Xuất khẩu cà phê nước ta lại giảm nhưng được cái giá xuất khẩu cao hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn. Thị trường cà phê đang cố nói tiếng nói khác với thế giới?
Biểu đồ 1: Diễn biến chỉ số đồng đô la Mỹ (nguồn: tradingchart.com)
Giá nội địa tách khỏi giá thế giới
Nếu như mức đóng cửa 1.838 đô la/tấn của ngày đầu tuần trên sàn kỳ hạn robusta châu Âu là mức cao nhất tuần này, thì càng về cuối tuần giá giao dịch trên sàn robusta càng yếu, dưới mức 1.800 đô la/tấn để rồi đóng cửa cuối tuần chỉ còn 1.788 đô la/tấn, giảm 32 đô la/tấn so với tuần trước (xin xem biểu đồ 2).
Trên thị trường nội địa, giá cà phê nguyên liệu chống chọi khá tốt, có lúc lên lại mức 39,5 triệu đồng/tấn nhưng cuối tuần chỉ còn 38 triệu đồng/tấn, vẫn còn tốt so với 35 triệu đồng/tấn là mức thấp nhất tính từ đầu niên vụ đến nay vào ngày 13-3-2015, ngay sau ngày kết thúc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2015.
Ở những mức giá từ 35-38 triệu đồng/tấn trên thị trường nội địa, nhiều người “khóa kho” chờ giá. Vì theo họ, giá đầu vụ đã 41 triệu đồng/tấn lúc mà cà phê còn đầy rẫy thì không lý do gì về cuối vụ giá không tăng.
Cứ lấy mức đóng cửa sàn robusta hôm qua là 1.788 đô la/tấn, giá mua nội địa sáng nay là 38 triệu đồng/tấn tức tương đương với 1.775 đô la/tấn, nhà xuất khẩu phải cộng thêm chi phí chuyên chở, kho bãi, làm hàng, xuất khẩu, tài chính và phí quản lý…và chưa tính tiền lời, giá phải cộng thêm 150 đô la nữa mới đủ sở hụi. Giá nội địa tách dần giá thị trường thế giới là thế. Nên ai bán xuất khẩu cộng 50/60 đô la/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu) vẫn lỗ, không thể mua hàng.
Tuy nhiên, những người tham gia thị trường có kinh nghiệm đều cho rằng chính mua bán lòng vòng trong thị trường nội địa, hàng từ tay này sang tay kia, mỗi lúc giá đội lên một ít, làm giá thành của nhiều lô hàng cao, không thể khớp với giá xuất khẩu.
“Hàng có sẵn trong kho, muốn xuất bán do sợ giá kỳ hạn rớt nữa, vẫn không thể nào cân đối được đầu vào và đầu ra, nên đành để đấy”, một chủ doanh nghiệp xuất khẩu đóng tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai cho biết. Thật vậy, “khi giá trong nước đòi 39,5 triệu đồng/tấn, cân đối giá xuất khẩu khách hàng chỉ trả 38 triệu đồng/tấn”, ông giải thích.
“Theo tôi, chỉ khi nào nông dân và người trữ hàng rải rác khắp các đô thị của các vùng sản xuất thấy khả năng niên vụ sau được mùa, mưa thuận gió hòa, thì họ mới nghĩ đến chuyện bán ra”, một người ở tại Buôn Ma Thuột cho biết.
Biểu đồ 2: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu trong tháng 3-2015 (tác giả tổng hợp)
Giá cà phê đi nghịch giá đô la
Mới mươi ngày trước đây, giá kỳ hạn đang ở mức 1.708 đô la/tấn, mức thấp nhất tính từ đầu vụ, bất ngờ vụt lên mạnh trên 1.800 đô la/tấn chỉ trong vài ngày, nhiều người cứ tưởng đó là do ảnh hưởng bởi thiếu hụt phía cung-cầu, do tin hạn hán tại Brazil và Việt Nam.
Nhưng đến nay, nhiều người nhìn nhận đợt tăng giá mạnh ấy không liên quan mấy đến cung-cầu và tin đồn khô hạn mà do đồng đô la xuống giá mạnh. Chỉ số đồng đô la Mỹ từ trên 100 điểm có lúc giao dịch chỉ còn 95 điểm, nay đang quay lại mức 97,5-98 điểm. Đó cũng là lý do làm giá cà phê giảm lại vì đồng đô la tăng giá (xin xem biểu đồ 1).
Cà phê Brazil ế!
Trong tuần, thị trường “sốc” trước tin các hãng rang xay nội địa Brazil chê không mua 40.809 bao (tương đương 2.450 tấn) cà phê được chính phủ Brazil đưa ra đấu giá. Người mua đưa ra nhiều lý do để chê như cà phê quá cũ, giá sàn đấu giá đưa ra quá cao với mức khởi đầu 2.226 – 2.600 đô la/tấn! Arabica cũ, tuy mất mùi, nhưng nếu sử dụng để chế biến cà phê hòa tan cũng rất lợi do hàng khô, vì tỉ lệ “thành” cao nhưng người trên thị trường Brazil vẫn chê.
Với mức tiêu thụ khổng lồ hàng năm chừng trên 20 triệu bao cà phê, gần bằng sản lượng cà phê nước ta cả năm, lại liên tiếp có tin đồn hạn hán, mất sản lượng, đáng ra, nếu thiếu thật, người Brazil mua hết không chừa một hột. Thế mà họ chê đến nỗi bộ nông nghiệp chịu trách nhiệm bán lô hàng này phải hoãn đấu thầu, dời lại tuần sau.
Việc từ chối mua hàng đấu thầu giá rẻ ngay từ đầu làm thị trường thắc mắc về những tin đồn thiếu hụt cà phê, hạn hán và tồn kho cà phê của Brazil trước đây. Phải chăng đây là cũng là lý do khiến giá kỳ hạn hai sàn cà phê yếu dần trong mấy ngày cuối tuần?
Xuất khẩu: mất lượng được giá
Tổng cục Thống kê ước xuất khẩu cà phê tháng 3-2015 nước ta chỉ đạt 130.000 tấn giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong nửa đầu niên vụ 2014/15 bắt đầu từ 1-10-2014, tổng lượng xuất khẩu cà phê cả nước đạt 649.600 tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ cách đây 1 năm.
Tuy xuất khẩu giảm, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết giá xuất khẩu cà phê bình quân hai tháng đầu năm 2015 của nước ta đạt 2.122 đô la/tấn, tăng 12,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bình quân sàn kỳ hạn robusta châu Âu theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) chỉ đạt 1.974 đô la/tấn. Như vậy, giá xuất khẩu bình quân vừa qua cao hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn đến gần 150 đô la/tấn.
Từ vài năm nay, dù là một nước sản xuất cà phê, giá xuất khẩu nước ta thường cao hơn giá niêm yết nhờ xuất khẩu hàng chất lượng tốt, trên cả chuẩn theo yêu cầu của sàn kỳ hạn.
Nếu một lô hàng (10 tấn/lô) đạt chuẩn, tùy theo chất lượng được xác nhận, cà phê robusta được trả theo mức đấu giá thành công +30 đô la/tấn cho loại thượng hạng so với giá niêm yết, bằng cho loại 1, -30 cho loại 2, -60 và -90 đô la/tấn cho loại 3 và 4…
Nguyễn Quang Bình/ thesaigontimes.vn
Không có nhận xét nào: