Để chốt lại vấn đề phát triển về cây mắc ca, nhìn từ góc độ quản lý, PV Báo NTNN đã phỏng vấn ông Cao Chí Công – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT).
Học viên thực hành ghép cây mắc ca tại Trại giống cây trồng cạn Mường Hồng, Mai Sơn, huyện Mai Sơn, Sơn La.
Trong thời gian qua cây mắc ca đã được đánh giá là cây “tỷ đô”, hay cây “nữ hoàng”. Là đơn vị được Bộ NNPTNT giao nghiên cứu về cây mắc ca, ông có thể cung cấp một số thông tin cơ bản để người dân hiểu hơn về cây trồng này?
- Theo nhận định của tôi cây mắc ca là loại cây có tiềm năng ở nước ta. Tuy nhiên, thông tin trong thời gian vừa qua nói cây trồng này là “tỷ đô” hay “nữ hoàng” là chưa có cơ sở, không loại trừ có trường hợp người bán giống tự nâng giá trị của cây này lên. Muốn đánh giá cụ thể phải trồng khảo nghiệm, trồng nhân rộng ở các vùng sinh thái khác nhau, từ đó mới có thể nhận xét chính xác về cây trồng này.
Thực tế cho thấy, thống kê trong thời gian qua, ở các địa phương mới trồng được khoảng 2.000ha, trong đó mới chỉ có khoảng 30ha có quả và chủ yếu để lấy hạt bán giống chứ chưa được tiêu thụ để sản xuất các sản phẩm như bánh kẹo, chế phẩm khác…
Tuy nhiên, tôi cũng xin nhắc lại, những nghiên cứu, thử nghiệm vừa qua chỉ mới đánh giá được sơ bộ về trồng ở khu vực nào, thời điểm bao nhiêu năm thì ra hoa, đậu quả ở những khu vực thử nghiệm.
Không chỉ ví là cây “nữ hoàng”, có những thông tin còn đưa ra là cần đẩy mạnh tăng diện tích quy hoạch mắc ca lên tới 200.000ha và sẽ hỗ trợ 15 triệu đồng/ha nếu người dân trồng trên 50ha nhằm để đưa Việt Nam trở thành thủ phủ cây mắc ca của toàn thế giới. Ông đánh giá thông tin này như thế nào?
- Tôi chưa có được những thông tin chính thức, nhưng có thể khẳng định tới thời điểm này, ngành nông nghiệp chưa công bố hay ban hành một văn bản chỉ đạo nào nói là quy hoạch trồng 200.000ha và có chính sách hỗ trợ người dân mở rộng diện tích.
Chúng tôi chỉ đưa ra những thông tin ban đầu sau khi tiến hành khảo nghiệm là cây mắc ca có tiềm năng. Theo tôi, để trồng cây mắc ca ở diện tích rộng phải có bước đi cụ thể và khoa học, không thể trồng ồ ạt được. Nếu không thiệt hại sau này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người dân.
Vừa qua, việc đẩy giá giống mắc ca tăng quá cao có quan điểm cho rằng là do Bộ NNPTNT cũng có trách nhiệm khi nghiên cứu quá lâu mà chưa đưa ra kết luận khoa học để công bố cho người dân biết?
- Đối với cây mắc ca, tối thiểu là phải 2 năm mới tạo được cây giống theo phương pháp chiết ghép hoặc hom và từ 5-7 năm mới cho thu hoạch.
Mặt khác, không phải trồng ra quả vụ đầu tiên là đánh giá được. Để đưa ra đánh giá hiệu quả kinh tế và khuyến cáo cho người dân còn phải chờ đánh giá cả về thị trường như có tiêu thụ được không; tiêu thụ ở đâu; hiệu quả như thế nào… trước khi đưa ra khuyến cáo cho người dân.
Hiện chỉ mới nghiên cứu ở vài mô hình, ở vài tiểu vùng khí hậu mà đưa ra khuyến cáo là quá vội vàng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng tôi cũng có nghe một số thông tin và phản ánh từ các trung tâm sản xuất giống là người dân cũng đang mua lượng giống cây mắc ca rất cao. Có thể là do theo phong trào, khi ra siêu thị cũng thấy hạt mắc ca nhập khẩu về bán giá cao… dẫn tới người dân rủ nhau đi mua cây giống về trồng.
Trước thực trạng cây mắc ca đang tạo cơn sốt, Bộ có những giải pháp cụ thể gì để định hướng cho người dân?
- Trước mắt, ngay trong tháng 3 chúng tôi sẽ ban hành văn bản thông báo cho các địa phương để phổ biến cho người dân về một số thông tin liên quan tới cây mắc ca. Tiếp đến sẽ tiến hành hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học ở một số vùng miền, đặc biệt là ở Tây Nguyên và Tây Bắc.
Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiến hành lựa chọn một số đơn vị doanh nghiệp để tiến hành triển khai mô hình thí điểm từ khâu tạo giống đến trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ kết quả thí điểm, chúng tôi sẽ đưa ra được định hướng, xác định quy hoạch mắc ca làm căn cứ cho các địa phương triển khai.
Xin cảm ơn ông!
Về việc quản lý nguồn giống, ông Cao Chí Công nhấn mạnh: “Với cây mắc ca, nếu không kiểm soát được tốt chất lượng giống, chắc chắn người dân mua về trồng sẽ bị thiệt hại, không có quả, quả nhỏ, hoặc quả rất ít. Về nguyên tắc, giống cây mắc ca phải được lấy từ những cây đã được khảo nghiệm và được Bộ NNPTNT công nhận giống tiến bộ kỹ thuật hoặc giống quốc gia. Do đó, các địa phương phải làm tốt công tác kiểm tra giám sát theo đúng chỉ đạo của Bộ NNPTNT”.
Thanh Xuân (Thực hiện) (Dân Việt)
Không có nhận xét nào: