Trong vụ đông xuân 2014 - 2015, nông dân trồng lúa tiếp tục gặp khó khăn về đầu ra, cũng như giá lúa gạo quá thấp. Trước tình hình đó, Chính phủ cho chủ trương các tỉnh, thành mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo để cứu vãn tình thế. Trong đó, tỉnh Tiền Giang được giao thu mua 83.000 tấn quy gạo. Việc tạm trữ này có giúp được gì cho nông dân không?
Với vai trò là doanh nghiệp của Nhà nước và cũng là đơn vị thu mua tạm trữ nhiều nhất tỉnh, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, năm nay Công ty được giao tổng chỉ tiêu 28.000 tấn quy gạo, chiếm 33,73% chỉ tiêu toàn tỉnh (83.000 tấn).
Thời gian thực hiện từ ngày 1-3 đến 15-4. Đến ngày 10-3, công ty đã thu mua 14.000 tấn lúa quy gạo, đạt 50% chỉ tiêu; trong đó số lượng lúa mua được là 10.000 tấn (tiến độ nhập kho bình quân 1.400 tấn quy gạo/ngày). Dự kiến, công ty sẽ hoàn thành tiến độ theo chỉ tiêu mua tạm trữ được giao vào ngày 5-4-2015.
Vụ lúa đông xuân 2014 - 2015, Chính phủ lại triển khai mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân. Với vai trò là doanh nghiệp của Nhà nước, ông có thể cho biết, công ty đã triển khai thu mua như thế nào để kịp tiêu thụ hết lúa gạo trong dân?
- Vụ đông xuân 2014 - 2015, trong bối cảnh đầu ra lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước, ngay khi được phân bổ chỉ tiêu thu mua, công ty đã chủ động và khẩn trương giao chỉ tiêu cụ thể cho 5 đơn vị và xí nghiệp trực thuộc công ty tại 11 điểm thu mua tạm trữ trên các địa bàn trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh, trong đó có 5 điểm thu mua lúa trực tiếp trong dân tại các xã: Hậu Mỹ Trinh và Mỹ Lợi B (huyện Cái Bè), thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước), Mỹ Phước Tây và Trung tâm Nông sản Phú Cường (huyện Cai Lậy).
Điểm mới trong thu mua năm nay là đưa vào hoạt động 5 điểm thu mua lúa tươi với các hệ thống sấy lúa công nghiệp mới được trang bị và nâng cấp. Tổng năng lực sấy 620 tấn lúa tươi/ngày. Điều này góp phần tăng cường khả năng thu mua lúa, đặc biệt là mua lúa tươi trực tiếp từ bà con nông dân.
Kế hoạch mua, giá mua, địa điểm thu mua đều được công ty báo cáo đầy đủ với các ngành chức năng và niêm yết công khai tại các điểm thu mua. Hiện tại, Công ty đang thu mua theo giá thị trường như: Giá lúa thơm Jasmine 6.100 đồng/kg lúa khô tại kho; lúa thường IR 50404 là 5.300 đồng/kg lúa khô tại kho.
Sản lượng lúa trong vụ đông xuân 2014 - 2015 rất lớn.
Theo ông, việc mua tạm trữ lúa gạo có phải là giải pháp để “cứu” nông dân trồng lúa không?
- Năm nay là lần thứ 6 Chính phủ cho phép triển khai mua tạm trữ lúa gạo. Có thể nói, việc tạm trữ là giải pháp tạm thời được thực hiện trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo dồi dào, đầu ra gặp nhiều khó khăn, nhằm mục đích ngăn chặn đà giảm giá, bình ổn được thị trường lúa gạo trong ngắn hạn.
Vì vậy, đây chỉ là giải pháp “can thiệp thị trường”, không phải là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân. Tuy vậy, trên thực tế nếu được tổ chức triển khai thực hiện tốt, đúng thời điểm thì việc tạm trữ cũng sẽ gián tiếp hỗ trợ phần nào cho nông dân.
Chẳng hạn như năm nay, nhờ được chuẩn bị chu đáo và kịp thời, nên thời điểm tạm trữ trùng vào thời gian thu hoạch rộ vụ đông xuân 2014 - 2015 của toàn vùng, nhờ vậy giá thu mua lúa gạo có lợi hơn cho bà con nông dân.
Chẳng hạn, giá gạo lức nguyên liệu hiện nay là 6.400 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg so với trước khi mua tạm trữ); giá lúa khô loại thường từ 5.300 - 5.400 đồng/kg so với từ 5.100 - 5.200 đồng/kg trước đó. Giá thành lúa đông xuân 2014 - 2015 do Bộ Tài chính công bố tại tỉnh Tiền Giang ở mức 3.835 đồng/kg lúa khô loại thường. Như vậy, nông dân có lãi khá.
Về lâu dài, ông có kiến nghị gì để chính sách tạm trữ không còn “đến hẹn lại lên” mà vẫn giữ giá lúa ở mức cao và tiêu thụ hết lúa gạo trong dân?
- Tạm trữ là sự can thiệp vào thị trường nhằm giải quyết tạm thời tình trạng mất cân bằng cung - cầu. Hiện nay, chính sách này vẫn được duy trì và là lần thứ 6 triển khai tạm trữ vì cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm được giải pháp nào tốt hơn.
Về lâu dài để có thể giữ được giá lúa gạo hợp lý mà không cần chính sách tạm trữ phải có nhiều chính sách dài hạn liên quan đến việc tăng “sức cầu” của lúa gạo hàng hóa trên thị trường vào thời điểm thu hoạch rộ.
Đó có thể là chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng chế biến, mở rộng, xây dựng thị trường ổn định gắn với việc xây dựng thương hiệu lúa gạo; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hệ thống bảo quản, dự trữ và nâng cấp hạ tầng phục vụ thu mua.
Chính sách quy hoạch, cân đối diện tích trồng lúa phù hợp; quy hoạch vùng, chủng loại giống theo sát nhu cầu thị trường. Chính sách tổ chức sản xuất lúa gạo theo hướng sản xuất lớn, tập trung trên nền tảng xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã kiểu mới; có đầu tư các dịch vụ hạ tầng về thu mua, phơi sấy, bảo quản ngắn hạn được lúa gạo hàng hóa; thay đổi dần tập quán bán lúa tươi tại ruộng, khuyến khích nông dân phơi sấy, tạm trữ lại chờ giá tốt để bán nhằm tránh áp lực cung lúa gạo trên thị trường vào thời điểm thu hoạch rộ.
Xin cảm ơn ông!
Sĩ Nguyên/ Báo Ấp Bắc thực hiện
Không có nhận xét nào: