» » » Tín hiệu vui cho người nuôi tôm

Nếu kết quả sơ bộ của thuế chống phá giá lần 9 của Mỹ áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam được giữ nguyên trong đợt công bố kết quả cuối cùng (dự kiến được công bố vào đầu tháng 6/2015), thì sẽ tạo điều kiện cho mặt hàng tôm xuất mạnh vào Mỹ. Khi ấy, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu lớn nên giá tôm sẽ tăng trở lại.

Nuôi tôm ở Tuy Phong. Ảnh: Đình Hòa.

Thời điểm này, nhiều người nuôi tôm trong tỉnh Bình Thuận chưa dám thả nuôi lại tôm thẻ chân trắng, một động thái nói lên nhiều vấn đề, nếu so sánh tình hình chung với các năm trước, nhất là những khi tôm có giá cao. Một phần vì mùa vụ trước, một số ao tôm ở Tuy Phong, La Gi bị nhiễm bệnh, người nuôi thất thu, đang xoay xở tìm tiền để gầy nuôi vụ tới. Phần khác, khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện thời tiết bất thường năm nay vốn dễ bùng phát dịch bệnh trên con tôm, nên người nuôi tuân thủ chờ mưa xuống sẽ thả tôm, để khắc chế dịch bệnh. Thêm nữa, những con tôm được thả nuôi trong tết đến nay may mắn không bị bệnh, đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá bán lại không cao, dù đang là hàng hiếm. Tại các vùng nuôi tôm ở Tuy Phong, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá khoảng 90.000 - 98.000 đồng/kg, trong khi cùng thời điểm này năm trước là 120.000 - 130.000 đồng/ kg. Còn thông tin từ Phòng Kinh tế thị xã La Gi, trong năm 2014, tình hình nuôi tôm ở các vùng như Tân Hải, Tân Tiến… thuận lợi hơn năm 2013, dù cũng có vụ tôm bị bệnh rải rác. Năng suất tôm bình quân đạt 10 tấn/ha, giá trong năm có lúc lên 165.000 đồng/kg loại 80 con nên người nuôi có lời. Còn hiện tại, tôm xuất bán không nhiều nhưng giá tôm chưa vượt qua 100.000 đồng/kg. Vì sao nguồn cung ít nhưng con tôm vẫn không có giá?

Nhiều người quan tâm đến chuyện xuất khẩu con tôm cho rằng, giá tôm thấp là do liên quan đến thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Đợt công bố kết quả sơ bộ rà soát hành chính lần thứ 8 (POR8), thuế chống bán phá giá cho mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã nâng từ mức 0% cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam trong kỳ POR7, lên mức cao nhất là 9,75%, thấp nhất là 4,98% và thuế suất của toàn quốc là 25,76%. Các doanh nghiệp bị đánh thuế cao nên giá tôm mua bị hạ xuống là chuyện đương nhiên, vì thực tế từ thời điểm đó đến nay, giá tôm trên thị trường Bình Thuận giảm. Chỉ có thời điểm tăng là khi các thương nhân Trung Quốc ồ ạt qua mua, đẩy giá tôm tăng. Mới đây, hôm 3/3, DOC đã công bố kết quả sơ bộ kỳ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, giai đoạn từ 1/2/2013 đến 31/1/2014. Theo đó, mức thuế lần này cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam là 0,93%, giảm rất mạnh so với kỳ POR8.

Dù vậy, nhiều người nhận định, khi thuế chống bán phá giá tăng, lập tức kéo giá tôm nguyên liệu thị trường nội địa đi xuống, tuy nhiên, khi mức thuế này giảm, chưa chắc có tác dụng giúp kéo giá tôm phục hồi. Việc giá tôm có tăng hay không trong năm 2015 còn chờ thời gian nhưng trước mắt, nếu kết quả sơ bộ của kỳ POR9 được giữ nguyên trong đợt công bố kết quả cuối cùng (dự kiến được công bố vào đầu tháng 6/2015), thì đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Mỹ. Và khi thị trường được mở rộng thì doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu lớn nên giá tôm sẽ tăng trở lại. Vì thế, đây có thể là tín hiệu vui cho người nuôi tôm trong tỉnh cho vụ mùa tới, vụ người nuôi đã đồng loạt chờ mưa thả tôm nuôi theo khuyến cáo chung để tránh dịch bệnh.

Bích Nghị/ Báo Bình Thuận

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: