» » » Đồng Tháp: Thành công bước đầu mô hình trồng nấm rơm trong nhà

Với bản tính kiên trì, chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sáng tạo trong sản xuất,... vợ chồng anh Lê Công Tâm và chị Lượng Thị Hạnh (ngụ khóm 5, thị trấn Lai Vung), bước đầu thành công với mô hình trồng nấm rơm trong nhà. Mô hình này ở huyện Lai Vung chỉ có 1 vài hộ thực hiện nhưng chưa có hộ nào thành công.

Ảnh minh họa

Anh Tâm cho biết mô hình này do anh tìm và nghiên cứu trên mạng internet. Đến tháng 10/2014, sau khi xây xong trại có diện tích khoảng 200m2, bằng các loại cây tạp như tre, tràm, ni lon, lá, bên trong là các kệ trồng nấm với 3 tầng, vợ chồng anh bắt đầu thực hiện quy trình trồng nấm rơm trong nhà trại này.

2 vụ đầu tiên anh cho là thất bại, vì năng suất nấm không cao chỉ phá huề. Anh Tâm dần rút ra kinh nghiệm và điều chỉnh kỹ thuật trồng, đặc biệt là điều chỉnh ẩm độ bên trong nhà trồng nấm. Từ đó những vụ nấm sau năng suất khá dần lên, trung bình mỗi 1m dòng trồng nấm trong 1 vụ anh Tâm thu hoạch khoảng 1kg nấm, cao hơn năng suất của những hộ trồng nấm ngoài ruộng, vườn. Cứ một ghe rơm 20 tấn, anh Tâm thu lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng.

Nấm rơm trồng trong nhà trắng, đẹp, bán giá cao hơn nấm ngoài trời từ 15 -20 ngàn đồng/kg. Chị Hạnh cho biết: “Gia đình tôi thường thu hoạch nấm lúc 12 giờ khuya cho tới sáng, vì nấm vừa thu hoạch rất tươi, mang ra chợ bán ngay cho bạn hàng các nơi đến mua, họ rất thích.

Theo quy trình xử lý của anh Tâm, nấm rơm trồng trong nhà đảm bảo không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy anh Tâm đang có dự định đăng ký nhãn hiệu sản xuất nấm rơm sạch để thuận lợi cho khâu tiêu thụ.

Theo anh Tâm, trồng nấm rơm trong nhà có nhiều ưu điểm, nhất là chủ động được thời tiết và nhiệt độ, tơ nấm không bị ảnh hưởng mưa, nắng, nhờ vậy năng suất ổn định hơn so với trồng nấm ngoài trời. Các khâu kỹ thuật khác như ủ rơm, meo, chất nấm, tưới nước... vẫn thực hiện giống như trồng nấm ngoài trời, nhưng bỏ qua khâu phủ lên dòng 1 lớp rơm áo. Đáng chú ý là anh Tâm chỉ sử dụng rơm nguyên liệu tại đồng nước ngọt, không sử dụng rơm chở từ những vùng nước mặn để tránh tình trạng rơm bị nhiễm mặn.

Hiện nay anh Tâm đã xây dựng được 2 trại trồng nấm, diện tích khoảng 400m2, trồng được khoảng 1.400m dòng. Nhờ thực hiện tốt khâu xử lý vi khuẩn trên nền đất và kệ trồng nấm bên trong trại, nên các vụ nấm được nối tiếp nhau mà năng suất vẫn không giảm.

Phát huy hiệu quả từ mô hình này, anh Tâm đang chuẩn bị xây thêm trại thứ 3. Trại được làm bằng cây tạp, thời hạn sử dụng từ 3 - 4 năm, chi phí xây dựng mỗi trại khoảng 15 triệu đồng. Anh Tâm chia sẻ: “ Mặc dù tốn kém chi phí xây trại, nhưng bù lại hiệu quả trồng nấm trong nhà cao gấp đôi so với trồng nấm ngoài trời”.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà của hộ anh Tâm, chị Hạnh, được đánh giá thành công bước đầu. Theo ông Huỳnh Văn Tồn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, mô hình này sẽ được ngành chức năng tổ chức nhân rộng.

Mỹ Thức/ Báo Đồng Tháp

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: