Việc xuống giống vội vã và quá sớm dẫn đến không đảm bảo thời gian cách ly giữa các mùa vụ, đồng ruộng không được vệ sinh kỹ và là cầu nối lây truyền sâu bệnh, tăng chi phí sản xuất.

Nông dân bất chấp khuyến cáo, xuống giống quá sớm trong khi ruộng kế bên chưa kịp thu hoạch sẽ là cầu nối lây truyền sâu bệnh 

Theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp Kiên Giang, vụ lúa hè thu 2015 gieo sạ tập trung làm 3 đợt, bắt đầu từ 20/3 và kết thúc 10/6, thế nhưng nhiều nơi nông dân đã xuống giống trước từ 1 - 2 tháng, bất chấp khuyến cáo. 

Việc xuống giống vội vã và quá sớm dẫn đến không đảm bảo thời gian cách ly giữa các mùa vụ, đồng ruộng không được vệ sinh kỹ và là cầu nối lây truyền sâu bệnh, tăng chi phí sản xuất

Theo số liệu thống kê của các huyện, đến ngày 25/3, toàn tỉnh đã gieo sạ được 47.152/301.184 ha lúa hè thu theo kế hoạch. Trong đó, dẫn đầu là huyện Giồng Giềng 20.595 ha, tiếp đến là Tân Hiệp 14.965 ha, Châu Thành 8.015 ha, Giang Thành 2.965 ha… 

Trong khi đó, theo lịch khuyến cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang, vụ lúa hè thu 2015 trên địa bàn tỉnh gieo sạ tập trung làm 3 đợt, từ 20/3 - 10/6. Đợt 1 từ 20/3 - 5/4, tập trung ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây Sông Hậu (vùng làm lúa 3 vụ/năm, cần gieo sạ sớm để có thời gian xuống giống tiếp vụ lúa thu đông, tránh lũ lớn vào cuối vụ); đợt 2 từ 15/4 - 30/4, vùng U Minh Thượng và diện tích còn lại của Tây Sông Hậu; đợt 3 từ 20/5 - 10/6, diện tích còn lại. 

Thế nhưng, nhiều nơi nông dân đã xuống giống trước lịch thời vụ từ 1 - 2 tháng. Vì vậy, diện tích này được các địa phương gọi là lúa hè thu sớm, nhưng thực chất là lúa xuân hè. 

Việc bất chấp khuyến cáo, xuống giống quá sớm đã hình thành nên nhưng vùng “da beo”. Ruộng lúa chín chưa kịp thu hoạch, ruộng giáp bên đã xanh mơn mởn mạ non. 

Đang chăm sóc hơn 2 ha lúa sau nhà, anh Ngô Thành Thiện, ở ấp kênh 4B, xã Tân An, huyện Tân Hiệp, nói như than: “Biết là làm lúa hè thu quá sớm sẽ gặp nhiều bất lợi, nhưng khổ nỗi hàng xóm họ làm thì mình cũng phải làm theo, nếu không nước ngấm qua lâu ngày bị chai đất”. 

Theo anh Thiện, vừa cắt lúa xong nhiều hộ dân đã vội vã xuống giống, đất không có thời gian nghỉ. Từ lúc gieo sạ đến nay đã gần 60 ngày nhưng chưa có một trận mưa nào. 

Nắng quá, lúa phát triển rất kém, dù đã bón khá nhiều phân. Trung bình mỗi công (công lớn 1.300 m2) nông dân phải bón tới 1,5 bao phân (50 kg/bao), trong khi bình thường chỉ bón 1 bao/công là đủ. Ngoài ra, làm sớm ruộng không được vệ sinh tốt, lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ, rồi vi khuẩn tấn công… 

Vụ XH là thời điểm nắng nóng gay gắt nên cây lúa sinh trưởng rất kém, làm tăng chi phí đầu tư, nhất là phân bón 

“Trong bối cảnh thị trường đầu ra của lúa gạo gặp khó khăn như hiện nay thì nông dân cần phải tính toán lại lịch thời vụ, làm sao tận dụng được tối đa các yếu tố tự nhiên thì mới mong có hiệu quả kinh tế. Làm 2 vụ lúa mà lợi nhuận cao còn hơn là làm 3 vụ, vừa vất vả lại vừa khai thác quá sức đất đai”, ông Nguyên khuyến cáo. 

Anh Thiện ngán ngẩm nói: “Với dàn lúa này thì năng suất không thể cao được, nếu đến thời điểm thu hoạch mà bán không được giá là cầm chắc lỗ vốn. Kiểu này thì sang năm chào thua không dám làm lúa sớm nữa”. 

Ông Lê Văn Mạnh, Trưởng phòng NN-PTNT Tân Hiệp cho biết, đến thời điểm này nông dân đã xuống giống hơn 40% diện tích trong tổng số 36.655 ha lúa hè thu của huyện. So với khung thời vụ của tỉnh thì xuống giống như vậy là quá sớm, nhiều diện tích sớm tới 1 - 1,5 tháng

Tuy nhiên, Tân Hiệp được quy hoạch làm lúa 3 vụ/năm, nên nông dân tranh thủ gieo sạ sớm để có thời gian làm vụ thu đông, tránh bị thiệt hại nếu có lũ lớn đổ về lúc cuối vụ. 

“Nông dân thường có tâm lý gieo sạ sớm để thu hoạch sớm, với hy vọng bán lúa đầu vụ sẽ được giá cao hơn. Vì vậy mà cắt lúa xong là họ gieo sạ lại ngay”, ông Mạnh cho biết lý do. 

Theo khuyến cáo của Chi cục BVTV Kiên Giang, sau khu thu hoạch lúa đông xuân, bà con nông dân cần cày ải, phơi đất, đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ là ít nhất là 3 tuần để rơm rạ phân hủy và đặc biệt là cắt nguồn lây lan của  rầy nâu và gieo sạ tập trung, đồng loạt né rầy theo đúng lịch chỉ đạo của ngành nông nghiệp. 

Không nên tiến hành sạ lại ngay khi vừa thu hoạch, do giai đoạn này rầy di trú với mật số rất cao vì vậy rất dễ nhiễm rầy ở trà lúa mới gieo sạ và đây sẽ là cầu nối để rầy nâu tiếp tục gây hại trên trà lúa hè thu chính vụ. 

Ông Phù Khí Nguyên, PGĐ Trung tâm KN-KN Kiên Giang cho rằng, gieo sạ lúa hè thu quá sớm, thành ra vụ xuân hè là không ổn. Vì thời điểm này là mùa khô hạn, nắng nóng gay gắt nên cây lúa sinh trưởng rất kém. 

Nông dân phải tăng đầu tư, nhất là phân bón, làm chi phí tăng lên, nhiều nơi lên đến 22 - 24 triệu đồng/ha, trong khi những nơi tận dụng được nước trời, làm chi phí chỉ 16 - 17 triệu đồng/ha

Thực tế cho thấy, vụ lúa hè thu cho hiệu quả cao nhất là gieo sạ từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5. Việc nông dân chạy theo thời vụ làm gia tăng áp lực sâu bệnh, chi phí tăng nhưng năng suất lại giảm, kéo theo lợi nhuận giảm.

Đ.T.Chánh/ nongnghiep.vn

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: