Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ bày tỏ một số quan điểm về việc làm này.
Giá lúa ở vùng ĐBSCL hiện nay đã tăng nhẹ ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo. Chính vì thế, trong những ngày qua, hệ thống thương lái đã triển khai mua lúa hàng hóa của nông dân khá đông ở các địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long...
Đây là vụ lúa lớn nhất năm ở ĐBSCL nên rất được người dân quan tâm, theo dõi. Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ về thực trạng công tác này.
Thưa ông, Cần Thơ là một trong những địa phương được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo cao ở ĐBSCL (175.000 tấn), ông có nhận định gì về việc triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo lần này - ngay thời điểm nông dân ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ?
- Với số lượng chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo được phân bổ, ngành chức năng sẽ không căn cứ vào diện tích canh tác mà sẽ căn cứ vào số lượng doanh nghiệp có khả năng thu mua và tổ chức chế biến xuất khẩu để phân bổ. Hiện số lượng doanh nghiệp thu mua ở Cần Thơ khoảng 26 đơn vị nên chỉ tiêu này tương đối cao.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ. (Ảnh: vtvcantho.vn)
Tuy nhiên, lượng thu mua thì không phải chỉ mua riêng cho Cần Thơ mà các doanh nghiệp còn mua ở các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long...
Lần thu mua tạm trữ này, khái niệm “giải pháp can thiệp thị trường” được đưa ra cho chủ trương mua tạm trữ lúa gạo thay vì cách gọi là giải pháp tình thế, hay xem như “gói hỗ trợ cho nông dân hoặc doanh nghiệp”. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
- Khái niệm này đang khiến cho người nông dân và doanh nghiệp hiểu theo cách khác nhau. Có người nói thực hiện quyết định này có lợi cho doanh nghiệp hơn là nông dân. Có người cho là phân bổ chỉ tiêu như vậy là không đồng đều giữa các địa phương, không phù hợp với điều kiện canh tác thực tế… nhưng suy cho cùng đó là những cách nhìn vào cái lợi trực tiếp.
Quyết định thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân của Chính phủ thực ra là một giải pháp tình thế trong điều kiện cho phép, tức là Chính phủ có thể can thiệp được trong trường hợp thấycó nguy cơ làm ảnh hưởng, thiệt hại cho người nông dân, do đó Chính phủ quyết định thu mua tạm trữ.
Việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo sẽ tạm thời làm giảm nguồn cung trên thị trường, qua đó giúp ổn định lại giá cả. Việc thu mua tạm trữ dù không trực tiếp nhưng sẽ mang lại lợi ích lớn cho người nông dân, khi giá trị lúa gạo không bị ảnh hưởng, đây là điểm tích cực của chủ trương thu mua lúa gạo tạm trữ.
Vấn đề là làm sao để việc triển khai thu mua đạt được hiệu quả tích cực, tránh những thủ tục phiền toái, giúp người nông dân thực sự hưởng lợi được từ việc can thiệp thị trường, giữ giá gạo ổn định trong giai đoạn hiện nay.
Ý kiến của một số địa phương đề nghị nên tìm giải pháp mới, tốt hơn để vực dậy giá lúa gạo, thay vì cứ trông chờ vào việc thu mua tạm trữ. Ông phân tích và đề xuất gì về vấn đề này?
- Đúng như vậy, quyết định thu mua tạm trữ lúa gạo là việc can thiệp vào thị trường của Chính phủ trong điều kiện cho phép. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp căn cơ và lâu dài mà chỉ là giải pháp tình thế.
Việc thu mua lúa gạo phải được cân nhắc về số lượng cũng như thời điểm. Nếu chúng ta không thực hiện đúng sẽ vi phạm hiệp định cam kết về thị trường hội nhập thế giới, trong đó có tiến trình của Chính phủ khi thực hiện nhiều quyết sách đảm bảo việc nâng cao chất lượng và giá trị lưu thông, cạnh tranh thị trường đối với nông sản Việt Nam nói chung, lúa gạo nói riêng.
Hiểu rộng hơn đây là chính sách hỗ trợ đầu tư để hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng chế biến cũng như là tìm kiếm thị trường ổn định gắn với việc xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia của Việt Nam cũng như của từng doanh nghiệp đứng vững trên thị trường.
Trong tiến trình đó, hiện nay chúng ta đang thực hiện những chính sách, gói tín dụng giúp doanh nghiệp đầu tư, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống máy móc thiết bị; tăng đầu tư cho người dân để hiện đại hóa sản xuất của mình theo quy trình tiên tiến của thế giới để hạ giá thành và nâng cao được chất lượng. Từ đó góp phần xây dựng chuỗi giá trị có sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay do chúng ta chưa thực hiện được tổng thể cả tiến trình, do đó vẫn cần phải có những giải pháp tạm thời, từng bước.
Tuy nhiên, tôi nghĩ là về sau này, khi có được sự nhận thức đồng bộ từ người dân cho đến chính quyền và doanh nghiệp, của cả hệ thống mua bán nông sản Việt Nam; cùng với sự đồng tâm nhất trí cao trong vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản của mình… thì các biện pháp tình thế sẽ không cần thiết nữa./.
Vâng, xin cảm ơn ông!./.
Thanh Tùng/VOV - ĐBSCL (Thực hiện)
Không có nhận xét nào: