Ở nhiều địa phương, người dân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do lúa khó tiêu thụ hơn, giá bắt đầu giảm.
Đến ngày 19/3, theo con số thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố cho thấy, số gạo mà các doanh nghiệp được phân bổ mua tạm trữ đã đạt xấp xỉ 600.000 tấn, tức đạt khoảng 60% chỉ tiêu tạm trữ (1 triệu tấn quy gạo).
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã có sự tích cực triển khai mua lúa gạo tạm trữ theo chủ trương Chính phủ. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, người dân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn do lúa khó tiêu thụ hơn, giá bắt đầu giảm.
Cách đây 1 tháng, sau khi có thông tin Việt Nam trúng thầu lô gạo 300.000 tấn cho Philippines và Chính phủ thông qua quyết định mua tạm trữ, giá lúa gạo ở ĐBSCL ngay lập tức đã có dấu hiệu tăng khoảng 100-150 đồng/kg.
Còn hiện tại, theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp và người dân trồng lúa ở ĐBSCL, giá lúa gạo đang chững lại và một số vùng giá lúa lại giảm. Trong khi đó, nhiều địa phương đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, nhu cầu bán lúa của nông dân rất lớn để trang trải nhiều chi phí và tái đầu tư cho vụ sau.
Tiến độ thu mua lúa gạo ở ĐBSCL diễn ra còn chậm.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp Thành phố Cần Thơ cho biết, tiến độ thu hoạch trong toàn vùng rất lớn nên cũng vượt sức tổ chức thu mua của doanh nghiệp, đây cũng là điểm làm chậm tiến độ thu mua trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc Chính phủ có chủ trương đúng thời điểm, đúng lúc nhưng doanh nghiệp chưa có kế hoạch mở rộng thị trường, chưa có đầu ra nên tiến độ cũng chậm.
Vấn đề chính trong thu mua lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay vẫn là nguồn vốn giải ngân từ ngân hàng còn đang “vướng”. Hiện còn một số doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại, đã có một vài doanh nghiệp trả lại chỉ tiêu mua tạm trữ.
Trong số 128 doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu tạm trữ, đã có 2 đơn vị không thể thực hiện và trả lại chỉ tiêu tạm trữ. Có khoảng 10 đơn vị được phân bổ chỉ tiêu nhưng chưa được giải ngân vốn để tham gia thu mua.
Tại Công ty TNHH Trung An ở quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ, đơn vị được giao chỉ tiêu thu mua 12.000 tấn gạo, hiện nay đã thực hiện đạt khoảng 60%. Hầu hết thu mua ở vùng nguyên liệu đã ký kết hợp đồng bao tiêu cho nông dân.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cho biết, phần lớn các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh xuất khẩu gạo cần nguồn vốn lớn, nên phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng. Đối với việc triển khai thu mua lúa gạo, các doanh nghiệp cũng rất cần nguồn vốn ngân hàng, nhưng phần lớn các doanh nghiệp phản ánh, tình hình tiếp cận nguồn vốn tín dụng rất khó.
“Trên thực tế, các doanh nghiệp thu mua rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thu mua tạm trữ bị chậm. Các tổ chức tín dụng hầu hết phải xin ý kiến hội sở, điều này mất rất nhiều thời gian. Trong khi chủ trương của Chính phủ đã chỉ rõ, các doanh nghiệp nào đã hợp tác thường xuyên với ngân hàng, ngân hàng cần có chính sách thông thoáng hơn. Không nên để một chủ trương đúng, doanh nghiệp làm tốt lại gặp vướng mắc vì việc triển khai tín dụng quá chậm”, ông Bình cho biết.
Mặt khác, theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng với việc một số doanh nghiệp còn khó khăn khi chưa được ngân hàng “bơm vốn” thì chính năng lực và cơ sở vật chất của doanh nghiệp không đủ sức trong việc triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo.
“Hiện nay các doanh nghiệp đã thu mua tạm trữ lúa gạo lại gặp khó khăn về lò sấy. Các lò sấy không đủ công suất để phục vụ cho việc thu mua. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng không đủ phương tiện để vận chuyển lúa hàng hóa của nông dân”, ông Dũng bày tỏ.
Nhìn nhận lại toàn diện vấn đề, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An cho rằng, việc thu mua lúa gạo tạm trữ là giải pháp tình thế, kích cầu thị trường. Do vậy, để việc mua tạm trữ hiệu quả, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần phân bổ chỉ tiêu cho những doanh nghiệp tham gia vào cánh đồng lớn, không nên phân bổ chỉ tiêu “cào bằng” cho gần 150 doanh nghiệp dẫn đến tình trạng cạnh tranh lẫn nhau.
“Sự hỗ trợ của Chính phủ cần đến đúng địa chỉ mới tăng tính hiệu quả. Hiện tại chỉ tiêu phân bổ đang ở mức cào bằng. Có những doanh nghiệp thu mua đặt nặng “lợi ích” cho doanh nghiệp, chưa tính đến đảm bảo lợi ích cho người nông dân, do đó chủ trương chưa đảm bảo được sự kích cầu, nâng cao giá lúa”, ông Bình nói.
Trong khi những giải pháp đưa ra để đẩy nhanh tốc độ thu mua lúa gạo đang được thực hiện, toàn vùng ĐBSCL lại đang tập trung thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Tình trạng lúa thu hoạch về kho đã nhiều hơn nhưng bóng dáng thương lái và doanh nghiệp thu mua lại thưa thớt vẫn đang diễn ra. Điều này tồn tại như một nghịch lý trong khi cơ chế thu mua tạm trữ của Chính phủ trong vụ lúa này được đánh giá là rất nhanh và kịp thời./.
Thanh Tùng/VOV - ĐBSCL
Không có nhận xét nào: