» » » Chủ động, quyết liệt phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân

Đến thời điểm này, gần 80.000ha lúa trong tỉnh Thái Bình sinh trưởng và phát triển tương đối đồng đều. Trà lúa sớm đang ở giai đoạn làm đòng, trà lúa đại trà đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên tình hình sâu bệnh hại lúa có chiều hướng phát triển, diễn biến khá phức tạp.

Nông dân trong tỉnh tích cực phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân.

Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật, bệnh đạo ôn trên lá xuất hiện từ đầu tháng 2 trên một số giống nhiễm và gây hại sớm từ tuần 2 tháng 3. Trước tình hình đó, các cấp, các ngành, các địa phương và nông dân trong tỉnh đã chủ động, tích cực phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa. Đến nay, nông dân các địa phương đã tổ chức phun phòng trừ cho trên 27.200ha lúa. Hiện toàn tỉnh có trên 17.000ha lúa bị nhiễm bệnh, trong đó có trên 11ha bị lùn lụi. Cùng với bệnh đạo ôn, tình hình sâu cuốn lá nhỏ cũng đang diễn biến phức tạp. Do thời tiết ấm, độ ẩm cao nên sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện sớm hơn, phát dục kéo dài và tạo thành nhiều cao điểm. Dự báo sâu non tuổi 1, 2, 3 rộ nhất từ ngày 9 - 15/4. Tại các huyện Thái Thụy, Tiền Hải và một số xã khu Nam huyện Kiến Xương mật độ sâu cuốn lá lứa hai dự kiến trung bình 50 - 60 con/m2, nơi cao 80 - 100 con/m2, cá biệt có nơi 200 - 300 con/m2. Cũng theo điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay trên đồng ruộng mật độ rầy bình quân từ 50 - 300 con/m2, nơi cao 500 - 700 con/m2, cá biệt có nơi 1.000 - 1.500 con/m2. Trong đó, rầy tuổi 1 đến tuổi 4, rầy lưng trắng chiếm 70%, trứng rầy trung bình 10 - 20 ổ/m2, nơi cao 40 - 80 ổ/m2. Theo dự báo của ngành chuyên môn, mức độ và quy mô gây hại của rầy cao hơn vụ xuân năm 2014, nhất là đối với các huyện Tiền Hải, Thái Thụy. Cùng với các loại sâu bệnh trên, bệnh khô vằn đã xuất hiện trên đồng ruộng từ cuối tháng 3 đến nay, tỷ lệ hại trung bình 1 - 3%, nơi cao 5 - 10%.

Bà Tạ Thị Minh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, từ nay đến cuối vụ thời tiết và sâu bệnh còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, từ nay đến cuối tháng 4, bệnh đạo ôn trên lá vẫn tiếp tục phát sinh gây hại trên giống nhiễm gieo cấy muộn và ở những nơi chưa được phòng trừ triệt để. Đầu tháng 5, dự báo sẽ có đợt sâu cuốn lá nhỏ cao điểm đợt 2, tập trung ở các huyện phía Nam tỉnh. Đợt 1, rầy non nở rộ từ ngày 5 - 15/4, mật độ cao vài trăm đến hàng nghìn con/m2 gây hại cục bộ. Đợt 2, rầy nở rộ xung quanh ngày 25/4 đến đầu tháng 5, mật độ nơi cao 2.000 - 3.000 con/m2. Đợt 3, rầy nở rộ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, dự báo mật độ nơi cao 5.000 đến hàng vạn con/m2 gây cháy lúa ở giai đoạn chắc xanh đến chín, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Cùng với đó, sâu đục thân có nguy cơ gây hại cục bộ ở một số vùng lúa trỗ muộn sau 20/5 trở đi. Bệnh khô vằn sẽ phát sinh và gây hại nặng từ nay đến cuối vụ. Mức độ gây hại của chuột sẽ gia tăng trong giai đoạn lúa làm đòng đến chín.

Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp đã ra thông báo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chỉ đạo nông dân phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ đợt 1 từ ngày 14 - 18/4/2015. Diện tích cần phải phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 lần này khoảng 40.000ha.

Hiện nay, 10.400ha lúa xuân của huyện Tiền Hải phát triển tốt, nhất là gần 3.000ha lúa gieo thẳng. Với việc bố trí cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 48% nên vụ xuân năm nay Tiền Hải có diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn ít hơn so với các địa phương khác. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết những ngày qua có mưa, độ ẩm cao, để bảo vệ lúa xuân, huyện đã chủ động chỉ đạo các xã, thị trấn phòng trừ sâu bệnh.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng cho biết: Vụ xuân năm 2015, toàn xã gieo cấy trên 373ha lúa. Nhờ thực hiện phương thức gieo thẳng cho trên 90% diện tích nên đến thời điểm này lúa ít bị nhiễm bệnh đạo ôn. Tuy nhiên, tình hình phát triển của sâu cuốn lá và rầy lại đáng lo ngại. Hiện lúa trong toàn xã đã xuất hiện sâu cuốn lá với mật độ trung bình 50 - 70 con/m2, mật độ rầy trung bình trên 1.500 con/m2. Trước tình hình đó, địa phương đã hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm sâu bệnh và tổ chức phun thuốc phòng trừ từ ngày 12 - 14/4 để ngăn chặn sâu bệnh lây lan ra diện rộng. Cũng như Đông Hoàng, vụ xuân này, toàn xã Đông Trà gieo cấy 261ha lúa, trong đó gieo thẳng trên 50%. Hiện toàn bộ diện tích lúa đang ở cuối giai đoạn đẻ nhánh, diện tích cấy trước tết đang bắt đầu phân hóa đòng. Ông Vũ Văn Thạnh, Chủ nhiệm HTX DVNN cho biết: Qua kiểm tra đồng ruộng, hiện diện tích lúa của toàn xã bị nhiễm đạo ôn ít, tỷ lệ bệnh trung bình khoảng 3%. Riêng sâu cuốn lá nở rộ từ ngày 13 - 15/4, mật độ trung bình 60 - 70 con/m2, mật độ rầy trung bình trên 1.000 con/m2. HTX đã chủ động chỉ đạo nông dân kiểm tra đồng ruộng, tổ chức phun kép 1 lần phòng trừ bệnh đạo ôn và tổ chức 3 đợt đánh chuột để bảo vệ sản xuất. Bên cạnh đó, HTX đã xây dựng kế hoạch và tổ chức cho nông dân phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá và rầy.

Hiện bệnh đạo ôn hại lúa xuân ở Tiền Hải mới phát sinh trên giống nhiễm từ 1 - 3%, nơi cao 5 - 10%, cục bộ 15 - 20%. Toàn huyện có trên 1.100ha lúa bị nhiễm đạo ôn, trong đó 90ha bị nhiễm nặng. Nếu không phun thuốc phòng trừ kịp thời, hiệu quả, nguy cơ giống lúa nhiễm bệnh sẽ bị lùn lụi trên diện rộng xung quanh ngày 15/4, nhất là những diện tích có bộ lá xanh non, bón đạm muộn và bón thừa đạm. Cùng với bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ cũng xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ năm trước và diễn biến phức tạp. Mật độ sâu cuốn lá lứa 1 trên đồng ruộng tương đương với cùng kỳ nhiều năm. Từ ngày 3 - 8/4, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành, vũ hóa rộ trên đồng ruộng. Sâu non tuổi 1, 2, 3 nở rộ từ ngày 10 - 16/4, nhất là từ 13 - 15/4 với mật độ trung bình 50 - 70 con/m2. Sâu non phân bố trên tất cả các trà lúa, giống lúa. Những diện tích chân thổ, diện tích lúa tốt, bộ lá xanh non và những diện tích lúa cấy muộn xen kẽ diện tích lúa tốt có mật độ sâu cao. Theo dự báo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, cuối tháng 4 sẽ có đợt sâu cuốn lá nhỏ gối lứa gây hại lúa giai đoạn làm đòng. Riêng đối với rầy các loại, hiện trên đồng ruộng mật độ rầy non trung bình 300 - 500 con/m2, nơi cao 700 - 1.000 con/m2, cục bộ 1.500 - 2.000 con/m2, trong đó rầy lưng trắng chiếm 80%. Các địa phương có ổ rầy trên lúa mật độ cao là Đông Hoàng, Đông Minh, Nam Thắng, Vũ Lăng... Dự báo, nếu không phòng trừ tốt, đến cuối tháng 4 sẽ có đợt rầy non nở rộ với mật độ cao, có nơi hàng vạn con/m2. Cùng với sâu cuốn lá, rầy các loại, hiện bệnh khô vằn cũng đang phát sinh gây hại diện tích lúa tốt, tỷ lệ bệnh nơi cao 3 - 5%, cục bộ 7 - 10%.

Trước tình hình trên, để bảo vệ lúa xuân, ngành Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo, chỉ đạo các HTX DVNN hướng dẫn nông dân tăng cường công tác vệ sinh đồng ruộng, bảo vệ sản xuất. Giữ đủ nước không để ruộng khô hạn, không bón đạm đơn, không phun các loại phân qua lá và các chất kích thích sinh trưởng. Đối với bệnh đạo ôn hại lá, tổ chức phòng trừ trên toàn bộ giống nhiễm; với các giống khác cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu có tỷ lệ bệnh từ 3 - 5% trở lên phải sử dụng các loại thuốc đặc hiệu  như Katana, Fendy 25WP, Bom 650WP... phòng trừ ngay. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại cần phòng trừ trên diện rộng, thường xuyên kiểm tra ruộng, nếu phát hiện những diện tích có mật độ rầy từ 700 con/m2 trở lên phải tổ chức phun phòng trừ. 

Mai Thư/ Báo Thái Bình

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: