» » » Cây mắc ca đang 'mắc' ở chiến lược

Nếu không có định hướng và chiến lược rõ ràng, nguy cơ mắc ca sẽ đi vào “vết “xe đổ” của nhiều cây trồng khác, và hậu quả nặng nề người nông dân phải gánh chịu...

Theo nghiên cứu của Viện điều tra quy hoạch rừng thì nước ta có hàng triệu ha đất phù hợp với cây mắc ca. Đây là điều mà các nước trên thế giới không có được. 

Việc đưa cây mắc ca vào trồng thí điểm tại một số địa phương được xem là hướng đi mới

Cơ hội lớn

Mặc dù Australia là một trong những nước phát triển cây này từ rất sớm nhưng trong 50 năm qua diện tích trồng mắc ca chỉ đạt 16.000 - 17.000 ha vì chi phí nhân công, và chi phí thuê đất của họ quá đắt. Giá cây giống mắc ca ở Úc là 20 USD/cây giống, còn Việt Nam chỉ 60.000 - 80.000 đồng/cây. Để trồng một ha mắc ca ở Úc chi phí đầu tư cây giống mất khoảng 6 nghìn USD. Trong khi đó, năng suất mắc ca ở Úc cao nhất là 4 tấn/ha. Hawai khoảng 6 tấn/ha. Hiện nay Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh loại cây này, tuy nhiên mỗi cây chỉ cho 7,5 kg/cây/năm.

Hơn nữa, hạt mắc ca chỉ mới chiếm 1,2% trong tổng số hạt cứng, hạt khô trên toàn thế giới. Sản lượng chỉ mới 162.000 tấn một năm. Trong khi đó, nếu so sánh hạt mắc ca và hạt điều, hạnh nhân thì hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng lớn hơn gấp nhiều lần, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm như bánh kẹo, dầu ăn, mỹ phẩm. Hạt mắc ca có hàm lượng chất béo chưa bão hòa đơn cao nhất trong số các loại hạt đã biết, chứa khoảng 22% axit béo omega-7 là axit palmitoleic, có các tác động sinh học tương tự như một chất béo chưa bão hòa đơn. Cây cũng chứa 9% protein, 9% cacbohydrat và 2% sơ dinh dưỡng, cũng như canxi, photpho, kali, natri, selen, sắt, thiamin, riboflavin vàniacin.

Cung không đủ cầu trên thị trường thế giới hiện nay, chính là cơ hội để Việt Nam có thể mạnh dạn đầu tư phát triển loại cây trồng này. Tuy nhiên, điều quan trọng để mang lại hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững chính là cần có một chiến lược quy hoạch bài bản, khoa học.

Cần chiến lược bài bản

Trên thực tế, cây mắc ca đã vào Việt Nam gần 20 năm, Bộ NN- PTNT, chính là nơi đầu tiên tiếp nhận những dự án nghiên cứu từ nước ngoài, là nơi phát triển những vườn ươm khảo nghiệm trên nhiều vùng miền của cả nước với tổng diện tích sau hai thập kỷ là khoảng 35 ha. Và Bộ, cũng đã có một đề tài nghiên cứu khoa học kéo dài trong nhiều năm, tốn kém không ít tiền bạc và công sức để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển mắc ca Việt Nam. Bên cạnh đó, gần 3.000 ha mắc ca đã được người dân và doanh nghiệp tự trồng bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. (Với sản lượng trung bình 4 tấn/ha, mỗi năm trừ chi phí thì mỗi ha, một số hộ dân ở vùng Tây Nguyên có thể thu lãi tới 100 triệu đồng).

Thế nhưng, cho đến nay mọi thứ mới chỉ dừng lại ở “chưa có căn cứ khoa học”, trong khi đó, đã có những nơi như: ĐăkLăk, Lâm Đồng, bà con vội vàng đi mua giống giá rẻ hoặc tự trồng bằng hạt không cắt ghép cây, mặc dù cây rất tốt nhưng sẽ không có quả, phải chặt phá trong tương lai. Và rồi, loạn bán giống, giá sản phẩm thì ảo, chưa có thông tin thị trường chính xác… Thực trạng này, là do chúng ta chưa có đầu mối đứng ra tổ chức và giám sát các tiêu chuẩn, chưa có các DN và nhà đầu tư thực sự mạnh cùng vào cuộc chuẩn hóa.

Định hướng của cơ quan đầu ngành là yếu tố quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất mắc ca, chứ không phải kiểu “vừa đi vừa tìm đường” như hiện nay.

Do vậy, vấn đề trách nhiệm của Bộ NN- PTNT lúc này, không phải là đặt câu hỏi “ngược” đối với nông dân và doanh nghiệp, mà chính là vấn đề về điều tra quy hoạch một cách khoa học xác định quỹ đất, vấn đề thị trường, vấn đề về giống; cụ thể trồng ở đâu? trồng bao nhiêu? trồng thế nào? bán cho ai?. Nghĩa là, chúng ta cần phát triển cây mắc ca một cách bài bản, có đầu tư xứng đáng, tổ chức khoa học và chặt chẽ, tạo dựng và phát triển thị trường với sự đồng hành và hợp đồng cam kết của các doanh nghiệp... Có như vậy, sản phẩm làm ra mới đạt chất lượng và đầu ra tốt.

Trên thế giới, có rất nhiều mô hình phát triển cây mắc ca thành công đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, như mô hình trồng và chế biến mắc ca là của MPC- Công ty hàng đầu của Australia, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư phát triển cây mắc ca, doanh nghiệp này đã đầu tư khoảng 60 triệu USD xây dựng một nhà máy sơ chế hạt mắc ca với công suất chỉ 11.000 tấn/năm. Để đạt được độ ẩm 10% của hạt mắc ca, phải mất thời gian sấy lên tới 4 tuần, nhiệt độ ổn định ở mức 40 độ C. Cùng với đó, để có nguồn nguyên liệu ổn định, họ đầu tư vốn cho các nông trại và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các nông trại. Hợp đồng này rất chặt chẽ và được pháp luật bảo vệ nên không bên nào muốn vi phạm. Hiện tại, MPC có quan hệ hợp đồng với 750 nông trại khắp Australia. Theo mô hình này, nhà nước chỉ tham gia với tư cách là cơ quan trọng tài giám sát tham mưu, định hướng bằng chính sách đòn bẩy và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, còn về vấn đề đầu tư, thị trường, doanh nghiệp là người đi tiên phong và chịu trách nhiệm.

Còn đối với Việt Nam, với quy mô mắc ca như hiện nay, chúng ta nên đầu tư các xưởng sơ chế mắc ca vừa và nhỏ ở ngay vùng nguyên liệu, với công suất từ 5 - 10 tấn/năm. Đồng thời, nên khuyến khích xây dựng nhà máy ở gần thị trường tiêu thụ. Ví dụ như các đô thị lớn để bảo đảm rằng, sản phẩm mắc ca sau khi ra lò, sẽ được vận chuyển nhanh nhất, trong điều kiện tốt nhất đến nơi có nhu cầu để đảm bảo chất lượng cao. Không nhất thiết phải đặt ngay tại các vùng nguyên liệu như Tây Bắc, Tây Nguyên, bởi hạt mắc ca sau khi đã qua sơ chế thì có thể bảo quản được thời gian lên tới cả tháng.

Mặc dù là loại cây trồng đã du nhập vào trong nước từ rất lâu. Thế nhưng, so với các loại cây nông nghiệp khác, nó vẫn là một sự mới mẻ, do đó, sự định hướng của cơ quan đầu ngành là một yếu tố rất quan trọng, giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, chứ không phải là kiểu “vừa đi vừa tìm đường” như hiện nay.

Nguyễn Tuấn Phú - Nguyên Vụ trưởng Vụ kinh tế ngành Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ (Diễn đàn doanh nghiệp)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: