nói sẽ “xin mỗi tỉnh Tây Nguyên 1.000ha để ươm giống và cung cấp giống theo tiêu chuẩn quốc tế”. Rồi, sẵn sàng xây nhà máy chế biến, sẵn sàng “bỏ thời gian đánh golf” vì quyền lợi người trồng mắc ca.
Ngược lại, cả cơ quan quản lý và các nhà khoa học đều bày tỏ sự băn khoăn. Rằng không nên tấn phong “nữ hoàng tỉ đô”. Rằng trong 4 năm đầu, sẽ không có bất cứ hạt mắc ca nào được thu hoạch, đến năm thứ 10 thì cũng chỉ thu được 10kg/cây. Rằng, tất cả vẫn chỉ là hứa hẹn. Rằng mắc ca không “dễ ăn” như nhiều người tưởng…
Còn thực tế, ngoài diện tích mắc ca, chủ yếu bán lấy giống, chưa có bất cứ gì cụ thể về đầu ra, giá cả, chế biến, thị trường… cũng như cơ chế chia sẻ rủi ro.
Cũng phải nói thêm, không phải chỉ nông dân, chưa mấy người Việt hay biết gì về mắc ca, ngoại trừ scandal đình đám mãi bên Hàn Quốc mang tên “hạt mắc ca nổi giận”.
Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm ngay cả trong việc xóa đói giảm nghèo và mỗi một cây/con ảnh hưởng không chỉ đơn thuần đến chuyện áo cơm của đồng bào. Và sự cẩn trọng, và sự tham gia của cơ quan chức năng vào việc trồng và phát triển cây mắc ca là đặc biệt cần thiết.
Cây cà phê đầu tiên được đưa vào Việt Nam năm 1875. Nhưng phải đến nửa thế kỷ sau, năm 1925, người Pháp mới tìm thấy sự đắc địa ở Tây Nguyên. Vạn sự khởi đầu nan. Nhưng sự khởi đầu không nên, không thể, không bao giờ là việc ồ ạt, đại trà bán giống chỉ với những lời hứa hẹn. Chẳng phải Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã nhắc tới những lo ngại việc người dân rơi vào bẫy bán (cây) giống và nguy cơ khốn đốn vì cây trồng không đúng như mong muốn.
Có lẽ, cần phải giản dị để nói cho nông dân hiểu một thực tế, dù có vẻ trần trụi: Nếu như họ mất 5 - 10 năm để chuyển đổi một cây trồng thì người ta chỉ cần 5 - 10 ngày để đổi một tấm giấy phép kinh doanh nếu như cây mắc ca… nổi giận.
Đào Tuấn/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: