» » » Đồng Tháp: Nuôi lươn giống nhân tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao

Năm 2014, từ nguồn kinh phí khuyến nông, Phòng Kinh tế và Trạm Thủy sản TX.Hồng Ngự đã triển khai thí điểm, hỗ trợ cho 2 hộ nông dân nuôi lươn giống nhân tạo, bước đầu cho kết quả khả quan.

Mô hình nuôi lươn của ông Văn Văn Sơn

Hộ đầu tiên được hỗ trợ là hộ ông Văn Văn Sơn, phường An Lộc. Với 200kg lươn giống được hỗ trợ từ nguồn vốn của Phòng Kinh tế và Trạm Thủy sản thị xã, ông Sơn cho sinh sản lứa lươn con đầu tiên ước đạt trên 25 ngàn con. Sau hơn 2 tháng ông tiến hành thả nuôi và cho lươn sinh sản, toàn bộ quy trình từ khâu bắt lươn bố mẹ, đến khi sinh sản và chăm sóc đều được các cán bộ của Trạm Thủy sản hướng dẫn. Sau khi cho lươn đẻ ngoài ao tự nhiên, ông thực hiện quy trình xúc trứng và cho vào các bể để ương giống, quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và công chăm sóc.

Ông Sơn cho biết, ban đầu làm quen công việc khá khó khăn, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật nên cũng bắt nhịp nhanh. Lươn nở tốt, hao hụt ít, đồng đều và tỉ lệ sống đạt khá cao. Hơn 2 tháng tuổi, lươn giống phát triển tốt, đồng đều và tỉ lệ lên giống đạt trên 90%. Theo ông Sơn, nuôi lươn giống đòi hỏi công chăm sóc và theo dõi nguồn nước, nhằm duy trì nhiệt độ và chất lượng nguồn nước. Thức ăn cho lươn con chủ yếu là trùng chỉ. Dự kiến lứa lươn này, ông Sơn sẽ giữ lại nuôi thương phẩm để đánh giá chất lượng lươn thịt, sau đó mới tiến hành bán lươn giống ra thị trường.

Hộ anh Trần Huỳnh Phương ngụ phường An Thạnh cũng nhận được hỗ trợ từ việc thí điểm mô hình cho lươn sinh sản nhân tạo. Tham gia mô hình, anh Phương nhận được 200kg lươn giống và tiền thức ăn cho lươn với gần 20 triệu đồng. Anh Phương cho biết, sau khi ươn lên 15 ngàn lươn giống, anh bán lươn giống ra cho một số hộ nuôi. Kết quả bước đầu cho thấy, so với lươn tự nhiên thì lươn sinh sản nhân tạo đạt tỉ lệ sống cao, ổn định hơn.

Cũng theo anh Phương, nếu mô hình hết hỗ trợ thì khả năng phát triển cũng rất khả quan vì hiện tại lươn con từ 2-3 tháng tuổi có giá từ 3-4 ngàn đồng/con. Mức giá này cao hơn nhiều so với lươn bắt ngoài tự nhiên. Do hiện không phải mùa nước nổi (lươn ngoài tự nhiên nhiều) nên nhu cầu mua lươn giống để thả nuôi của người dân khá cao. Điểm mạnh của lươn sinh sản nhân tạo là thích nghi được trong môi trường nước và thức ăn trong bể chứa nên ít bị sốc khi thay đổi môi trường, nhiệt độ; hạn chế được hao hụt khi nuôi.

Ông Trần Phước Lộc - Trưởng Phòng Kinh tế TX.Hồng Ngự cho biết, qua hỗ trợ 2 hộ đã sản xuất được khoảng 35 ngàn con lươn giống, đến nay hiệu quả kinh tế của 2 hộ được đánh giá đạt yêu cầu. Hướng tới, song song với hỗ trợ cho các hộ nuôi lươn, Phòng tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nuôi lươn sinh sản để tạo nguồn giống ổn định tại địa phương, đáp ứng được yêu cầu nuôi lươn hiện nay trên địa bàn huyện, cũng như các địa bàn xung quanh.

Thảo Vy/ Báo Đồng Tháp

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: