Chè Việt Nam xuất khẩu đang vướng vào tình trạng “đã nghèo còn neo” khi giá xuất khẩu vốn thấp, lại còn bị đối tác nước ngoài trả lại do tồn dư vượt mức cho phép hoạt chất thuốc BVTV, về đến cảng vẫn bị đánh thuế nhập khẩu đến 40%.
Chè Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới
Hàng chục container bị trả lại
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu chè (đề nghị không nêu tên) cho biết, việc hơn chục container chè xuất khẩu từ Việt Nam sang một số nước EU cũng như Đài Loan bị trả lại là việc có thật.
Ông này khẳng định, mới đây nhất, trung tuần tháng 4, đã có đến 3 container chè Việt Nam bị phía Đài Loan trả lại.
Doanh nghiệp chế biến chè của vị giám đốc trên tuy là một trong không nhiều đơn vị xuất khẩuchè lớn nhất Việt Nam và chiếm thị phần xuất khẩu khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản này, nhưng cách đây không lâu cũng “dính” một container chè bị phía Đài Loan cho “hồi hương”.
Theo ông, một trong những nguyên nhân khiến chè Việt Nam bị trả lại là do lượng tồn dư thuốc BVTV trong chè thành phẩm quá lớn, có những thành tố thuốc BVTV vượt cả chục lần ngưỡng cho phép.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp chè trên cũng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên chè có xuất xứ từ Việt Nam bị trả lại. Từ năm 2012, nhiều lô hàng xuất khẩu sang châu Âu bị trả về do tồn dư hàm lượng hóa chất vượt quá mức cho phép.
Số hàng bị trả về được thông báo có dư lượng 2 hoạt chất thuốc BVTV Acetamiprid và Imidacloprid vượt mức cho phép của các nước EU - khu vực được coi là có những quy định khá ngặt nghèo về tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại Việt Nam, hiện nay trong danh mục thuốc BVTV, 2 hợp chất này vẫn được phép sử dụng trên chè. “Thực tế, không phải 2 hoạt chất trên bị vượt quá dư lượng, mà có đến 6 hoạt chất là Fipronil, Acetamiprip, Imidacloprid, Carbendazim, Cypermethrin và Buprofezin. Đây là những hoạt chất mà các nước NK chè của Việt Nam, đặc biệt là EU và Đài Loan nghiêm cấm sử dụng”, vị giám đốc nói.
“Chỉ tạo ra khoảng 200 tấn sản phẩm xuất khẩu mỗi năm, song Việt Nam hiện có xấp xỉ 700 nhà máy chế biến chè, ngoài ra còn có vô số cơ sở chế biến thủ công của các hộ gia đình. Không chỉ vậy ngành trồng chè Việt Nam cũng cho thấy một thực tế là sản xuất có công suất rất thấp, hiệu quả hạn chế. Chưa hết, đội ngũ thương lái luôn ép giá nông dân ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng người trồng chè luôn bị nhiều thua thiệt”, vị lãnh đạo này chỉ rõ nguyên nhân.
Chính vì vậy, mối quan hệ giữa người nông dân và doanh nghiệp không mặn mà và chẳng có ràng buộc gì nhiều. Người trồng chè chuyển sang chủ động tìm nguồn giống, tự xây dựng quy trình chăm sóc và bán sản phẩm của mình cho thương lái với giá thị trường.
Theo Vitas, để ngành chè phát triển bền vững, trong thời gian tới phải tổ chức thành chuỗi giá trị từ người trồng chè đến doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ. Trước hết nhà nước phải quy hoạch về vùng nguyên liệu và chế biến phù hợp, quản lý được quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường chất lượng sản phẩm.
Việc chạy theo lợi nhuận tất yếu khiến người trồng chè chỉ quan tâm đến sản lượng. Việc sử dụng các hóa chất nhằm tăng năng suất cũng như tránh rủi ro dịch bệnh được áp dụng tràn lan. Đây chính là lý do sản phẩm chè do các doanh nghiệp thu gom và xuất khẩu bị trả về như đã đề cập.
Hàng trả lại vẫn bị đánh thuế nhập khẩu
Chưa hết, khi chè xuất khẩu bị các nước nhập khẩu trả lại, ngành chè Việt Nam lại tiếp tục đối mặt với khó khăn khi ngay chính các container hàng này về đến cảng vẫn bị hải quan áp thuế với mức thuế nhập khẩu 40% đối với hàng nông sản từ các nước không có quan hệ thương mại với nước ta bằng các hiệp định thương mại tự do. Như vậy, vô hình chung, mặt hàng chè của Việt Nam mang đi xuất khẩu mà bị trả lại phải chịu 2 lần thuế.
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2014 đạt 1.695 USD/tấn, tăng 4,3% so với năm 2013 (1.626 USD/tấn). Ba thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam là Pakistan, Đài Loan và Nga. Trong đó, Pakistan là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam. Loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng cũng như kim ngạch.
Tuy nhiên, có một thực tế là, trên thị trường thế giới, dấu ấn chè Việt vẫn còn khá mờ nhạt. Người tiêu dùng các nước chưa nhận biết hay phân biệt được đâu là chè “made in Việt Nam” với các loại chè sản xuất tại các nước khác. Lý do chính là vì hiện nay, có tới 90% lượng chè của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô đóng bao 50 kg, chỉ 10% được xuất khẩu dưới dạng thành phẩm.
Tuy nhiên, ngay cả khi xuất khẩu đạt kim ngạch cao thì giá chè xuất khẩu của nước ta chỉ bằng 50-60% giá chè xuất khẩu của các nước trên thế giới. “Như vậy, rõ ràng việc Hải quan áp thuế nhập khẩu đến 40% là hoàn toàn có cơ sở, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam không có căn cứ để chứng minh đó là chè của doanh nghiệp mình. Hải quan họ áp thuế vì cho rằng đó là nông sản được nhập khẩu về Việt Nam, chứ không phải chè bị trả lại”, vị giám đốc trên lý giải.
Để khắc phục tình trạng trên, theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Phi, Tây Á và Nam Á (Bộ Công thương), mặc dù năm 2014, giá xuất khẩu chè có tăng so với cùng kỳ năm 2013 nhưng Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có giá xuất khẩu chè thấp trên thế giới. Nguyên nhân bởi chất lượng chè xuất khẩu Việt Nam chưa đảm bảo, nhiều sản phẩm còn chứa tồn dư thuốc BVTV ở mức cao.
“Vì vậy cần làm tốt công tác từ khâu thu mua nguyên liệu đúng tiêu chuẩn với giá hợp lý, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phấn đấu đưa giá chè xuất khẩu ngang bằng với giá bình quân của thế giới”, Vụ này khuyến cáo.
Ngoài ra, chè Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ xuất thô nên kim ngạch xuất khẩu chưa cao. Nguyên nhân là các doanh nghiệp xuất khẩu chè Việt Nam chưa có sự liên kết mạnh hơn với người nông dân ngay từ khâu trồng để đảm bảo sản phẩm có chất lượng từ nguồn nguyên liệu.
Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, nếu không tự nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao uy tín, doanh nghiệp sẽ tự bị sàng lọc và đào thải trong quá trình giao thương.
Lâm Đồng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và sản phẩm chè xuất khẩu, với 24 nghìn ha chè các loại, sản lượng chè năm 2014 vào khoảng 224 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu đạt 10 – 12 triệu USD. Thái Nguyên đứng thứ hai về diện tích và sản lượng.
Trong mục tiêu phát triển cây chè đến năm 2015, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đưa năng suất chè búp tươi đạt 120 tạ/ha, sản lượng đạt 200.000 tấn chè búp tươi/năm; 100% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).
Văn Nguyễn/ nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào: